Đường dẫn truy cập

Tối cao Pháp viện Mỹ nghiêng về ông Trump trong việc chấm dứt DACA


Biểu tình bên ngoài Tối cao Pháp Viện Mỹ ngày 12/11/219 ủng hộ chương trình DACA.
Biểu tình bên ngoài Tối cao Pháp Viện Mỹ ngày 12/11/219 ủng hộ chương trình DACA.

Đa số bảo thủ trong Tối cao Pháp viện Mỹ ngày 12/11 ra chỉ dấu cho thấy ủng hộ nỗ lực của ông Trump chấm dứt một chương trình bảo vệ hàng trăm nghìn người được gọi là “Dreamers”-những người vào Mỹ bất hợp pháp khi còn nhỏ, giữa lúc các thẩm phán cấp tiến cho rằng động thái này sẽ hủy hoại cuộc sống của nhiều người.

Sự phân chia ý thức hệ của Tòa án được phơi bày rõ ràng khi tòa nghe biện luận của chính quyền kháng cáo phán quyết của tòa dưới ngăn chặn kế hoạch năm 2017 của Tổng thống Cộng hòa khi ông hủy chương trình Trì hoãn Hành động đối với Những người đến Mỹ khi còn nhỏ (DACA) do người tiền nhiệm Barack Obama thành lập vào năm 2012.

Chương trình DACA hiện đang che chở cho 660.000 di dân- hầu hết là người trẻ gốc Châu Mỹ Latin-khỏi bị trục xuất và cấp giấy phép làm việc cho họ, dù đây không phải là con đường tiến đến nhập tịch Mỹ. Nỗ lực của ông Trump nhằm chấm dứt chương trình này là một phần của chính sách di dân khắc nghiệt của ông.

Các thẩm phán bảo thủ nêu câu hỏi là liệu các Tòa án có thẩm quyền duyệt xét lại những hành động của ông Trump hay không và cũng dường như bác bỏ quan điểm của tòa dưới là chính quyền không chứng minh được việc chấm dứt DACA, một chương trình được cựu Tổng thống Obama thiết lập sau khi Quốc hội không thông qua được dự luật cải cách di trú lưỡng đảng.

Tòa án gồm đa số 5-4 bảo thủ trong đó có hai thẩm phán do Tổng thống Trump đề cử (Neil Gorsuch và Brett Kavanaugh) đều cho thấy họ ủng hộ hành động của Tổng thống.

Các thẩm phán cấp tiến nhấn mạnh đến một số lượng lớn cá nhân, doanh thương và những người khác trông cậy vào chương trình DACA và chỉ rõ là chính quyền không cân nhắc đủ những quan ngại này.

Thẩm phán Sonia Sotomayor đề cập đến quyết định của ông Trump là “một lựa chọn hủy hoại đời sống” và cho thấy chính quyền của ông thất bại trong việc đưa ra những lý lẽ chính đáng để hành động này hợp pháp.

Thẩm phán Kavanaugh nói ông cho rằng những phân tích của chính quyền về hậu quả của việc hủy bỏ DACA đối với các cá nhân là “quyết định có suy xét.”

Ông Kavanaugh nói thêm “Đây là một quyết định nghiêm chỉnh. Chúng tôi đều đồng ý việc này.”

Phán quyết của Tối cao Pháp viện Mỹ dự trù được đưa ra vào cuối tháng 6 sang năm.

Chính quyền ông Trump nói rằng ông Obama đã vượt quyền hiến định khi thành lập DACA bằng sắc lệnh, không thông qua Quốc hội.

Ông Trump đã thi hành chính sách di dân nghiêm ngặt, truy lùng di dân hợp pháp và bất hợp pháp và theo đuổi việc xây dựng một bức tường dọc theo biên giới Mỹ-Mexico, trọng tâm trong nhiệm kỳ Tổng thống và chiến dịch tái tranh cử năm 2020 của ông.

Những bên đệ đơn kiện để ngăn chặn hành động của ông Trump bao gồm một tập hợp các tiểu bang như California và New York, những người hiện được chương trình bảo vệ và các tổ chức dân quyền.

Ngay cả khi ông Trump thất bại lần này, chính quyền của ông sẽ tự do đưa ra những lý do mới để chấm dứt chương trình trong tương lai, một luận điểm của thẩm phán Gorsuch nói.

Ông Gorssuch nêu câu hỏi “Có ích gì khi phải mất 5 năm tranh tụng nữa về tính thích nghi của những lời giải thích này?”

Thẩm phán bảo thủ đứng đầu Tối cao Pháp viện Mỹ John Robert, người có lá phiếu có thể làm xoay chuyển quyết định trong trường hợp này, cho thấy ông hài lòng về những lập luận của chính quyền.

Tuy nhiên ông Robert dường như có cảm tình với ông Trump trong một vụ về nỗ lực của chính quyền đưa thêm một câu hỏi về quốc tịch vào cuộc điều tra dân số năm 2020-một động thái mà những người chỉ trích nói rằng nhằm bỏ ra ngoài các di dân trong việc đếm dân số chính thức của nước Mỹ. Ông Robert bỏ lá phiếu quyết định chống Tổng thống với tỉ lệ 5/4.

Trước đây vào năm ngoái, Tối cao Pháp viện Mỹ ban cho ông Trump một thắng lợi đa số về chính sách di trú khi tòa xem như hợp pháp quyết định của ông Trump cấm vào nước Mỹ một số quốc gia có đa số dân theo Hồi Giáo, cho rằng Tổng thống có quyền chuyên quyết rộng rãi để đưa ra một chính sách như vậy.

Những phán quyết của tòa dưới tại California, New York và Washington D.C vẫn giữ nguyên DACA, cho rằng động thái của ông Trump hủy bỏ chương trình này là “tùy tiện” và vi phạm một đạo luật của Mỹ có tên là Luật Thủ tục Hành chánh.

Cựu Tổng thống Obama nói những người trẻ được DACA bảo vệ, được nuôi dưỡng và học tập tại Mỹ, lớn lên như người Mỹ và thường ít biết về quê hương của họ.

Nhiều lập luận của chính quyền căn cứ vào kết luận năm 2017 của ông Jeff Sessions, Bộ trưởng Tư pháp lúc bấy giờ, cho rằng chương trình này bất hợp pháp. Thẩm phán cấp tiến Ruth Bader Ginsburg yêu cầu luật sư đại diện cho Bộ Tư pháp trước Tối cao Pháp viện Noel Francisco giải thích về lập trường của chính phủ là DACA bất hợp pháp.

Bà Ginsburg nói chính quyền chỉ có thể nói “Chúng tôi không thích DACA và chúng tôi chịu trách nhiệm về việc này thay vì đổ lỗi cho luật.”

Ông Trump đưa ra những tuyên bố trái ngược về “Dreamers”. Vào năm 2017, ông nói ông “yêu thương” những người này ngay cả khi ông tìm cách bãi bỏ chương trình bảo vệ họ khỏi bị trục xuất.

Ngày 12/11, ông Trump dùng Twitter tấn công nhiều người được hưởng chương trình DACA là “những tội phạm ngoan cố” mà không đưa ra chứng cớ, và đánh đu với khả năng có được một thỏa thuận với phe Dân chủ trong Quốc hội cho phép những người được bảo vệ theo chương trình DACA vẫn được ở lại nước Mỹ. Ông Trump chưa bao giờ đề nghị chi tiết chương trình thay thế DACA.

Vài trăm người ủng hộ DACA tụ tập bên ngoài Tòa án, ca hát, đánh trống và cầm những khẩu hiệu với các dòng chữ “Bảo vệ DACA.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG