Đường dẫn truy cập

Giới bảo vệ nhân quyền quan ngại về các khuyến nghị bị VN bác bỏ ở UPR


Ðại sứ Nguyễn Trung Thành tuyên bố 45 khuyến nghị Hà Nội bác bỏ là do ‘không phù hợp với đặc thù lịch sử, xã hội, và văn hóa của Việt Nam, hoặc dựa trên những thông tin sai lệch về Việt Nam’.
Ðại sứ Nguyễn Trung Thành tuyên bố 45 khuyến nghị Hà Nội bác bỏ là do ‘không phù hợp với đặc thù lịch sử, xã hội, và văn hóa của Việt Nam, hoặc dựa trên những thông tin sai lệch về Việt Nam’.
Việt Nam khước từ 45 khuyến nghị về cải thiện nhân quyền tại phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc thông qua báo cáo Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát UPR hôm 20/6 tại Geneva (Thụy Sĩ).

Truyền thông nhà nước dẫn lời đại diện thường trực của Việt Nam tại Liên hiệp quốc, đại sứ Nguyễn Trung Thành, tuyên bố 45 khuyến nghị Hà Nội bác bỏ là do ‘không phù hợp với đặc thù lịch sử, xã hội, và văn hóa của Việt Nam, hoặc dựa trên những thông tin sai lệch về Việt Nam.’

Giới hoạt động nhân quyền trong nước và quốc tế nhận xét các khuyến nghị được Việt Nam chấp nhận hầu hết trong các lĩnh vực ít gây tranh cãi như nữ quyền, quyền trẻ em, cải thiện dân sinh hướng tới các mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc trong khi những điều Hà Nội chối bỏ là các khuyến nghị cụ thể giúp nới rộng các nhân quyền căn bản và bảo đảm quyền tự do chính trị cho công dân.
Các quan ngại cốt lõi của chúng tôi vẫn như trước. Việt Nam rất cần phải nhìn vào các quyền căn bản này vì đó là các quyền về dân sự và chính trị then chốt của con người trên toàn thế giới có trong các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký.
Ông Phil Robertson, HRW.

Những khuyến nghị Hà Nội bác tập trung vào các quan ngại của quốc tế lâu nay về thực trạng nhân quyền Việt Nam như vấn đề tù nhân lương tâm, việc thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia theo nguyên tắc Paris, việc sửa đổi các điều khoản thường được áp dụng đối với những tiếng nói chỉ trích nhà nước và những người bất đồng chính kiến ôn hòa như 258, 79, hay 88 trong Bộ luật Hình sự, hay mời các báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc và các chuyên gia độc lập về nhân quyền tới Việt Nam.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch nói khước từ những kêu gọi này khiến người ta thắc mắc về sự chân thành trong các lời cam kết tôn trọng nhân quyền của Hà Nội.

Vẫn theo Human Rights Watch, các cam kết bảo vệ nhân quyền của Việt Nam trái ngược với thực tế những gì đang diễn ra là nhà nước Việt Nam tiếp tục vi phạm một cách có hệ thống các nhân quyền quan trọng bao gồm quyền tự do bày tỏ quan điểm, tự do tụ họp, tự do lập hội, tự do tôn giáo, quyền của người lao động, quyền đất đai, và quyền được xét xử công bằng.

Phó giám đốc khu vực Châu Á của Human Rights Watch, ông Phil Robertson, nói với VOA Việt ngữ:

“Các quan ngại cốt lõi của chúng tôi vẫn như trước. Việt Nam rất cần phải nhìn vào các quyền căn bản này vì đó là các quyền về dân sự và chính trị then chốt của con người trên toàn thế giới có trong các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký. Đây chính là những lĩnh vực để nhìn vào và đánh giá là Việt Nam có tiến bộ về nhân quyền tới mức nào."
Hãy nhìn vào những điều mà Việt Nam bác bỏ, đó những điều then chốt hết sức quan trọng trong các quyền của con người khi người ta bị bắt, bị bỏ tù chỉ vì thực thi ôn hòa các quyền căn bản như bày tỏ tư tưởng.
Phó giám đốc khu vực Châu Á Human Rights Watch Phil Robertson.


Human Rights Watch nhắc nhớ rằng hiện có từ 150 đến 200 người đang bị bỏ tù ở Việt Nam vì thực thi các nhân quyền căn bản này mà đáng tiếc là Việt Nam lại từ chối những lời kêu gọi phóng thích rất chính đáng.

Việt Nam tuyên bố 182/227 khuyến nghị được Việt Nam chấp nhận (trên 80%) chứng tỏ sự nghiêm túc, cởi mở và quyết tâm của Hà Nội trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền.

Tuy nhiên, Human Rights Watch nói quan trọng là chất lượng chứ không phải số lượng. Ông Phil Robertson:

“Hãy nhìn vào những điều mà Việt Nam bác bỏ, đó những điều then chốt hết sức quan trọng trong các quyền của con người khi người ta bị bắt, bị bỏ tù chỉ vì thực thi ôn hòa các quyền căn bản như bày tỏ tư tưởng. Những điều Việt Nam khước từ là những khuyến nghị cụ thể chẳng hạn như bỏ điều luật 258 trong Bộ luật Hình sự vốn trái ngược với chính những cam kết của Hà Nội với quốc tế. Làm sao có thể nói một người bị tù vì ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ’ trong khi nhà cầm quyền đã tự nguyện cam kết tôn trọng các quyền này trong các văn bản quốc tế?”

Theo đánh giá của tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế này, Việt Nam đã không thực thi được nhiều lời cam kết đưa ra từ cuộc kiểm điểm nhân quyền đầu tiên năm 2009.

Human Rights Watch khuyến cáo nếu muốn tham gia một cách xây dựng vào tiến trình UPR, Hà Nội phải ngừng đưa ra các tín hiệu sai lạc cho thấy các luật lệ trấn áp và bỏ tù những tiếng nói chỉ trích là cách hồi đáp của nhà cầm quyền Việt Nam trước những nhu cầu ôn hòa đòi hỏi quyền tự do căn bản cho con người.

Blogger-nhà báo tự do Phạm Lê Vương Các thuộc phái đoàn đại diện 10 tổ chức xã hội dân sự độc lập từ trong nước sang Thụy Sĩ tham dự phiên họp UPR của Việt Nam hôm 20/6, nhận xét 45 khuyến nghị Hà Nội bác bỏ cho thấy ‘nhà nước Việt Nam không tạo điều kiện giải quyết các vi phạm nhân quyền. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc quốc tế không thể giúp Việt Nam nỗ lực hơn trong cải cách tư pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ nhân quyền.’
please wait

No media source currently available

0:00 0:04:37 0:00
Tải xuống

Vẫn theo nhà hoạt động này, các cam kết UPR của Việt Nam lần này một lần nữa chứng tỏ quyền tự do chính trị luôn là một trong số các quyền tự do căn bản của công dân không được Hà Nội công nhận.

Luật sư nhân quyền Trịnh Hữu Long, một thành viên khác trong đoàn, nói với VOA Việt ngữ:

“Kết quả phiên UPR hoàn toàn phù hợp với thông tin mà một ông Vụ trưởng của Bộ Ngoại giao đã thông báo cách đây 2 tháng rằng họ sẽ tư vấn cho chính phủ từ chối 20% các khuyến nghị liên quan đến các vấn đề chính trị nhạy cảm trong đó có việc trả tự do cho tù nhân lương tâm, sửa đổi hệ thống pháp luật, và tự do hóa báo chí. Chúng tôi không lấy gì làm ngạc nhiên vì đây là truyền thống của chính phủ Việt Nam, họ luôn từ chối những nghĩa vụ liên quan đến quyền con người căn bản và những vấn đề nhân quyền then chốt mà Việt Nam đang vướng phải. Điều này thể hiện chính phủ Việt Nam chưa hề có bất cứ thay đổi nào về ý chí, tư duy lẫn hành động về vấn đề nhân quyền.”

Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam có trụ sở tại Pháp, một trong những tổ chức NGO nêu ý kiến tại phiên họp ở Geneva hôm 20/6, nói ‘Việt Nam là nước thứ hai sau Bắc Triều Tiên nhận được số khuyến nghị nhiều nhất tại cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát.’

Ủy ban này cũng tố cáo Việt Nam chỉ chấp nhận những khuyến nghị chung chung và khước từ những khuyến nghị cụ thể bảo đảm tự do và nhân quyền cơ bản cho công dân.

VOA Express

XS
SM
MD
LG