Những sinh viên Việt Nam nào sắp sửa đến Mỹ để bắt đầu năm học mới vào mùa thu này mà trường họ đăng ký đã chuyển hoàn toàn qua dạy trực tuyến vì COVID thì ‘nên ở lại trong nước để học’ vì Mỹ sẽ không cho vào, một vị giáo sư gốc Việt đưa ra lời khuyên.
Theo quy định mới của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) được làm rõ hôm 24/7 thì các sinh viên quốc tế mới được các trường Mỹ nhận vào sẽ không được cấp thị thực đến Mỹ trong học kỳ thu tới đây nếu các trường đó dạy hoàn toàn qua mạng.
Sinh viên ‘mới’ là những ai được nhận vào các trường ở Mỹ sau ngày 9/3. Còn những sinh viên nào đã được nhận vào học trước thời hạn đó, nhưng đã rời khỏi nước Mỹ, thì nay vẫn có thể được cấp visa nhập cảnh lại cho dù trường họ dạy 100% online.
Theo bản ghi nhớ của ICE thì nếu trường nào ở Mỹ chuyển sang chương trình hỗn hợp – tức là vừa dạy trực tuyến vừa có lớp trực tiếp – thì thị thực cho các sinh viên quốc tế đến Mỹ nhập học ‘tùy thuộc vào sự phê chuẩn của Bộ Ngoại giao’.
‘Qua sau cũng không muộn’
Trao đổi với VOA, Giáo sư-Tiến sĩ Charles Cường Nguyễn thuộc Đại học Công giáo Hoa Kỳ ở thủ đô Washington D.C. khuyên các sinh viên Việt Nam được nhận vào trường ở Mỹ sau ngày 9/3 mà trường chỉ dạy online thì ‘nên ở lại trong nước học online’.
“Đợi đến học kỳ xuân năm sau, khi tình hình dịch bệnh đã ổn định rồi, các trường đại học thay đổi cách dạy và học thì lúc đó từ Việt Nam qua Mỹ học sẽ chưa muộn,” ông nói.
“Giả dụ bây giờ thay vì đến trường để học 5 lớp nhưng mà 5 lớp đó đều học trực tuyến hết thì mình cứ ở Việt Nam lấy lớp và thông báo cho trường là mình vẫn tiếp tục học chương trình,” Giáo sư Cường hướng dẫn.
Riêng đối với các ngành kỹ thuật và công nghệ mà sinh viên phải sử dụng các phòng thí nghiệm, Tiến sĩ Cường thừa nhận sẽ là bất lợi cho các sinh viên học qua mạng. Tuy nhiên, ông cho rằng chương trình học kéo dài đến 4 năm nên việc thực tập trong phòng thực nghiệm trong năm đầu có thể dồn sang những năm sau. “Khi dịch bệnh đã ổn rồi thì sinh viên sang học, lúc đó vào phòng thí nghiệm bù cũng được,” ông nói.
“Cái lợi là sinh viên ở nhà đỡ được tiền đi qua đây học, tiền ở ký túc xá và tiền ăn nữa,” nguyên Hiệu trưởng Trường Kỹ sư, Đại học Công giáo Hoa Kỳ, cho biết thêm.
Ông nói các tân sinh viên không phải lo vì không được tham dự các buổi ‘định hướng’ (orientation) khi khai giảng vì các trường sẽ tổ chức các buổi định hướng thực tế ảo (virtual) để sinh viên có thể được hướng dẫn từ Việt Nam.
Theo lời ông thì trước tình hình mới, các trường đại học ở Mỹ đang thiết lập các nền tảng ‘thực tế ảo’ vốn cho phép các sinh viên học qua mạng ‘nhưng cảm thấy như là đang ở trong lớp học’.
Về các buổi thảo luận nhóm hay thuyết trình, ông cho biết các nền tảng như Zoom có thể tạo ra trải nghiệm thảo luận ‘thấy mặt tất cả bạn bè và giáo sư’.
Còn nếu sinh viên lo ngại rằng học trực tuyến thì kết quả học tập không được tốt, vị giáo sư này cho biết bên cạnh chấm điểm theo chữ cái, các trường đại học Mỹ còn cho phép sinh viên chọn hình thức đậu/rớt (pass/fail). Chọn hình thức này, sinh viên kết thúc môn học không thể hiện điểm. Do đó, nếu đậu mà điểm xấu thì điểm xấu này cũng không bị ghi vào điểm trung bình chung của sinh viên (GPA). Còn nếu rớt thì sinh viên có thể học lại môn đó.
“Các sinh viên Việt Nam cứ học online như vậy nếu cuối cùng cảm thấy không học nổi thì có thể xin hình thức pass/fail,” ông nói.
‘Quy định công bằng’
Về khả năng tới học kỳ mùa xuân các trường vẫn duy trì online toàn phần, Giáo sư Cường thừa nhận rằng ‘các trường không thể nào ổn định được cho đến khi nào có vaccine’.
“Trong mấy tháng tới thì các trường đại học sẽ quyết định cách đối phó với dịch bệnh, chẳng hạn trường của chúng tôi đã cho sinh viên mùa thu tới trở lại học bằng hình thức hỗn hợp giữa trực tiếp và trực tuyến. Nếu thành công thì sẽ tiếp tục, còn nếu dịch bệnh hoành hành trở lại thì chắc chắn sẽ học online hết,” ông cho biết.
Một số sinh viên băn khoăn liệu việc học trực tuyến có đáng số tiền họ đã bỏ ra để được tới lớp tiếp thu kiến thức hay không. Giáo sư Cường cho biết hiện giờ một số đại học đã ‘có chương trình giúp đỡ để giảm bớt học phí cho sinh viên’.
Ông cũng khuyên các sinh viên Việt Nam đừng chỉ vì học trực tuyến ở Việt Nam một hay vài học kỳ mà bỏ luôn việc học ở Mỹ.
“Mục đích đi học ở Mỹ là cuối cùng ra cái bằng của trường đại học nào đó, nếu bị khó khăn ngay ban đầu chỉ khoảng 1 năm hay 1 năm rưỡi thôi mà bỏ thì coi như bỏ mất dịp được học vào một trường tốt ở Mỹ, sẽ uổng đi,” ông nói.
Vẫn theo lời vị giáo sư lâu năm của Đại học Công giáo Hoa Kỳ, sinh viên có thể ‘chọn nhảy qua trường khác (có lớp học trực tiếp) hay học trước ở Việt Nam rồi chuyển tiếp sang chương trình Mỹ. “Nhưng đã quyết định chọn trường để có được tấm bằng của trường đó, thì mình nên kiên nhẫn,” ông khuyên.
Với tư cách là giáo sư đại học, ông Charles Cường Nguyễn cho rằng quyết định của ICE ‘là công bằng’ trong tình hình dịch bệnh virus corona.
“Chính quyền Mỹ chỉ muốn bảo vệ người dân Mỹ và giảm bớt người nước ngoài có thể mang bệnh tật vào,” ông nói.
“Sẽ là bất công nếu buộc các sinh viên đã ở Mỹ rồi phải về nước vì học hoàn toàn online, vì họ về nước không được mà ở lại Mỹ cũng bị trục xuất,” ông đề cập đến quyết định gây tranh cãi trước đây mà ICE đã rút lại.
“Nhưng đối với những sinh viên chưa tới Mỹ thì chính phủ Mỹ thừa sức biết rằng nếu các chương trình online đã được thiết lập rồi thì bất cứ ở đâu các sinh viên cũng không bị thiệt hại gì,” ông giải thích và cho biết ‘không có lý do gì các trường đại học chống lại quyết định này của chính phủ’.
Theo thống kê của Chronicle of Higher Education qua theo dõi kế hoạch học kỳ mùa thu của hơn 1.250 trường đại học ở Mỹ thì có 12% trường chuyển sang dạy online hoàn toàn, 34% đưa ra chương trình hỗn hợp và phân nửa sẽ mở lớp lại bình thường.
Đại học danh giá Harvard của Mỹ đã gửi email cho sinh viên thông báo rằng sinh viên quốc tế sẽ không được phép đến trường vào học kỳ mùa thu vì các lớp học sẽ hoàn toàn qua mạng. Sinh viên có thể chọn học online hay hoãn việc học lại.