Đường dẫn truy cập

Philippines đổi y tá lấy vắc-xin từ Anh, Đức


Công nhân Philippines, bao gồm các y tá sẽ đi lao động tại Anh, tham dự lớp IELTS Manila, Philippines, vào ngày 2/4/2019.
Công nhân Philippines, bao gồm các y tá sẽ đi lao động tại Anh, tham dự lớp IELTS Manila, Philippines, vào ngày 2/4/2019.

Một quan chức cấp cao cho biết Philippines sẽ để cho hàng nghìn nhân viên y tế, chủ yếu là y tá, nhận việc làm ở Anh và Đức nếu hai quốc gia trên đồng ý tài trợ vắc-xin COVID-19 cho nước này, theo Reuters.

Philippines hiện là quốc gia có số ca nhiễm virus corona cao nhất châu Á. Nước này đã nới lỏng lệnh cấm triển khai nhân viên y tế ở nước ngoài, nhưng vẫn giới hạn số lượng chuyên gia y tế xuất ngoại làm việc ở mức 5.000 người mỗi năm.

Alice Visperas, Giám đốc văn phòng đối ngoại của Bộ Lao động, cho biết Philippines sẵn sàng nâng giới hạn số người để đổi lấy vắc-xin từ Anh và Đức, và họ sẽ sử dụng vắc-xin này để tiêm cho lao động nước ngoài và hàng trăm nghìn người Philippines hồi hương.

Y tá là lao động phổ biến trong số hàng triệu người Philippines ra làm việc ở nước ngoài. Lượng lao động này đã cung cấp hơn 30 tỷ đô la mỗi năm kiều hối quan trọng cho nền kinh tế Philippines.

“Chúng tôi đang xem xét yêu cầu nâng giới hạn triển khai, tùy thuộc vào thỏa thuận”, bà Visperas nói với Reuters.

Hiện Vương quốc Anh đang vật lộn với số người chết do virus corona cao thứ sáu thế giới và là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng kinh tế tồi tệ nhất vì đại dịch. Còn Đức có số ca nhiễm nhiều thứ 10 trên toàn cầu.

Trong khi cả hai quốc gia trên đã tiêm chủng cho 23 triệu người, Philippines vẫn chưa bắt đầu chiến dịch tiêm chủng cho 70 triệu người trưởng thành, tức 2/3 trong tổng số 108 triệu dân của mình. Nước này dự kiến sẽ nhận được lô vắc-xin đầu tiên trong tuần này do Trung Quốc tài trợ.

Philippines muốn bảo đảm tổng cộng 148 triệu liều vắc-xin cho quốc gia.

Theo dữ liệu của chính phủ Philippines, vào năm 2019, gần 17.000 y tá Philippines đã ký hợp đồng làm việc ở nước ngoài.

Trong khi giới y tá Philippines đang đấu tranh để dỡ bỏ lệnh cấm ra nước ngoài để thoát khỏi điều kiện làm việc tồi tệ và trả lương thấp tại quê nhà, thì kế hoạch đổi y tá lấy vắc-xin không được một số nhân viên y tế chào đón.

Jocelyn Andamo, Tổng thư ký của một hiệp hội y tá ở Philippines, nói với Reuters rằng: “Chúng tôi ghê tởm việc các y tá và nhân viên y tế đang bị chính phủ đối xử như món hàng hay sản phẩm xuất khẩu”.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG