Các tài liệu rò rỉ được cung cấp cho mạng lưới tin tức RFE/RL xác nhận tin nói rằng Nga và Trung Quốc hợp tác trong các chiến thuật kiểm duyệt và kiểm soát internet.
Các tài liệu nêu chi tiết các hồ sơ và bản ghi âm được cho là từ các cuộc họp kín vào năm 2017 và 2019 giữa các quan chức từ các cơ quan Trung Quốc và Nga chịu trách nhiệm kiểm soát internet ở cả hai quốc gia.
Trong các tài liệu và bản ghi âm đó — do RFE/RL đưa tin — các quan chức của cả hai quốc gia chia sẻ các chiến lược để theo dõi bất đồng chính kiến và kiểm soát internet, bao gồm các yêu cầu trợ giúp để chặn các bài báo “nguy hiểm” và lời khuyên về cách đánh bại công nghệ vượt tường lửa.
RFE/RL cho biết Nhóm Điều tra Nga của họ đã thu được các đoạn ghi âm và tài liệu từ một nguồn có quyền truy cập vào các tài liệu. DDoSecrets, một nhóm xuất bản các tài liệu bị rò rỉ và bị tấn công, đã cung cấp phần mềm để tìm kiếm các hồ sơ.
VOA chưa nhìn thấy các hồ sơ này.
Mặc dù đã có những báo cáo trước đây về việc Moscow và Bắc Kinh hợp tác trong các chiến thuật liên quan đến kiểm duyệt và các hình thức đàn áp khác, nhưng nội dung của những cuộc đối thoại cụ thể này chưa từng được loan tải.
Cả Toà đại sứ Nga và Toà đại sứ Trung Quốc tại Washington đều không trả lời email yêu cầu bình luận của VOA.
Trong một số tài liệu bị rò rỉ, các quan chức Trung Quốc dường như yêu cầu Nga cho lời khuyên về việc đối phó với những người bất đồng chính kiến phổ biến và quản lý các phương tiện truyền thông, báo cáo cho biết. Trong khi đó, các quan chức Nga đã xin lời khuyên từ Bắc Kinh về các vấn đề như cách ngăn chặn các công cụ vượt tường lửa như các mạng lưới riêng tư và cách điều chỉnh các nền tảng nhắn tin.
Theo bà Yaxue Cao, người sáng lập China Change, một trang web về nhân quyền ở Trung Quốc, những tiết lộ này nhấn mạnh mức độ đàn áp ở Trung Quốc tinh vi hơn nhiều so với ở Nga.
“Sự kiểm duyệt của Trung Quốc và sự đàn áp của Trung Quốc đối với việc tiếp cận thông tin là hoàn toàn. Nga còn nhiều điều phải học hỏi từ Trung Quốc,” bà Cao nói với VOA.
“Toàn bộ hệ thống được chống đỡ bởi cách họ tuyên truyền, lịch sử theo chủ nghĩa xét lại của họ, sự kiểm soát hoàn toàn của họ đối với các phương tiện truyền thông, toàn quyền kiểm soát của họ đối với lĩnh vực ý kiến,” bà Cao nói, ám chỉ Trung Quốc.
Các tài liệu khác cho thấy vào năm 2017, Aleksandr Zharov, cựu lãnh đạo cơ quan quản lý internet của Nga Roskomnadzor, đã yêu cầu cơ quan quản lý internet của Trung Quốc sắp xếp một chuyến thăm cho các quan chức Nga đến Trung Quốc để nghiên cứu hệ thống kiểm duyệt và giám sát Bức tường lửa vĩ đại của Trung Quốc.
Hai năm sau, các quan chức của Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC), cơ quan quản lý internet của Trung Quốc, đã yêu cầu Nga chặn các liên kết đến nhiều bài báo và cuộc phỏng vấn liên quan đến Trung Quốc mà họ cho là “có tính chất nguy hiểm và có hại cho lợi ích công cộng.”
Tại Hội nghị Internet Thế giới năm 2019 ở thành phố Ô Trấn, miền đông Trung Quốc, CAC và Roskomnadzor đã ký một thỏa thuận về việc chống lại sự lan truyền của “thông tin bị cấm”. Các tài liệu mà RFE/RL có được cho thấy rằng một số yêu cầu của CAC vào cuối năm đó nhằm chặn thông tin ở Nga đã được thực hiện theo thỏa thuận đó.
Trong một yêu cầu, các quan chức Trung Quốc đã yêu cầu Nga kiểm duyệt một bài báo bằng tiếng Hoa của BBC về một chiến dịch của chính phủ được đưa ra vào năm 2015 nhằm cải thiện điều kiện vệ sinh của đất nước. Trong một yêu cầu khác, các quan chức Trung Quốc yêu cầu Nga chặn một bài đăng trên blog về tin đồn Chủ tịch Tập Cận Bình bị thương ở lưng.
Theo Bà Eto Buziashvili, người nghiên cứu thông tin sai lệch của Nga tại Phòng thí nghiệm nghiên cứu giám định kỹ thuật số của Hội đồng Đại Tây Dương, Điện Kremlin thậm chí còn tăng cường hạn chế hơn trong năm qua kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine vào tháng 2 năm 2022.
“Sau cuộc xâm lược Ukraine, Nga đã cố gắng tăng gấp đôi kiểm duyệt ở Nga, và lý do là để ngăn chặn thông tin thực tế về cuộc chiến lan rộng ở Nga,” bà Buziashvili nói với VOA.
Báo cáo của RFE/RL về thông tin bị rò rỉ xác nhận cách Bắc Kinh và Moscow hợp tác kiểm duyệt và tuyên truyền, theo bà Buzashvili.
Ví dụ, bà nói, các đại diện và cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc trước đây đã khuếch đại các câu chuyện tuyên truyền của Nga trên mạng xã hội. Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã lặp lại thông tin sai lệch của Nga về cuộc chiến.
“Báo cáo này chỉ xác nhận sự hợp tác giữa hai quốc gia và các thực thể của họ,” bà Buzashvili nói.
Bà nói thêm, điều hợp lý là hai quốc gia độc tài sẽ hợp tác với nhau trong các hoạt động gây ảnh hưởng, và hệ sinh thái truyền thông do nhà nước kiểm soát ở cả hai quốc gia tự nhiên tạo điều kiện thuận lợi cho kiểu hợp tác này.
“Nếu họ đang hợp tác trong các lĩnh vực ngoại tuyến, tại sao không hợp tác trực tuyến để có tuyên truyền mạnh mẽ hơn cũng như lan rộng tiếp cận nhiều người hơn?” bà Buziashvili nói.
Diễn đàn