Thính giả Minh Phạm hỏi:
“Thưa Bác sĩ,
Tôi bị viêm gan C, đã được chữa khỏi, sau bảy năm thử máu không còn virút.
Như vậy có thể nói là hết virút trong gan chưa? Và viêm gan C có thể trở lại không?
Cảm ơn Bác sĩ.”
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
Bịnh Viêm gan C do virus viêm gan C gây ra (HCV). HCV là một sợi RNA đơn (single stranded RNA). Trước 1992, người bị viêm gan sau khi truyền máu, hết 90% là do HCV gây ra. Sau 1992, với khả năng sàng lọc (screening) máu trước khi truyền cho người nhận, nhiễm HCV sau khi truyền máu rất hiếm ở Mỹ (chừng 2 triệu bịch máu mới có 1 cas HCV). Tuy nhiên, các biện pháp ngăn chặn HCV chỉ mới được CDC đề ra từ năm 1998; đại đa số người bị viêm gan C hiện nay là do dùng thuốc ma tuý chích (intravenous drug use), hít cocain qua mũi, xăm mình và ở mức ít hơn, qua đường tính dục vì làm tình mà không dùng biện pháp an toàn để che chở (sexual transmission by unprotected sex).
Trước đây (1991-2014) thuốc chính là interferon hay pegylated interferon (chích) (peginterferon , “Pegintron”) trong nhiều tuần. Interferon kích thích các tế bào phòng thủ sản xuất kháng thể nhiều hơn. Thuốc có thể gây những biến chứng quan trọng (mắt, máu, phổi). Chừng 50% bịnh nhân được chữa khỏi HCV.
Ribavirin, một chất đồng đẳng tổng hợp của guanosine (synthetic guanosine analog) là một loại thuốc kháng vi-rút mạnh được sử dụng để điều trị nhiễm viêm gan C mãn tính (dạng hít /inhalation qua miệng hay mũi cũng được dùng chữa bịnh nhiễm RSV ở trẻ em). Nói chung, ribavirin cản trở khả năng sao chép của virus HCV, tuy cơ chế như thế nào chưa được hiểu rõ. Ribavirin được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê chuẩn để điều trị viêm gan C và nằm trong Danh sách Thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế Thế giới.
Ribavirin được bán trên thị trường dưới nhiều tên thương hiệu khác nhau, bao gồm Copegus, Rebetol, Ribasphere và RibaPak.
Cho đến chừng năm 2013-2014, phối hợp pegylated interferon alpha (IFN) cộng với ribavirin (RBV) là phương pháp điều trị chuẩn cho nhiễm HCV. 24 tuần sau khi ngưng thuốc cho bịnh nhân, nếu acid nhân của HCV ( HCV-RNA) không còn được phát hiện được trong máu người bịnh, lúc đó bịnh nhân được cho là đạt tới mức "độ thanh thải bền vững của HCV lưu hành trong máu" (sustained clearance of circulating HCV), hay “sự đáp ứng bền vững về siêu vi học” (SVR, sustained virological response).
Liệu pháp kết hợp này đem đến một “sự đáp ứng bền vững về siêu vi học” (SVR) ở một nửa số bệnh nhân bị nhiễm HCV genotype 1, khoảng 70% những người có HCV genotype 2 và khoảng 60% những người có HCV genotype 3; tuy nhiên, tần suất và mức độ nghiêm trọng của các tác dụng phụ (triệu chứng giống cúm, trầm cảm, giảm bạch cầu và thiếu máu (cytopenia), tan máu (hemolysis)) khiến liệu pháp này trở nên nặng nề đối với nhiều bệnh nhân.
Mấy năm gần đây (sau 2014) một số thuốc uống, ( “DAA=Direct Acting Antivirals) được FDA chấp nhận dùng chữa bịnh viêm gan C, nhưng rất đắt tiền : ví dụ : Sovaldi (sofosbuvir, FDA approved 12-2013, Gilead Sciences; giá 1000 đô la một viên và tốn 84.000 đô la cho 12 tuần), Harvoni (sofosbuvir-ledipasvir); giá 94,500 dollars, trong 12 tuần (thuốc ức chế men RNA polymerase cần cho virus sinh tồn, approved for a HCV types 1,4,5,6).
Do hiệu quả cao và nhanh chóng của chế độ dùng DAA, trong các thử nghiệm lâm sàng và thực hành thực tế, thử nghiệm âm tính HCV-RNA ở tuần thứ 12 sau khi ngừng điều trị được sử dụng như là dấu hiệu của sự thanh thải HCV bền vững (sustained clearance of HCV). Các chế độ điều trị không dùng IFN này mang lại tỷ lệ đáp ứng virus kéo dài ở tuần 12 (SVR12) khoảng 95%, ngay cả ở những bệnh nhân bị xơ gan. Thuốc uống; thời gian trị liệu có thể là 8 tuần cho bịnh mới chữa thuốc lần đầu; 12 tuần cho bịnh từng chữa thất bại với các thuốc trước đó, hay bịnh nhân bị xơ gan.
Mặc dù HCV RNA không được phát hiện trong máu ở trạng thái SVR, các khảo cứu vẫn cho thấy HCV có thể còn tồn tại trong một số tế bào gan, hay tế bào máu của người bịnh trong khoảng 5-7 năm sau đó. Chúng ta chưa hiểu ý nghĩa của các khám phá này về lâu dài. Có nơi khuyên thử HCV RNA lại một thời gian sau khi trạng thái SVR đã được xác định bằng thử nghiệm (vd:theo Mariantonietta Pisaturo, sau 72 tuần)(1) .
Đó là về mặt lý thuyết, người ta ước tính, sau một năm, chỉ có chừng 1-2 trong 1000 bịnh nhân bị tái phát trễ (late relapse), cho nên trên thực tế người ta không khuyên phải thử lại để theo dõi.(2)
Phác đồ điều trị của Hội Chuyên về nghiên cứu Bịnh Gan của Mỹ (The American Association for the Study of Liver Diseases (AASLD)) khuyến cáo:
"Với sự ra đời của các chế độ kháng vi-rút HCV hiệu quả cao, khả năng đạt được SVR vượt quá 95% ở những bệnh nhân tuân thủ điều trị, có khả năng miễn dịch bình thường, không suy gan. Trong số những bệnh nhân đạt được SVR sau khi điều trị bằng peginterferon / ribavirin, hơn 99% vẫn không bị nhiễm HCV khi theo dõi trong 5 năm sau khi kết thúc điều trị (Manns, 2013). Do đó, đạt được mức SVR (“sự đáp ứng bền vững về siêu vi học”) được coi là đã chữa khỏi virus HCV (virologic cure).(3)
SVR thường chặn đứng tiến triển của tổn thương gan kèm theo sự phục hồi xơ hóa gan ở hầu hết, nhưng không phải tất cả, bệnh nhân được điều trị . Do bịnh không tiến triển thêm nữa, bệnh nhân không bị xơ gan tiến triển đạt được SVR nên được chăm sóc y tế theo tiêu chuẩn được khuyến nghị cho bệnh nhân chưa từng bị nhiễm HCV. (For patients who do not have advanced fibrosis, recommended follow-up is the same as if they were never infected with HCV.)
Những bịnh nhân vẫn còn phơi nhiễm với HCV (ví dụ tiếp xúc qua hoạt động tình dục):
“Bệnh nhân đạt được SVR có thể được tái nhiễm HCV nếu họ tiếp xúc lại với virus. Nên thử nghiệm hàng năm về tái nhiễm HCV ở những bệnh nhân có nguy cơ nhiễm HCV liên tục (ví dụ, sử dụng thuốc tiêm hoặc phơi nhiễm tình dục có nguy cơ cao). Nếu mức men gan bùng phát nên nhanh chóng đánh giá tái nhiễm HCV. Kháng thể HCV (chống HCV) vẫn dương tính ở hầu hết bệnh nhân sau điều trị SVR. Do đó, cần xét nghiệm tái nhiễm HCV bằng xét nghiệm phát hiện HCV RNA (nghĩa là xét nghiệm HCV-RNA định lượng).”
Những bịnh nhân đã bị xơ gan nặng, suy gan hay có những vấn đề khác, bác sĩ cần có những biện pháp phòng ngừa thêm để tránh lây bịnh thêm lần nữa, hay tránh hoặc giảm thiểu các biến chứng như ung thư gan.
Bác sĩ cũng nhắc nhở bịnh nhân chích ngừa viêm gan A và B nếu chưa chích trước khi nhận trị liệu cho bịnh HCV.
Chúc bịnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Ngày 12 tháng 6 năm 2019
References:
1) https://www.medscape.com/viewarticle/912573_1
2)Management of Patients Who Have Achieved Sustained Virologic Response for Hepatitis C Virus Infection
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6034612/
3)The American Association for the Study of Liver Diseases (AASLD).Monitoring Patients Who Are Starting HCV Treatment, Are on Treatment, or Have Completed Therapy
https://www.hcvguidelines.org/evaluate/monitoring
Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.