Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (DHS) vừa bổ nhiệm ông Tony Phạm, một cựu quan chức trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump, vào vị trí giám sát chính sách biên giới và nhập cư của cơ quan này, một vai trò quan trọng khi chính quyền ông Trump coi việc thực thi chính sách nhập cư là ưu tiên hàng đầu.
Vai trò của ông Tony Phạm, 52 tuổi, với tư cách là Trợ lý Bộ trưởng DHS phụ trách chính sách biên giới và nhập cư được công bố vào ngày 6/2/2025 trên cổng thông tin của DHS.
Với chức vụ của mình, ông sẽ điều phối các chính sách chung của bộ, nơi đã áp dụng cách tiếp cận toàn diện trên khắp các cơ quan kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức vào tháng 1/2025.
Trước đây, từ cuối tháng 8/2020 đến hết năm đó, ông Phạm giữ chức Quyền Giám đốc Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE). Trước đó, ông giữ chức Cố vấn Trưởng Pháp lý cho ICE bắt đầu từ ngày 22/1/2020 theo sự bổ nhiệm của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong nhiệm kỳ lần 1 của ông ấy.
Khi làm cố vấn trưởng pháp lý tại ICE, Thẩm phán gốc Việt Tony Phạm lãnh đạo hơn 1,100 công tố viên và hàng trăm nhân viên thực thi pháp lý liên quan đến việc trục xuất các di dân bất hợp pháp trên khắp lãnh thổ Hoa Kỳ.
Văn phòng Cố vấn Trưởng Pháp lý (Office of the Principal Legal Advisor - OPLA) mà ông Tony Phạm lãnh đạo khi đó là cơ quan pháp lý lớn nhất tại DHS, cũng là cơ quan đại diện duy nhất của DHS trong các phiên tòa xét xử trục xuất người nhập cư, bao gồm các trường hợp khủng bố và vi phạm nhân quyền.
Trả lời phỏng vấn với VOA trước đây, Luật sư Tony Phạm viết: “Tôi rất vinh hạnh là người Mỹ gốc Á đầu tiên và duy nhất đảm nhận chức Cố vấn Trưởng Pháp lý cho ICE. Tôi cũng là người gốc Việt đầu tiên được bổ nhiệm vào trị trí này”.
Khi từ chức quyền giám đốc của một cơ quan trong ICE vào cuối tháng 12/2020, giai đoạn cuối của trong nhiệm kỳ lần 1 của ông Trump, ông Phạm cho biết trong một tuyên bố: “Tôi biết ơn chính quyền ông Trump đã trao cho tôi vinh dự cao nhất trong sự nghiệp của mình khi phục vụ đất nước đã cưu mang tôi với tư cách là Cố vấn Trưởng Pháp lý và Quan chức cấp cao tại ICE”.
“Việc lãnh đạo một cơ quan thực thi pháp luật với lực lượng lao động tận tụy như vậy là vinh dự của cả cuộc đời tôi”, ông chia sẻ.
“Vào tháng 4/1975, ông Phạm và gia đình đã bỏ chạy khỏi Việt Nam khi Sài Gòn sụp đổ, đánh dấu sự kết thúc của cuộc chiến tranh bi thảm và khởi đầu việc phe cộng sản kiểm soát một quốc gia từng là một quốc gia tự do. Là những người tị nạn, gia đình ông Phạm đã tái định cư tại Hoa Kỳ và nỗ lực để có được quyền công dân và hòa nhập vào văn hóa Mỹ”, theo cổng thông tin DHS.
Quan chức gốc Việt này bắt đầu sự nghiệp luật sư của mình với tư cách là công tố viên tại Văn phòng Luật sư Khối thịnh vượng chung Richmond, bang Virginia, nơi ông giải quyết các vụ án giết người, ma túy và vũ khí. Ông cũng từng là Trợ lý Công tố viên Hoa Kỳ đặc biệt xử lý các vấn đề buôn bán ma túy và vũ khí bất hợp pháp theo Dự án Exile. Năm 2006, ông được giao nhiệm vụ thành lập và lãnh đạo đơn vị truy tố băng đảng đầu tiên của thành phố Richmond.
Trước khi làm việc cho chính quyền liên bang, ông tạo nên dấu ấn lịch sử khi trở thành công tố viên duy nhất ở bang Virginia điều hành một cơ sở cải huấn tại Nhà tù khu vực Virginia Peninsula, nơi ông quản lý các hoạt động hàng ngày của cơ sở này với hơn 136 nhân viên, bao gồm cả nhân viên thực thi pháp luật dân sự.
Diễn đàn