Đường dẫn truy cập

Số người nhiễm COVID-19 ở Tokyo đạt mức cao kỷ lục giữa kỳ Olympics


Người dân Nhật vẫn đi lại trên đường phố ở gần nhà ga Shimbashi ở Tokyo vào ngày 29/7/2021, khi số ca nhiễm COVID-19 tăng lên mức kỷ lục vào giữa kỳ Thế vận hội.
Người dân Nhật vẫn đi lại trên đường phố ở gần nhà ga Shimbashi ở Tokyo vào ngày 29/7/2021, khi số ca nhiễm COVID-19 tăng lên mức kỷ lục vào giữa kỳ Thế vận hội.

Các quan chức Nhật Bản vừa lên tiếng báo động hôm 29/7 khi Tokyo ghi nhận số ca nhiễm virus corona kỷ lục trong ngày thứ ba liên tiếp giữa lúc Thế vận hội đang diễn ra tốt đẹp, theo AP.

“Chúng tôi chưa bao giờ bị tình trạng lây nhiễm lớn như thế này”, Chánh văn phòng Nội các Katsunobu Kato nói với các phóng viên. Ông cho biết các ca nhiễm mới đang tăng vọt không chỉ ở khu vực Tokyo mà trên toàn quốc.

Tokyo đã ghi nhận 3.865 ca mới vào ngày 29/7, tăng từ 3.177 ca một ngày trước đó và gấp đôi con số của một tuần trước, lập mức cao nhất từ trước tới nay kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Nhật Bản có số ca mắc và tử vong thấp hơn nhiều nước khác, nhưng tỷ lệ trung bình trong 7 ngày đang tăng lên và hiện là 28 trên 100.000 người trên toàn quốc và 88 ở Tokyo, theo Bộ Y tế Nhật Bản. Trong khi đó, tỷ lệ ở Hoa Kỳ là 18,5, ở Anh là 48 và ở Ấn Độ là 2,8, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins.

“Trong khi gần như không có gì giúp làm chậm quá trình lây nhiễm, lại có nhiều yếu tố có thể đẩy nhanh quá trình này”, AP dẫn lời Tiến sĩ Shigeru Omi, một cố vấn y tế hàng đầu của chính phủ Nhật Bản, nói. “Rủi ro lớn nhất là thiếu cảm nhận về khủng hoảng và nếu không có nó, các bệnh nhiễm trùng sẽ tiếp tục lan rộng và khiến cho các hệ thống y tế bị căng thẳng nghiêm trọng”.

Tokyo đã được đặt trong tình trạng khẩn cấp lần thứ tư kể từ ngày 12/7, trước khi Thế vận hội bắt đầu vào thứ Sáu tuần trước, bất chấp sự phản đối rộng rãi của công chúng và những lo ngại rằng Thế vận hội có thể làm nghiêm trọng thêm đợt bùng phát.

Người dân vẫn đi trên đường phố bất chấp yêu cầu phải ở nhà, khiến cho các biện pháp phòng chống dịch hầu như không hiệu quả vào thời điểm mà biến chủng Delta đang ngày càng lan rộng, ông nói. “Chúng tôi chưa bao giờ thấy các ca nhiễm lây lan nhanh như vậy”.

Được cảnh báo trước về tình trạng gia tang ca nhiễm ở Tokyo, thống đốc của ba tỉnh giáp ranh với thủ đô cho biết họ dự định yêu cầu Thủ tướng Yoshihide Suga đặt các tỉnh này trong tình trạng khẩn cấp.

Các quan chức Tokyo hôm 29/7 cho biết hai vận động viên Olympic nước ngoài hiện đang nhập viện và 38 người khác đang tự cách ly tại các khách sạn được chỉ định trong thành phố.

Thống đốc của Tokyo, bà Yuriko Koike, kêu gọi các nhà tổ chức đảm bảo không tạo thêm gánh nặng cho các bệnh viện của Tokyo.

Bộ trưởng phụ trách về vaccine của Nhật Bản, Taro Kono, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với AP hôm 28/7 rằng không có bằng chứng về việc virus corona lây lan từ những người tham gia Olympic sang công chúng.

“Tôi không nghĩ rằng có bất kỳ trường hợp nào liên quan đến Thế vận hội Olympic. Vì vậy, chúng tôi không lo lắng về vấn đề đó”, ông nói.

Bà Koike cho biết hệ thống y tế đang bị căng thẳng nghiêm trọng, và lưu ý rằng các chuyên gia đã dự đoán các ca bệnh ở Tokyo có thể vượt quá 4.500 ca một ngày vào giữa tháng 8.

Trên toàn quốc, Nhật Bản đã ghi nhận hơn 9.500 ca, cũng là một con số kỷ lục, vào ngày 28/7 với tổng số khoảng 892.000 ca nhiễm, và khoảng 15.000 trường hợp tử vong.

Bà Koike lưu ý rằng thanh niên ở độ tuổi 30 trở xuống chiếm đa số các trường hợp mắc bệnh gần đây và nhắc nhở họ tuân thủ các biện pháp chống virus cơ bản bao gồm đeo khẩu trang và tránh tổ chức tiệc tùng.

Bà nói: “Tôi muốn những người trẻ tuổi nhận thức được rằng biến thể Delta là một kẻ thù rất nguy hiểm và khó đối phó”.

Bà cũng kêu gọi những người dưới 64 tuổi, hầu hết chưa được tiêm chủng, hãy đi tiêm phòng ngay khi đến lượt.

Tính đến 28/7, có 26,3% dân số Nhật Bản đã được tiêm chủng đầy đủ. Tỷ lệ người cao tuổi được tiêm chủng đầy đủ là 70%, tương đương 24,8 triệu người.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG