Bà Aung San Suu Kyi đang chịu áp lực từ các quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi, trong đó có Bangladesh, Indonesia và Pakistan, đòi bà phải ngăn chặn bạo lực đối với người Hồi giáo Rohingya sau khi gần 125.000 người chạy sang Bangladesh.
Đợt bạo lực gần đây nhất ở bang Rakhine thuộc vùng tây bắc Myanmar, bắt đầu ngày 25/8, khi những người nổi dậy Rohingya tấn công hàng chục đồn cảnh sát và một căn cứ quân đội. Các cuộc đụng độ tiếp theo và một cuộc phản công quân sự đã giết chết ít nhất 400 người và gây ra làn sóng di tản khi dân làng chạy sang Bangladesh.
Cách đối xử đối với khoảng 1,1 triệu người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar, nước có đa số dân theo Phật giáo, là thách thức lớn nhất đối với bà Suu Kyi. Bà bị những người chỉ trích ở phương Tây cáo buộc là đã không công khai lên tiếng bênh vực nhóm thiểu số lâu nay vẫn kêu than bị ngược đãi.
Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi sẽ đến Dhaka, thủ đô Bangladesh, hôm 5/9 sau khi gặp khôi nguyên giải Nobel hòa bình Suu Kyi và chỉ huy quân đội Min Aung Hlaing để thúc giục Myanmar hãy chấm dứt vụ đổ máu.
H.T. Imam, một cố vấn chính trị của Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina, nói với Reuters: "Indonesia đang đóng vai trò chính, và hơn thế, có khả năng các nước ASEAN cũng tham gia. Nếu chúng ta có thể duy trì áp lực lên Myanmar, từ ASEAN, cũng như từ Ấn Độ, đó sẽ là điều tốt".
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bắt đầu công du Myanmar hôm 5/9. Trong chuyến thăm, đó ông sẽ gặp các quan chức hàng đầu, kể cả bà Suu Kyi.
Thổ Nhĩ Kỳ mô tả bạo lực nhắm vào người Rohingya là hành động “diệt chủng” và đề nghị giúp đỡ Bangladesh ứng phó với làn sóng người tị nạn.
Pakistan, nơi có một cộng đồng người Rohingya lớn, đã bày tỏ "đau buồn sâu sắc" và kêu gọi Tổ chức các Quốc gia Hồi giáo hãy hành động.