Đường dẫn truy cập

Sun Group lấp hàng chục hectare vịnh trung tâm Cát Bà, bị xem là tàn phá thiên nhiên


Ảnh so sánh vịnh trung tâm Cát Bà trước và sau khi san lấp trên trang Facebook Hải Phòng Trong Tôi, 3/12/2024, giờ VN.
Ảnh so sánh vịnh trung tâm Cát Bà trước và sau khi san lấp trên trang Facebook Hải Phòng Trong Tôi, 3/12/2024, giờ VN.

Trong những ngày gần đây, dư luận Việt Nam trên mạng xã hội bày tỏ sự ngỡ ngàng, bất bình khi xem hình ảnh được lan truyền cho thấy tập đoàn bất động sản Sun Group san lấp một phần vịnh đảo Cát Bà. Họ cho rằng điều đó không khác gì việc tàn phá thiên nhiên.

Một bức ảnh so sánh vịnh trung tâm của Cát Bà trước và sau quá trình san lấp kéo dài khoảng 3 tháng rưỡi được đăng hôm 3/12 trên trang Facebook Hải Phòng Trong Tôi có hơn 23 nghìn người theo dõi.

Sau đó, bức ảnh được nhiều người chia sẻ bao gồm cả các Facebooker có nhiều ảnh hưởng như doanh nhân-nhà văn Trần Quốc Quân, các nhà bình luận Kim Văn Chính, Huỳnh Ngọc Chênh, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, Tiến sĩ-tác giả sách Đặng Hoàng Giang…, cũng như dẫn đến các thảo luận trong các nhóm như Chân Trời Mới Media và Nhóm Chúng Tôi Ghét Lừa Dối…

Một số người tỏ ý bất ngờ, không tin nổi vịnh của đảo Cát Bà đã bị lấp, cùng lúc, nhiều người buông lời ngao ngán về tình trạng doanh nghiệp “san lấp được chỗ nào để bán thì cứ làm bất chấp”. Có những người đặt câu hỏi rằng đời nay xâm lấn, khai thác thiên nhiên để kinh doanh liệu “đời con cháu còn lại gì?”

Sun Group khởi công dự án gây nhiều tranh cãi vào giữa tháng 8 với vốn đầu tư gần 12,5 nghìn tỷ đồng, nhắm mục tiêu tạo ra một khu du lịch và dịch vụ thương mại rộng gần 46 hectare ở vịnh trung tâm của Cát Bà, mà khi hoàn thành có thể xem như là “tiểu Maldives của châu Á”.

Đưa tin về lễ khởi công, báo chí Việt Nam nói rằng dự án phù hợp với quy hoạch của Hải Phòng và nghị quyết của thành phố này về khai thác tiềm năng du lịch biển, sinh thái, nghỉ dưỡng… Một phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố đã dự và phát biểu tại buổi lễ.

Hiện nay, trong số những tiếng nói thẳng thừng phản đối dự án là doanh nhân-nhà văn Trần Quốc Quân, Việt kiều Ba Lan có những dự án kinh doanh ở Việt Nam.

Ông Quân chia sẻ với VOA rằng ông quen biết và từng làm việc với ông Lê Viết Lam, Chủ tịch Sun Group, từ cách đây nhiều năm khi ông Lam còn cư trú, kinh doanh ở Ukraine. Xem dự án của Sun Group là “tàn phá thiên nhiên”, ông Quân nói ông chống nó vì đặt “nghĩa lớn” lên trên tình cảm riêng tư.

Từ rất sớm, khi Sun Group của ông Lam bắt đầu phát triển bất động sản, kiếm tiền theo hướng khai thác, lợi dụng tài nguyên, cảnh quan thiên nhiên, như các dự án cáp treo Bà Nà, Phanxipăng…, ông Quân đã phản ứng, ông cho biết.

“Việc Sun Group thi công rất nhanh, 3 tháng rưỡi thôi mà lấp đến 2/3 vịnh Cát Bà, tôi nghĩ rằng đây là một mánh lới về trốn tránh dư luận, làm thật nhanh, bắt mọi người chấp nhận sự việc đã rồi”, vị doanh nhân-Việt kiều Ba Lan đưa ra quan sát.

Cũng như nhiều ý kiến trên mạng xã hội, ông Quân nhận định về sự tiếp sức của các quan chức:

“Công trình tày trời như thế này về việc phá hoại cảnh quan thiên nhiên chắc chắn phải có sự đồng ý các cơ quan chính quyền các cấp từ trung ương tới địa phương. Tôi tin rằng Sun Group chẳng thể làm việc tày đình thế mà không có sự đồng ý của chính quyền từ trung ương tới địa phương. Cái cơ bản là sai ngay từ các cấp chính quyền”.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, nhà nghiên cứu kinh tế và chính trị độc lập ở Na Uy, bình luận với VOA:

“Chuyện lấp vịnh để đô thị hóa như vậy không chỉ ảnh hưởng người dân vùng đó mà còn ảnh hưởng tới rất nhiều người. Chính quyền địa phương họ làm như vậy mà chính quyền trung ương không can thiệp chứng tỏ trung ương không có sự kiểm soát địa phương hoặc là có sự mua chuộc, chống lưng nào đó”.

VOA liên lạc với Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Nhân dân Hải Phòng và Sun Group để tìm hiểu quan điểm của họ, nhưng không kết nối được.

Trong các cuộc thảo luận trên mạng xã hội, có những người tỏ ý bênh vực dự án của Sun Group, cho rằng vùng vịnh đó “không có bãi biển”, “thiên nhiên không có gì”, “không phải khu vực bảo tồn”, chỉ có “một quảng trường xấu, bé” và một cầu tàu “mất mỹ quan”, là khu vực “không có giá trị gì về mọi mặt”.

Doanh nhân Trần Quốc Quân phản bác lập luận kể trên mà ông gọi là “bao che”. Ông nói:

“Không chỉ một công trình mà sẽ còn có nhiều công trình nếu chúng ta cứ buông lơi quản lý tài nguyên thiên nhiên như thế này. Nếu ông [Lê Viết] Lam làm được, rất rất nhiều doanh nghiệp khác cũng làm được. Không chỉ có một công trình tàn phá thiên nhiên như vịnh Cát Bà mà bao nhiêu bãi biển đẹp của Việt Nam, rồi rừng Cúc Phương, chân núi Phanxipăng, Sa Pa… nát hết”.

Lưu ý rằng khai thác tài nguyên thiên nhiên là một trong những hướng đi đem lại “lợi nhuận siêu ngạch” cho các doanh nghiệp bất động sản, ông Quân cảnh báo về những hậu quả to lớn cả trước mắt lẫn lâu dài không thể tính bằng tiền:

“Cái trả giá không chỉ là về mỹ quan mà sợ nhất là biến đổi khí hậu: giết không biết bao nhiêu loài thủy sinh, hệ sinh thái bị hủy hoại, chắn nắng, chắn gió vào đảo, vào đất liền, còn rừng, còn núi, gây ra hệ quả về lũ, bão, thiếu ô xy do rừng bị tàn phá quá nhiều”.

Tiên liệu rằng thật khó lường về hậu quả cho các thế hệ hậu sinh, ông Quân nhấn mạnh:

“Không chỉ trường hợp Sun Group mà phải chặn lại tất cả các ý đồ kinh doanh mang lại lợi nhuận siêu ngạch bằng cách tàn phá thiên nhiên như thế này”.

Với nhãn quan của một nhà nghiên cứu, Ts. Nguyễn Huy Vũ xem đây như một ví dụ về sự đối lập giữa thể chế “chiếm đoạt” với thể chế “bao trùm”:

“Một dự án như vậy tạo tiền lệ để người ta lấp đất hoặc phá hủy cảnh quan thiên nhiên để làm lợi cho một nhóm người. Nếu nhìn dưới góc cạnh thể chế, quyền lợi chỉ dành cho một nhóm nhỏ người thôi, không phải là dự án này tạo ra quyền lợi được chia sẻ với rất nhiều người trong toàn xã hội. Những chính sách, hoạt động tạo ra quyền lợi cho một nhóm nhỏ người thì gây thiệt hại cho rất nhiều người”.

Suy rộng ra, thể chế và chính sách như vậy làm cho sự phát triển của đất nước bị méo mó, không đồng đều, chỉ có lợi cho những ai chiếm hữu được các tài nguyên, ông Vũ nhấn mạnh.

Báo chí Việt Nam viết rằng khi dự án hoàn thành, vùng vịnh trung tâm Cát Bà sẽ trở thành một "tiểu Maldives của châu Á" với không gian giải trí quy mô, chất lượng và đẳng cấp. Trong khi đó, theo quan sát của VOA, một số trang kinh doanh bất động sản đang quảng bá, dọn đường để thu hút khách hàng bỏ tiền mua nhà trong dự án.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG