Đường dẫn truy cập

Tại sao dân Hong Kong không mặn mà với cầu vượt biển mới?


Đây là cây cầu vượt biển dài nhất thế giới hiện nay
Đây là cây cầu vượt biển dài nhất thế giới hiện nay

Sau những lần trì hoãn, gần một thập niên xây dựng và chi phí đội lên đến 20 tỷ đô la, cây cầu bắc qua biển dài nhất thế giới kết nối Hong Kong với đại lục Trung Quốc cuối cùng cũng đã mở cửa cho lưu thông hôm 23/10 như là siêu dự án mới nhất mang dấu ấn của Bắc Kinh.

Đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cắt băng khánh thành cây cầu có chiều dài 55km này sẽ kết nối Hong Kong với thành phố Chu Hải và Macau.

Tuy nhiên, nhiều người dân Hong Kong thắc mắc tại sao họ phải gánh chịu chi phí lớn như vậy với rất ít lợi ích thiết thực.

Suy cho cùng, hành trình đi từ Hong Kong đến đại lục trên cây cầu mới này chỉ nhanh hơn có 30 phút so với tuyến đường băng qua những cây cầu hiện tại. Ở Macau, lợi ích được thấy rõ ràng: phà là cách duy nhất để đến đại lục.

Tuy nhiên đó không phải là bức tranh toàn cảnh, các quan chức Trung Quốc cho biết.

Tuyến đường cầu và hầm này được xem là hòn đá tảng trong kế hoạch xây dựng ‘Đại Vùng Vịnh’ của Trung Quốc với mục tiêu kết nối các trung tâm Hong Kong và Macau với 11 thành phố phía nam khác của Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn thu hút thêm nhiều du khách và người lao động từ đại lục đến các thành phố bán tự trị này.

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Đặc khu trưởng Hong Kong, ca ngợi dự án ‘có một trong đời người’ này là giúp gắn kết Hong Kong chặt chẽ hơn với đại lục.

Tuy nhiên, có ít người ở Hong Kong nghĩ như vậy.

Người dân Hong Kong lâu nay đã ca thán về việc chính quyền trung ương liên tục can thiệp vào công việc của thành phố, trong đó có nỗ lực mà các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng thu hẹp lại quyền tự do biểu đạt tương đối cởi mở ở đây.

Những người chỉ trích cũng lo sợ con số ngày càng đông người lao động và du khách từ các thành phố trong đại lục đến Hong Kong vốn dĩ đã đông đúc và trung tâm cờ bạc Macau thậm chí còn tấp nập hơn nữa.

Người đóng thuế ở Hong Kong phải chịu gần phân nửa chi phí xây cầu, và không hề dễ dàng chút nào để ai đó chỉ đi qua cầu là xong.

Người dân cần phải trải qua một quy trình phức tạp để xin giấy phép từ tất cả ba thành phố mà cây cầu này đi qua – quá trình có thể mất gần hai tuần – và cũng phải mua bao hiểm ở tất cả nơi này.

Những bình luận trên một đoạn video của chính quyền Hong Kong giải thích quy trình đã mỉa mai quy trình đáng lẽ ra là phải đơn giản này là ‘quan liêu quá mức’. Họ nói rằng người dân Hong Kong chỉ cần lên phà là có thể đến Macau mà không cần phải làm thủ tục như vậy. Bên cạnh đó, giấy phép cho xe tư nhân qua cầu bị giới hạn chỉ vào khoảng 5.000 xe trong thời gian đầu.

“Thật lạ lùng. Nó băng qua biển như vậy mà dân thường lại không thể đi được. Như vậy để làm gì?” Claudia Mo, một nhà lập pháp cổ súy cho dân chủ ở Hong Kong, than phiền. “Dự án này hết sức rõ ràng là một biểu tượng chính trị. Tôi chắc Bắc Kinh biết rõ rằng chúng tôi không thật sự cần cái cầu này và nó không cần thiết vào lúc này.”

Bà nói thêm rằng cây cầu này là ‘công trình vĩnh viễn và lời nhắc nhở thường trực rằng Hong Kong mãi mãi kết nối với vùng nội địa rộng lớn của đại lục Trung Quốc’.

Dự án cũng hứng chịu chỉ trích vì tiêu chuẩn lao động cẩu thả và những tác động môi trường tiêu cực. Trong quá trình xây dựng, 19 công nhân thiệt mạng và hàng chục người bị thương với một số người rơi xuống biển sau khi một giàn giáo bị sập.

Kể từ khi công trình tăng tốc trong những năm gần đây, số lượng loài cá heo trắng Trung Quốc nổi tiếng cư trú ở vùng biển này đã giảm từ 80 vào năm 2012 xuống còn 47 trong năm 2017, theo ông Taison Chang, chủ tịch Hội Bảo tồn Cá heo Hong Kong, trong khi các nỗ lực giảm nhẹ tác động môi trường đã thất bại trong việc giữ đàn cá heo ở lại khu vực.

“Chúng ta có thể rõ ràng nhìn thấy cá heo ở khu vực Bắc Lantau gần như biến mất ở trên toàn bộ khu vực ở gần nơi xây cầu,” ông nói. “Không ai có thể thật sự dừng dự án sau khi dự án nhận được giấy phép môi trường cần thiết để triển khai.”

Cây cầu được hoàn thành vào lúc Chủ tịch Tập Cận Bình đang mở rộng quyền kiểm soát đối với Hong Kong, một thành phố có 7,4 triệu dân với quy chế đặc khu hành chính sau khi được Anh trao trả về Trung Quốc cách nay hơn 20 năm.

Theo chính sách ‘một đất nước, hai chế độ’, chế độ kinh tế và chính trị của Hong Kong được giữ nguyên không bị can thiệp trong vòng 50 năm – cho đến năm 2047 – và riêng biệt với chế độ trong đại lục. Điều này cho phép đặc khu này có chính phủ, tư pháp và tiền tệ riêng.

Tuy nhiên, một loạt các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng đã kết nối đặc khu này với đại lục một cách rõ ràng hơn. Hồi cuối tháng Chín, một tuyến đường sắt cao tốc trị giá 11 tỷ đô la đã được khánh thành để kết nối Hong Kong với đại lục và cắt ngắn thời gian di chuyển từ Hong Kong đến các thành phố lớn khác của Trung Quốc.

Bắc Kinh hy vọng rằng những kết nối giao thông này sẽ thúc đẩy sự phát triển ở các thành phố phương nam vốn từng dẫn đầu tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc – nhất là trong bối cảnh chiến tranh thương mại tiếp diễn với Mỹ.

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cũng đang đẩy mạnh một dự án bồi đắp đảo vốn sẽ là dự án cơ sở hạ tầng đắt đỏ nhất ở Hong Kong để xây một hòn đảo nhân tạo làm nơi sinh sống của 1 triệu người. Hòn đảo mới này sẽ gần với chiếc cầu mới này.

“Tất cả mọi thứ đều kết nối – đảo bồi đắp, chiếc cầu, đường sắt cao tốc,” nghị sỹ Mo nói. “Tất cả đều nhằm để nói với Hong Kong rằng quý vị là một phần của Trung Quốc và quý vị sẽ không thể nào tách riêng ra được.”

(Theo Washington Post)

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG