Đường dẫn truy cập

Philippines – Việt Nam: Để cộng hưởng chiến lược tạo thêm sức mạnh


Chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. hồi đầu năm 2023 đã không dẫn đến sự cải thiện tốt đẹp nào cho quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila.
Chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. hồi đầu năm 2023 đã không dẫn đến sự cải thiện tốt đẹp nào cho quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila.

Những động lực đằng sau Cuộc gặp Cấp cao Phi – Việt lần này liệu có góp phần tạo ra được một ‘tiểu COC’ (Mini—COC), chặn đà bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông?

Động lực từ cả hai phía

Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao hôm 25/01 từ Hà nội vẫn không công khai tiết lộ động lực từ phía Việt Nam đằng sau gặp Cấp cao Phi – Việt ngày 29/01 là gì. ‘Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr kể từ khi nhậm chức, và là đoàn nguyên thủ nước ngoài thứ ba thăm cấp nhà nước Việt Nam trong tháng một này’ (1). Hà Nội chỉ đơn thuần là biểu dương các thắng lợi ngoại giao đầu năm mới. Nhưng nếu chú ý đến phát biểu của Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo từ mùa hè năm ngoái, có thể dự đoán được đôi điều. Chính trong bối cảnh địa-chính trị đang tiến triển hiện nay mà Philippines và Việt Nam đang thiết lập lộ trình cho mối quan hệ Đối tác Chiến lược của chúng ta. Bằng chính nền tảng của mình, mối quan hệ Đối tác Chiến lược ấy khẳng định quyền lợi và quyền tự quyết của chúng ta trong việc xác định tương lai cho khu vực. Nó nhấn mạnh mức độ tín nhiệm, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau ở cấp độ cao giữa chúng ta và mối quan hệ của chúng ta có thể làm gì vì lợi ích của nhau’ (2).

Chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. hồi đầu năm 2023 đã không dẫn đến sự cải thiện tốt đẹp nào cho quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila.

Chỉ một tháng sau chuyến thăm cấp nhà nước này, đã xảy ra căng thẳng ở Biển Đông khi lực lượng hải cảnh Trung Quốc chiếu tia laser vào lực lượng Cảnh sát biển Philippines ngoài khơi Bãi Cỏ Mây. Tình hình trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt sau khi Manila công khai hành vi chèn ép của Bắc Kinh. Đã xảy ra sự cố hàng rào phao chắn nổi ở Bãi cạn Scarborough, mặc dù tâm điểm tập trung vào Bãi Cỏ Mây, nơi Trung Quốc và Philippines vẫn đang căng thẳng cho tới ngày hôm nay. Các lực lượng Trung Quốc đã quấy rối các nhiệm vụ luân chuyển và tiếp tế của Philippines tới tiền đồn ở bãi cạn này và phun vòi rồng vào các tàu Philippines, trường hợp đầu tiên được ghi nhận kể từ năm 2021 (3).

Về phía Việt Nam, lần đầu tiên, Bộ Ngoại giao đã dùng đến khái niệm ‘chiếm đoạt’ để mô tả hành động xâm lược của Trung Quốc trong cuộc cưỡng chiếm quần đảo Gạc Ma ngày 19/01/1974 cách đây 50 năm. Vì thời hiệu nửa thế kỷ đã trôi qua, phía Việt Nam còn khẳng định thêm, chân lý, lẽ phải và cơ sở pháp lý đối với chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam, bất chấp sự việc có lùi xa bao nhiêu năm’.

Nhưng chỉ 5 ngày sau tuyên bố hiếm hoi ấy, hôm 24/01/2024, từ Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ‘dập te tua’ tuyên bố của Hà Nội: ‘Trung Quốc phản đối các yêu sách bất hợp pháp của các nước liên quan đối với lãnh thổ Trung Quốc và sẽ tiếp tục bảo vệ vững chắc chủ quyền của mình’ (4). Suốt cả tháng hè năm ngoái, tàu nghiên cứu của Trung Quốc được các tàu hộ vệ, vẫn liên tục hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam trên Biển Đông.

Như thế là đã rõ, đúng như sự khẳng định của Ngoại trưởng Philippines, ‘vị trí địa lý và vị thế của chúng ta với tư cách là các quốc gia ven biển và yêu sách lớn ở Biển Đông khiến hợp tác hàng hải trở thành một điểm tương tác quan trọng giữa hai nước chúng ta, với tư cách là đối tác kinh tế và an ninh. Giống như nhiều thế kỷ trước, vùng nước này kết nối các dân tộc của chúng ta, bất chấp một số khác biệt’. Ngoài ý nghĩa chiến lược, Biển Đông còn là huyết mạch của hàng triệu người dân Philippines và Việt Nam sống phụ thuộc vào biển để kiếm sống. Với tư cách là các quốc gia hàng hải ở trung tâm của cảnh quan biển này, cả Hà Nội lẫn Manila đều coi các vùng biển an toàn và bảo đảm cũng như hệ sinh thái biển lành mạnh là không thể thiếu đối với tương lai của các dân tộc và các nước trong khu vực (5).

Những cộng hưởng làm nên sức mạnh

Cấp cao Ferdinand Marcos Jr – Võ Văn Thưởng cuối tháng này, dự đoán có thể sẽ có một số tương tác về chính sách giữa hai nước. Thứ nhất, phát huy thắng lợi của Phán quyết Tòa trọng tại CPA, Philippines có thể sẽ đệ đơn kiện tiếp Trung Quốc lên Tòa án PCA, liên quan đến các cáo buộc về các hoạt động của Bắc Kinh đã phá hoại môi trường ở biển Tây Philippines (cách Philippines gọi phần phía đông của Biển Đông). Thông báo này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Cảnh sát biển Philippines (PCG) báo cáo thiệt hại nghiêm trọng do các hoạt động của Trung Quốc gây ra đối với môi trường biển ở rạn san hô Rozul và bãi cạn Escoda (còn gọi là Sa Bin, thuộc cụm Bình Nguyên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) (6). Đây là dịp Hà Nội hoàn toàn có thể trao đổi kinh nghiệm, thậm chí cả cách chuẩn bị báo cáo các thiệt hại do Trung Quốc gây ra đối với các ngư dân Việt Nam trong vùng EEZ của mình.

Thứ hai, Philippines và Việt Nam có thể cùng thúc đẩy tiến trình đàm phán COC bị Trung Quốc câu giờ bao lâu nay, bằng cách chủ động tiếp cận các quốc gia khác trong ASEAN đang có tranh chấp về biển đảo. Những quốc gia có thể vận động tham gia là Indonesia, Malaysia hướng tới xây dựng một bộ quy tắc ứng xử của riêng mấy nước liên quan (Mini—COC). Hy vọng nếu điều này thành công thì có thể phát triển hơn nữa và mở rộng sang các nước ASEAN khác. Nếu Cấp cao Phi – Việt lần này góp phần tạo ra được một ‘tiểu COC’ để chặn đà bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông thì Cấp cao này xứng đáng được ghi vào lịch sử. Tổng thống Marcos từng phàn nàn: ‘Chúng tôi vẫn đang chờ đợi bộ quy tắc ứng xử giữa Trung Quốc và ASEAN và đáng tiếc là tiến độ này diễn ra khá chậm chạp’ (7).

Thứ ba, nhiều khả năng Philippines sẽ tiếp tục vạch trần hành động của Bắc Kinh ‘gắp lửa bỏ tay người’, chia rẽ Philippines với Việt Nam. Ngày 19/1/2024, Tờ báo Philstar của Philippines đã công bố một phóng sự điều tra, theo đó, đã vạch trần hành động ‘ném đá giấu tay’ nhằm vu vạ cho Việt Nam để chia rẽ Philippines và Việt Nam. Bài báo đã cho biết: ‘Các phóng viên Philippines và một chuyên gia hàng hải nổi tiếng đã nhận được một loạt tin nhắn từ các nguồn không xác định vào năm 2023 nhằm chuyển hướng sự chú ý của công chúng khỏi hành động của tàu Trung Quốc ở Biển Tây Philippines sang hoạt động được cho là ‘quân sự hóa’ của Việt Nam ở đó’ (8).

Thứ tư, cộng hưởng chính sách hai nước còn gặp nhau ở nội dung rất quan trọng: Cả hai cùng đặt niềm tin vào một trật tự dựa trên luật lệ, coi đó là nền tảng cho hòa bình và ổn định trong khu vực. Sự tuân thủ của các quốc gia đối với các chuẩn mực và luật pháp quốc tế vận dụng bản chất của sự tôn trọng lẫn nhau và công bằng cho nhau. Hai nước sẽ bàn thảo cách thức để duy trì khả năng dự đoán trong quan hệ giữa các quốc gia và cho phép nhà nước pháp quyền chiếm ưu thế trước mọi hình thức ép buộc, đe dọa hoặc sử dụng và đe dọa vũ lực, trái với các quy tắc và luật pháp quốc tế, nguyên tắc của ASEAN, UNCLOS-82, phán quyết PCA 2016 và Hiến chương Liên hợp quốc (9).

Thứ năm, trong lĩnh vực song phương, như Philippines từng khẳng định, Việt Nam giữ vị trí đặc biệt trong quan hệ đối ngoại của Philippines. Đây là một trong hai Đối tác Chiến lược của Philippines và là đối tác duy nhất trong ASEAN. Kế hoạch hành động chung của hai nước cho giai đoạn 2019 – 2024 vạch ra các khả năng thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, thương mại và đầu tư, an ninh hàng hải, nông nghiệp, giáo dục, du lịch, môi trường, cũng như công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Cách tiếp cận hướng tới tương lai cũng đòi hỏi phải khai thác các cơ hội hợp tác mới trong các lĩnh vực phi truyền thống như công nghệ thông tin, số hóa, đổi mới, công nghệ thông minh về khí hậu, khả năng phục hồi rủi ro thiên tai, an ninh y tế, năng lượng xanh cùng nhiều lĩnh vực khác (10).

Tham khảo:

(1) https://tuoitre.vn/tong-thong-philippines-tham-cap-nha-nuoc-viet-nam-tu-ngay-29-1-20240125170331496.htm

(2) https://dfa.gov.ph/statement-remarks-apc/33074-remarks-by-secretary-for-foreign-affairs-enrique-a-manalo-on-the-philippines-vietnam-strategic-partnership- in-an-age-of-change

(3) https://www.philstar.com/headlines/2024/01/19/2327000/influence-ops-target-journalists-expert-china-vessels-patrol-west-philippine-sea

(4) /a/7455303.html

(5) https://dfa.gov.ph/statement-remarks-apc/33074-remarks-by-secretary-for-foreign-affairs-enrique-a-manalo-on-the-philippines-vietnam-strategic-partnership- in-an-age-of-change

(6) https://thanhnien.vn/philippines-se-khoi-kien-trung-quoc-185230921110315421.htm

(7) https://www.reuters.com/world/asia-pacific/philippines-eyes-codes-conduct-keep-peace-south-china-sea-2023-11-20/.

(8) https://www.philstar.com/headlines/2024/01/19/2327000/influence-ops-target-journalists-expert-china-vessels-patrol-west-philippine-sea

(9) https://dfa.gov.ph/statement-remarks-apc/33074-remarks-by-secretary-for-foreign-affairs-enrique-a-manalo-on-the-philippines-vietnam-strategic-partnership- in-an-age-of-change

(10) https://dfa.gov.ph/statement-remarks-apc/33074-remarks-by-secretary-for-foreign-affairs-enrique-a-manalo-on-the-philippines-vietnam-strategic-partnership- in-an-age-of-change

  • 16x9 Image

    Trần Đông A

    Trần Đông A là bút hiệu một nhà báo đã nghỉ hưu tại Sài Gòn, với sở trường về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao Việt Nam và các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Các bài viết của Trần Đông A là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG