Hàng ngàn binh sĩ Mỹ đang tiếp tục kéo đến miền Nam Afghanistan, và trong nay mai, theo quân đội Hoa kỳ, sẽ có 98,000 binh sĩ Mỹ tại Afghanistan trong nỗ lực chống lại thành phần nổi dậy đang cầm súng chống lại NATO và chính phủ Afghanistan.
Mặc dù NATO vẫn thiếu khoảng 450 huấn luyện viên so với các con số mà các giới chức nói là cần thiết để nhanh chóng gầy dựng các lực lượng an ninh Afghanistan, quân đội đã bắt đầu chuyển giao trách nhiệm giữ gìn an ninh tại một số khu vực của Afghanistan.
Đại Tướng David Petraeus, Tư lệnh các lực lượng Mỹ ở Iraq và Afghanistan, nói với Ủy ban Quân Vụ Thượng viện Hoa kỳ rằng các binh sĩ và cảnh sát Afghanistan đang đóng góp những hy sinh vô cùng lớn lao cho đất nước họ. Đại Tướng Petraeus nói:
“Các lực lượng Afghanistan đang dẫn đầu tại Kabul và một số khu vực khác, cũng như đi đầu trong các sứ mạng khác. Về phần lớn, họ tham gia tích cực và chiến đấu trên khắp nước, đến nỗi mức tổn thất nhân mạng trong các lực lượng ấy thông thường cao hơn gấp nhiều lần so với số tử vong từ phía Hoa kỳ.”
Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đã đề ra kỳ hạn là vào tháng Bảy năm tới, sẽ bắt đầu tiến trình triệt thoái binh sĩ Mỹ ra khỏi Afghanistan, một kỳ hạn bị một số nhà lập pháp chỉ trích.
Những người ủng hộ hạn chót này nói đây là điều cần thiết để buộc giới lãnh đạo Afghanistan phải nhận lãnh trách nhiệm bảo đảm an ninh cho đất nước của họ.
Những người chống đối nói đặt ra một kỳ hạn để bắt đầu rút quân, đánh đi một thông điệp lẫn lộn đến Afghanistan và các đồng minh của Hoa kỳ trong khu vực, như Pakistan. Thượng nghị sĩ John McCain nói:
“Đại tướng Petraeus, ngay trong lúc này, chúng ta đang đánh đi một thông điệp không rõ rệt đến các nước bạn cũng như đến những kẻ thù của chúng ta. Họ tin rằng chúng ta sẽ rời khỏi Afghanistan vào tháng Bảy năm 2011.”
Tướng Petraeus nói điều quan trọng là phải nhấn mạnh với nhân dân Afghanistan rằng Hoa kỳ duy trì cam kết lâu dài với đất nước của họ, và việc triệt thoái quân đội Mỹ tùy thuộc vào các điều kiện an ninh tại hiện trường. Ông nói:
“Kỳ hạn đã đặt ra không phải là ngày mà chúng ta nhìn về hướng cửa, tìm cách tắt đèn, đóng cửa ra đi, mà đúng hơn, đó là ngày bắt đầu một tiến trình.”
Tổng Thống Obama đã tăng gấp 3 quân số của các lực lượng Mỹ tại Afghanistan, từ ngày lên nhậm chức. Hiện ông chưa quyết định nên rút quân về nước ở tốc độ nhanh như thế nào. Trong khi chờ đợi, nhiều nhà lập pháp Mỹ nói đã có những dấu hiệu đáng lo ngại tại Afghanistan.
Các cuộc giao tranh với phe Taliban vẫn tiếp diễn quanh vùng Marja, lẽ ra là một thí điểm cho chiến dịch chống nổi dậy.
Một số giới chức Mỹ quan tâm về Tổng Thống Afghanistan Hamid Karzai, người mới đây đã bãi nhiệm hai giới chức cấp cao Afghanistan được Hoa kỳ quý trọng.
Một chiến dịch hỗn hợp quân sự và dân sự quy mô tại Kandahar, dường như tiến bộ chậm hơn dự kiến của các nhà lập kế hoạch quân sự.
Bất kể những vấn đề đó, Đại Tướng Petraeus nói kỳ hạn đặt ra cho quân đội vẫn đang được tiến hành theo đúng hướng. Ông nói:
“Việc tiến hành chiến dịch quân sự đầy những bất ngờ. Có những bước thụt lùi bên cạnh những lĩnh vực tiến bộ và thành công.”
Tướng Petraeus nói sẽ không có một ngọn đồi nào ở Afghanistan mà các binh sĩ Mỹ cắm một ngọn cờ rồi lên đường về nước để tham gia một cuộc diễu hành mừng chiến thắng.
Tướng lãnh 4 sao này nói thêm rằng hướng đi của cuộc chiến nói chung là tích cực, bất chấp những trì hoãn và số thương vong ngày càng tăng.
Tổng Tư lệnh Bộ Tư Lệnh miền Trung Hoa Kỳ hôm thứ Tư nói rằng ngày triệt thoái ra khỏi Afghanistan của các lực lượng Mỹ chỉ là khởi đầu của một tiến trình, chứ không phải là một cuộc triệt thoái vội vã ra khỏi Afghanistan. Đại tướng David Petraeus mô tả chiến dịch quân sự chống phe nổi dậy như có lúc lên cao có lúc xuống thấp, ông nói rằng nỗ lực quân sự nói chung đang đi theo một hướng tích cực.