Nền kinh tế thế giới đang phục hồi sau cuộc khủng hoảng đại dịch nhanh hơn so với dự kiến, một phần nhờ vào thành công của vắc xin COVID-19 và nỗ lực kích thích nền kinh tế của Hoa Kỳ, nhưng sự cải thiện không đồng đều và tình trạng thất nghiệp vẫn là một mối lo ngại lớn, theo một dự báo mới công bố.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hôm 9/3 đã nâng triển vọng tăng trưởng GDP toàn cầu lên 5,5% trong năm nay và 4% trong năm tới. Con số đó tăng so với dự báo đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái là 4,2% vào năm 2021 và 3,7% vào năm 2022.
Sau khi COVID-19 khiến nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng vào năm ngoái, OECD hiện dự báo sản lượng toàn cầu sẽ vượt qua mức trước đại dịch vào giữa năm nay. Tuy nhiên, tổ chức này cảnh báo về sự phân hóa đang diễn ra, với tốc độ tăng trưởng nhanh hơn ở Trung Quốc và Mỹ trong khi một số khu vực khác dự kiến sẽ tiếp tục chật vật cho đến cuối năm 2022.
Tổ chức có trụ sở tại Paris cũng cảnh báo rằng các biến thể virus mới và việc triển khai vắc xin quá chậm có thể tác động tới các doanh nghiệp và cơ hội việc làm.
Có thêm gần 10 triệu người tại 36 quốc gia thành viên OECD, vốn chủ yếu là các nước giàu, hiện đang thất nghiệp so với trước cuộc khủng hoảng. Và ở các nước nghèo hơn, "mất việc làm đáng kể đã làm gia tăng tình trạng nghèo đói của hàng triệu lao động", báo cáo cho biết.
“Ưu tiên hàng đầu của chính sách là đảm bảo rằng tất cả các nguồn lực cần thiết được sử dụng để sản xuất và triển khai toàn diện việc tiêm vắc xin nhanh nhất có thể trên toàn thế giới, để cứu sống, bảo toàn thu nhập và hạn chế tác động tiêu cực của các biện pháp ngăn chặn đối với hiện trạng của người dân”, báo cáo nói.