Đường dẫn truy cập

Phá thai sẽ thành đề tài tranh cử


Biểu tình ủng hộ quyền phá thai trước tòa nhà Tối Cao Pháp Viện tại D.C., 24 tháng Sáu.
Biểu tình ủng hộ quyền phá thai trước tòa nhà Tối Cao Pháp Viện tại D.C., 24 tháng Sáu.

Chúng ta sẽ còn được nghe những biện luận tương tự nhiều lần trong năm nay. Cuối cùng, các cử tri khi đi bỏ phiếu sẽ quan tâm đến vấn đề nào nhất? Quyền tự do phá thai? Hay giá sinh hoạt lên cao không ngừng? Cuối năm nay dân Mỹ sẽ quyết định!

Năm 2016 Tổng thống Donald Trump hứa nếu ông đắc cử thì án lệ Roe v. Wade chắc chắn sẽ bị chấm dứt. Ông Trump đã bổ nhiệm ba thẩm phán tối cao, Neil Gorsuch, Brett Kavanaugh và Amy Coney Barrett; cả ba đã bỏ phiếu xóa bỏ Roe v. Wade, cùng hai thẩm phán bảo thủ khác, Clarence Thomas và Samuel Alito.

Ba vị thẩm phán cấp tiến, Stephen G. Breyer, Elena Kagan và Sonia Sotomayor không đồng ý Chánh án John Roberts cũng chống, vì lo hậu quả gây xáo trộn cho ngành tư pháp nếu xóa bỏ một án lệ lâu đời; mặc dù ông Roberts vẫn chấp nhận đạo luật cấm phá thai sau 15 tuần lễ của tiểu bang Mississippi.

Thẩm phán Alito viết bản lý đoán, nói rằng quyền tự do phá thai không ghi trong hiến pháp Mỹ; Quốc hội có thể soạn luật công nhận quyền phá thai. Trong thực tế một dự luật như vậy khó vượt qua được rào cản ở Thượng viện. Tháng Năm vừa qua, các đại biểu Dân chủ ở Hạ viện thông qua một dự luật “Bảo vệ Sức khỏe Phụ nữ” nhằm vô hiệu hóa các đạo luật cấm hoặc han chế phá thai ở các tiểu bang do đảng Cộng Hòa kiểm soát. Khi đưa lên Thượng viện thì bị ngăn lại vì không đủ 60 nghị sĩ đồng ý.

Án lệ Roe v. Wade do Tối cao Pháp viện phán quyết năm 1973, công nhận phụ nữ được tự do phá thai trong ba tháng đầu. Tác giả là Thẩm phán Harry Blackmun, do Tổng thống Richard Nixon (Cộng Hòa) bổ nhiệm nhưng lại có khuynh hướng cấp tiến. Tư tưởng pháp lý chính trong Roe v. Wade là Hiến pháp Mỹ không cho phép những người chiếm đa số được áp đặt các quy tắc đạo đức của mình trên những lựa chọn thuộc đời tư cá nhân người khác. Thẩm phán Blackmun viện dẫn Tu chính án số 14 trong Hiến pháp cấm nhà nước tước bỏ quyền sống và quyền tự do cá nhân nếu không theo đúng quy trình pháp lý. Lý luận đó mới bị thẩm phán Clarence Thomas bác bỏ.

Từ năm 1973 Án lệ Roe đã trở thành một đề tài tranh cử. Đảng Dân chủ muốn bảo vệ phá thai. Đảng Cộng Hòa chống, và năm nay đã ghi một bàn thắng lớn.

Tổng thống Donald Trump tuyên bố, “Phán quyết hôm nay … chỉ đạt được vì tôi làm đúng lời hứa tranh cử.” Nhưng một người có công lớn để ông Trump giữ được lời hứa là Nghị sĩ Mitch McConnell; là người giúp đưa ông Kavanaugh và bà Barrett vào Tòa Tối Cao, sau khi có hai vị thẩm phán tối cao qua đời. Với quyền trưởng khối đa số ở Thượng viện, năm 2016 ông McConnell đã không cho thảo luận về vị thẩm phán được Tổng thống Barack Obama đề cử, bỏ ghế trống một năm trời; nhưng năm 2020 ông đã cho bỏ phiếu ngay để chấp thuận người do Tổng thống Trump đưa ra, một tuần trước khi ông Trump thất cử.

Nghị sĩ McConnell đã chứng tỏ chính trị ảnh hưởng lớn trên ngành tư pháp. Trên nguyên tắc, các thẩm phán không làm chính trị, không theo lệnh một đảng phái nào. Nhưng việc chọn người làm thẩm phán liên bang đều do các nhà chính trị, các vị tổng thống và nghị sĩ quyết định.

Vì vậy, Roe v. Wade sẽ trở thành một đề tài có lợi cho đảng Dân chủ tranh cử trong cuộc bầu cử quốc hội cuối năm nay. Dân Mỹ đang lo lắng về giá thực phẩm, giá xăng, các thứ hàng hóa cái gì cũng lên cao. Ngoài ra, uy tín của Tổng thống Joe Biden đang xuống thấp, chỉ có trên dưới 40% dân ủng hộ. Các ứng cử viên đảng Dân chủ sẽ yếu thế, đảng Cộng Hòa có thể sẽ chiếm đa số ở quốc hội. Bây giờ, đảng Dân chủ có thể dùng vấn đề phá thai để công kích đối thủ. Đa số dân chúng Mỹ, 60%, muốn bảo vệ quyền phá thai, theo cuộc nghiên cứu dư luận của NBC News vào tháng Năm; chỉ có 37% muốn xóa bỏ.

Vấn đề quyền phá thai sẽ càng sôi nổi vì nghị viện nhiều tiểu bang do đảng Cộng Hòa kiểm soát sắp ban hành những luật cấm phá thai gắt gao hơn.

Hiện có 13 tiểu bang đã làm sẵn những đạo luật như vậy, chỉ chờ Tối cao Pháp viện xóa bỏ Roe v. Wade là lập tức thi hành: Arkansas, Idaho, Kentucky, Louisiana, Mississippi, Missouri, North Dakota, Oklahoma, South Dakota, Tennessee, Texas, Utah và Wyoming. Khoảng 36 triệu phụ nữ, ở tuổi còn sanh đẻ sẽ bị ảnh hưởng. Nhiều tiểu bang Cộng Hòa khác sẽ làm các đạo luật giống 13 tiểu bang trên. Những đạo luật này trừng phạt những người làm việc phá thai chứ không nhắm vào phụ nữ.

Ngay sau khi nghe tin Roe v. Wade bị xóa, Tổng thống Joe Biden đã “phát pháo” mở đầu cuộc tấn công dư luận. Ông nói, “Các cử tri cần phải lên tiếng. … Quý vị là những người quyết định tối hậu!... Mùa Thu này hãy bầu cho các nghị sĩ và dân biểu sẵn sàng làm luật “bảo vệ quyền lựa chọn của phụ nữ.”

Đảng Dân chủ sẽ đề cao các hành động ông Joe Biden đã làm. Ông đã xóa bỏ lệnh không cho chương trình của chính phủ liên bang được trợ cấp các y viện phá thai; lệnh cấm này khiến nhiều phụ nữ không được phát thuốc ngừa thai trong chương trình, , tên là Title X. Ngoài ra phụ nữ có thể dùng thuốc uống để phá thai trong vòng 11 tuần lễ. Năm 2021, cơ quan FDA về thuốc men và thực phẩm đã bãi bỏ lệnh chỉ cho phép các bà các cô chỉ được lãnh một liều thuốc phá thai do các y sĩ trao cho.

Các ứng cử viên Dân chủ có thể vạch ra rằng khi phụ nữ mất quyền phá thai tự do thì lớp người nghèo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đó cũng là những người dễ mang thai ngoài ý muốn hơn, vì họ thiếu bảo hiểm y tế, không được cố vấn về phương pháp ngừa thai. Công việc phá thai ở những nơi còn hợp pháp sẽ tốn kém hơn. Những người sẵn tiền có thể đi qua những tiểu bang cho phép phá thai; người nghèo không có điều kiện như vậy.

Một vấn đề khác đảng Dân chủ có thể khai thác trong cuộc tranh cử quốc hội năm nay là mối lo rằng sau Roe v. Wade nhiều quyền tự do khác cũng bị xóa bỏ, như việc dùng thuốc ngừa thai, hôn nhân đồng tính. Họ sẽ nêu lên bản ý kiến riêng của Thẩm phán Tối cao Clarence Thomas trong phán quyết vừa qua. Ông Thomas công kích việc áp dụng Tu chính án số 14 cho quyền phá thai, như Thẩm phán Harry Blackmun đã dùng trong Án lệ Roe v. Wade. Ông Thomas nói rằng nhiều án lệnh khác cũng vi hiến, như một án lệ bảo đảm quyền dùng thuốc ngừa thai, “đời tư” được tôn trọng và bảo vệ quyền bình đẳng của những người đồng tính kết hôn cũng căn cứ vào Tu chính án 14. Ông viết “Chúng ta phải xóa bỏ” nền tảng pháp lý của các “quyền” kể trên, càng sớm càng tốt.

Đảng Dân chủ sẽ mô tả ý kiến trên là một mối đe dọa cho mọi phụ nữ Mỹ. Nghị sĩ Charles E. Schumer (DC-N.Y.) báo động, “Năm người không được ai bầu lên đang cướp đoạt quyền tự do của hàng triệu phụ nữ Mỹ.” Chủ tịch Hạ viện, bà Nancy Pelosi (DC-California) nói, “Đảng Cộng Hòa đang âm mưu cấm phá thai trên toàn quốc. Không thể để cho họ chiếm đa số ở Quốc hội để thực hiện điều đó!” Dân biểu Kevin McCarthy (CH-Calif.), người hy vọng sẽ lên thay thế bà Pelosi làm chủ tịch Hạ viện sau cuộc bỏ phiếu năm nay, nói ngược lại: “Tất cả những bào thai chưa ra đời đều quý báu. Tôi hoan nghênh phán quyết lịch sử (của Tối cao Pháp viện), nó sẽ cứu mạng biết bao nhiêu trẻ em vô tội.”

Chúng ta sẽ còn được nghe những biện luận tương tự nhiều lần trong năm nay. Cuối cùng, các cử tri khi đi bỏ phiếu sẽ quan tâm đến vấn đề nào nhất? Quyền tự do phá thai? Hay giá sinh hoạt lên cao không ngừng? Cuối năm nay dân Mỹ sẽ quyết định!

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG