Bắt đầu từ ngày 8/7, Pháp phải đối mặt với một quốc hội treo và các cuộc đàm phán khó khăn để thành lập chính phủ, sau khi làn sóng cánh tả bất ngờ cản trở nỗ lực của bà Marine Le Pen nhằm đưa phe cực hữu lên nắm quyền.
Mặt trận Bình dân Mới (NFP) theo cánh tả nổi lên như một lực lượng thống trị trong Quốc hội Pháp sau cuộc bầu cử hôm 7/7, nhưng không có nhóm nào đảm bảo thế đa số tuyệt đối, với các khả năng bao gồm NFP thành lập một chính phủ thiểu số hoặc xây dựng một liên minh lớn, cồng kềnh.
Kết quả này đã giáng một đòn mạnh vào Tổng thống Emmanuel Macron và khiến nền kinh tế lớn thứ hai khu vực đồng euro rơi vào tình trạng lấp lửng, báo trước một thời kỳ bất ổn chính trị chỉ vài tuần trước khi Paris đăng cai Thế vận hội Olympic.
Ông Macron đã đi đến chỗ có một quốc hội bị chia cắt và điều này được cho là sẽ làm suy yếu vai trò của Pháp trong Liên minh châu Âu và xa hơn thế, đồng thời cũng làm cho bất kỳ ai khó có thể thúc đẩy một chương trình nghị sự trong nước.
Dữ liệu của Bộ Nội vụ Pháp được tờ Le Monde trích dẫn cho thấy, cánh tả đã giành được 182 ghế, liên minh trung dung của ông Macron giành 168 ghế và Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) của bà Le Pen cùng các đồng minh giành 143 ghế.
“Theo logic các thông lệ của chúng tôi, hôm nay ông Emmanuel Macron nên chính thức mời Mặt trận Bình dân Mới đề cử thủ tướng,” Lãnh đạo đảng Xanh Marine Tondelier, một trong số những nhân vật của NFP được coi là ứng cử viên tiềm năng cho chức vụ này, cho biết.
“Ông ấy sẽ làm hay không? Vì vị tổng thống này luôn đầy rẫy những điều bất ngờ, chúng ta sẽ chờ xem,” bà Tondelier nói trên đài phát thanh RTL.
Thủ tướng Gabriel Attal cho biết ông sẽ nộp đơn từ chức vào ngày 8/7, nhưng không rõ liệu tổng thống có ngay lập tức chấp nhận việc này hay không trong lúc đối diện nhiệm vụ khó khăn trước mắt là thành lập chính phủ. Ông Attal cho biết ông sẽ sẵn sàng tiếp tục đảm nhận vai trò trong lúc lâm thời.
Những giọng nói bất hòa trong cánh tả
Các nhà lãnh đạo của NFP đã gặp nhau qua đêm để có những cuộc đàm phán đầu tiên về cách tiến hành, nhưng trong các cuộc phỏng vấn trên truyền thông hôm 8/7, họ đưa ra rất ít định hướng.
Bà Tondelier cho biết trên đài phát thanh France Inter rằng thủ tướng có thể là người thuộc đảng cực tả Nước Pháp Bất khuất, Đảng Xanh hoặc Đảng Xã hội, ba đảng lớn nhất trong liên minh.
Ông Olivier Faure, lãnh đạo Đảng Xã hội, nói trên đài phát thanh France Info rằng ông mong đợi các bên sẽ đồng ý về kế hoạch trong tuần này, nhưng tránh trả lời câu hỏi về việc liệu NFP có sẵn sàng đàm phán một thỏa thuận với phe trung dung của ông Macron hay không.
Ông Raphael Glucksmann, một người ôn hòa nổi tiếng, người dẫn đầu phe cánh tả trong cuộc bầu cử châu Âu hồi tháng trước, cho biết hôm 7/7 rằng một quốc hội treo cần phải có sự cởi mở để đối thoại.
Nhưng thủ lĩnh cực đoan của đảng Nước Pháp Bất khuất, Jean-Luc Melenchon, một trong những nhân vật gây chia rẽ nhất trong nền chính trị Pháp, đã dứt khoát loại trừ bất kỳ thỏa thuận nào với những người theo chủ nghĩa ôn hòa hôm 7/7, và vào ngày 8/7, đồng minh của ông, Eric Bompard, tỏ ra không khoan nhượng.
“Tổng thống phải bổ nhiệm một người nào đó từ Mặt trận Bình dân Mới làm thủ tướng để thực hiện chương trình của NFP, toàn bộ chương trình và không có gì ngoài chương trình,” ông nói trên đài truyền hình France 2.
Bị thách thức về việc làm thế nào điều đó có thể thực hiện được nếu không có đa số tuyệt đối, ông Bompard từ chối trả lời câu hỏi, nhấn mạnh rằng vì NFP đã đi trước nên họ sẽ chi phối và loại bỏ ý tưởng đàm phán với bất kỳ ai khác.
Tuy nhiên, có rất ít khả năng bất kỳ đề xuất quan trọng nào của khối cánh tả, bao gồm tăng mức lương tối thiểu, đảo ngược cải cách lương hưu của ông Macron và giới hạn giá các mặt hàng quan trọng, sẽ được thông qua trong cuộc bỏ phiếu tại quốc hội mà không có thỏa thuận nào với các nhà lập pháp từ bên ngoài khối.
Các nhà trung dung sẵn sàng đàm phán
Một số nhân vật trung dung nổi bật, bao gồm ông Edouard Philippe, cựu thủ tướng dưới thời ông Macron, cho biết họ sẵn sàng thực hiện một thỏa thuận nhằm đảm bảo một chính phủ ổn định, nhưng chưa sẵn sàng làm việc với đảng Nước Pháp Bất khuất, một lực lượng được nhiều người theo chủ nghĩa trung dung ở Pháp coi là cực đoan tương tự như RN.
Bà Yael Braun-Pivet, một nhà lập pháp thuộc đảng của ông Macron – người từng là lãnh đạo Quốc hội trước cuộc bầu cử, cho biết văn hóa chính trị của Pháp sẽ phải tiến triển, trở nên ít đối kháng hơn và hợp tác hơn giữa các đảng phái.
“Thông điệp mà tôi nghe được từ cử tri là ‘không ai có được đa số tuyệt đối, vì vậy các bạn phải làm việc cùng nhau để tìm ra giải pháp cho các vấn đề của chúng ta’,” bà Braun-Pivet nói trên kênh truyền hình France 2.
Đối với đảng RN của bà Le Pen, kết quả khác xa so với những tuần trước đó khi các cuộc thăm dò dư luận luôn dự đoán đảng này sẽ giành chiến thắng một cách dễ dàng.
Các liên minh cánh tả và trung dung đã cùng hợp tác sau vòng bỏ phiếu đầu tiên vào tuần trước bằng cách thu hút lá phiếu của các ứng cử viên từ các cuộc đua ba bên để tạo nên một cuộc bỏ phiếu thống nhất chống lại RN.
Trong phản ứng đầu tiên, lãnh đạo RN Jordan Bardella, người được bà Le Pen bảo trợ, đã gọi sự hợp tác giữa các lực lượng chống RN là một “liên minh đáng hổ thẹn” mà ông cho rằng sẽ làm tê liệt nước Pháp.
Tuy nhiên, bà Le Pen, người có thể sẽ là ứng cử viên của đảng cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2027, cho biết cuộc bỏ phiếu hôm 7/7, trong đó RN đã giành được nhiều thắng lợi lớn, đã gieo hạt giống cho tương lai.
“Chiến thắng của chúng tôi chỉ đơn thuần là bị trì hoãn thôi,” bà nói.
Diễn đàn