Phản ứng của công chúng cả trên mạng xã hội (1) lẫn diễn đàn của một số cơ quan truyền thông chính thức (2) trước tin chính quyền thành phố Hà Nội sẽ tổ chức “bốc thăm” để kiểm tra sự trung thực của những viên chức có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập ở 12 đơn vị trực thuộc, bao gồm ba sở, ba quận – huyện, hai ban quản lý dự án, hai doanh nghiệp nhà nước, một viện, một trường (3),... theo phương thức... ngẫu nhiên, chứng tỏ, nỗ lực tuyên truyền và nỗ lực chứng minh “công cuộc phòng chống tham nhũng không có ngoại lệ, không có vùng cấm” của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không những vô tác dụng mà còn tạo thêm khinh khi, oán giận.
***
Các tuyên bố, cam kết của những viên chức lãnh đạo từ trung ương đến địa phương rồi nghị quyết của hệ thống chính trị, nghị định của hệ thống công quyền về “phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí” đã cũng như đang bị... hề hóa nhưng không may là công chúng... không cười!
“Kê khai tài sản, thu nhập” liên tục được quảng bá vừa như một giải pháp, vừa như một bằng chứng chứng tỏ “quyết tâm phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí” nhưng từ khi bắt đầu thực hiện đến nay, việc kiểm tra mức độ chính xác, trung thực của các tờ khai vẫn chỉ được thực hiện theo kiểu có… chọn lọc.
Năm 2018, có khoảng 1.137.000 cá nhân phải “kê khai tài sản, thu nhập” nhưng “ta” chỉ kiểm tra sự trung thực khi kê khai tài sản, thu nhập của… 44 người (4)… Đến 2020, số cá nhân đã nộp tờ khai tài sản, thu nhập là 1.081.235 người nhưng “ta” cũng chỉ tổ chức xác minh mức độ chính xác khi kê khai tài sản, thu nhập của… 46 người (5)!
Tổ chức “kê khai tài sản, thu nhập” nhưng không công bố, thậm chí còn khẳng định các tờ khai tài sản, thu nhập là... “tài liệu mật”, không thể để dân chúng biết và... sau hai thập niên thực hiện “kê khai tài sản, thu nhập”, từ 2018 đến nay, mỗi năm, chỉ xác minh chưa tới … 0,01% tờ khai tài sản, thu nhập thì có khác gì... tấu hài?
Ngoài tổ chức “kê khai tài sản, thu nhập”, giống như các cơ quan thuộc hệ thống chính trị, hệ thống công quyền trung ương và bộ máy chính trị, bộ máy công quyền của 62 tỉnh, thành phố khác, bộ máy chính trị, bộ máy công quyền của Hà Nội cũng tổ chức “tự kiểm tra nội bộ” để phát hiện “tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”.
Từ 2009 đến 2021, bộ máy chính trị, bộ máy công quyền của Hà Nội “không phát hiện vụ tham nhũng” nào (6) giống như không phát hiện tờ khai tài sản, thu nhập nào thiếu trung thực. Từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, chẳng riêng dân mà quan cũng không tin các dữ liệu đó chính xác nhưng trước đã thế, nay vẫn thế!
Thậm chí khi ông Nguyễn Đức Chung, Phó Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch thành phố Hà Nội bị khởi tố, bị truy tố, bị Tòa án phạt tù rồi vứt ra 25 tỉ để được giảm ba năm tù (7), bộ máy chính trị, bộ máy công quyền từ trên xuống dưới, từ trái sang phải vẫn điềm nhiên xem việc ông Chung giàu có đến mức như vậy là... đương nhiên!
Vẫn tổ chức “kê khai tài sản, thu nhập”, vẫn tổ chức “bốc thăm”, đã vậy còn tổ chức “tự kiểm tra nội bộ”, làm “lễ công bố báo cáo”, bất kể những trường hợp như trường hợp Nguyễn Đức Chung càng ngày càng nhiều cho thấy, hoạt động “tổ chức biểu diễn” về “quyết tâm phòng chống tham nhũng” có vấn đề cả về... “kịch bản”, lẫn... “đạo diễn”!
***
Sau hai thập niên tổ chức “kê khai tài sản, thu nhập” và 12 năm tổ chức “tự kiểm tra nội bộ” nhưng “không tìm thấy tham nhũng” dù đã lôi ra không ít viên chức để... “minh họa” cho “quyết tâm phòng chống tham nhũng” như ông Nguyễn Đức Chung, tháng 6 vừa qua, bộ máy chính trị, bộ máy công quyền ở Hà Nội tiếp tục tổ chức báo cáo về kết quả “tự kiểm tra nội bộ”, tiếp tục khẳng định “trong sáu tháng đầu năm 2022 chưa tìm thấy vụ tham nhũng nào” song lại mở ngoặc chú thích thêm “tình hình tham nhũng, lãng phí vẫn còn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực” (8). Có “kịch bản” nhưng các... “lời thoại” vô lý như thế mà “đạo diễn” vẫn cho lên sân khấu thì đúng là không ổn!
Bởi “tự kiểm tra nội bộ” đã xong, bộ máy chính trị, bộ máy công quyền ở Hà Nội mới tổ chức “bốc thăm” để xác minh một số tờ khai thu nhập tài sản. Cần đánh giá cho công bằng, “bốc thăm” không phải là “kịch bản” của Hà Nội. “Bốc thăm” là “kịch bản” của... “Tổng đạo diễn”, tên “kịch bản” này là... “Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị” (gọi tắt là Nghị định 130/2020/NĐ.CP). Tháng 2 năm ngoái, Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội là nơi đầu tiên dựng “kịch bản” này để tuyên truyền “xác minh tài sản, thu nhập phải được tiến hành kịp thời, công khai, khách quan, trung thực”(9).
Cứ nhìn diễn biến trên sân khấu, phản ứng của công chúng – những khán giả bất đắc dĩ, chắc chắn sẽ nhận ra ngay lập tức, hoạt động “tổ chức biểu diễn” tuyên truyền cho “quyết tâm phòng chống tham nhũng” và “phòng chống tham nhũng không chấp nhận ngoại lệ, không có vùng cấm” thiếu “kịch bản” tốt và “đạo diễn” giỏi, thành ra kết quả càng ngày càng tệ. Tệ đến mức các viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam liên tục la hoảng về... “suy giảm niềm tin”.
Nhìn một cách tổng quát, đây là lỗi của... Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (HV CTQG HCM) – nơi đào tạo các cá nhân làm viên chức từ dưới lên trên cho những hệ thống này. Khi “liên kết đào tạo” đang là xu thế và khi chưa xem công dân như đồng bào, chỉ coi họ như khán giả, khi chưa xem quản trị - điều hành quốc gia đúng với ý nghĩa của những từ đó mà chỉ coi như... biểu diễn, chỉ có một cách để tăng hiệu quả... tuyên truyền đó là HV CTQG HCM sớm hợp tác với các đại học chuyên ngành sân khấu – điện ảnh.
Chú thích
(5) http://congan.com.vn/tin-chinh/vi-pham-trong-ke-khai-tai-san-8-nguoi-bi-ky-luat_93231.html
(7) https://vnexpress.net/ong-nguyen-duc-chung-duoc-giam-3-nam-tu-4478905.html
(8) https://tienphong.vn/ha-noi-chua-phat-hien-tham-nhung-trong-6-thang-dau-nam-post1448135.tpo
Diễn đàn