Đường dẫn truy cập

Thủ tướng Anh hoãn biểu quyết về thỏa thuận Brexit


Thủ tướng Anh Theresa May đến văn phòng Thủ tướng số 10 Downing Street tại London, ngày 10/12/2018.
Thủ tướng Anh Theresa May đến văn phòng Thủ tướng số 10 Downing Street tại London, ngày 10/12/2018.

Thừa nhận đang đối mặt một sự thất bại thảm hại, Thủ tướng Anh Theresa May ngày 10/12 đột ngột hoãn cuộc biểu quyết tại Quốc hội về thỏa thuận Brexit, khiến kế hoạch của Anh muốn rời khỏi Liên hiệp Châu Âu rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Động thái của bà May trước cuộc biểu quyết được dự trù tại Quốc hội đưa đến một loạt các hệ quả có thể xảy ra, từ việc rời khỏi EU trong rối ren không thỏa thuận cho đến khả năng diễn ra cuộc trưng cầu dân ý khác về việc làm thành viên của EU. Vị trí của bà May có thể lung lay, với những lời kêu gọi của các đảng phái đối lập yêu cầu bà từ chức Thủ tướng.

Bà May nói bà vẫn có ý định đưa thỏa thuận của bà ra trước các thành viên Quốc hội. Tuy nhiên trước tiên bà sẽ yêu cầu EU đưa ra nhiều “đảm bảo” hơn rằng sẽ không có ‘đường biên giới cứng’ giữa đảo Ireland và phần còn lại của Anh, mà phe chỉ trích cho rằng cũng đồng nghĩa với việc Anh có thể tùy thuộc vô hạn vào những quy định của EU sau khi rời khỏi khối này.

Khi loan báo việc trì hoãn bỏ phiếu, bà May bị một số thành viên Quốc hội cười nhạo khi bà nói có được sự ủng hộ to lớn đối với thỏa thuận và rằng bà đã chăm chú lắng nghe những quan điểm khác nhau về vấn đề này-kết quả của 18 tháng thương thuyết gay go.

“Nếu chúng ta vẫn tiếp tục và tổ chức biểu quyết vào ngày mai, thỏa thuận có thể bị bác bỏ với số phiếu cách biệt đáng kể,” bà May nói và khẳng định với Quốc hội là bà tin đây là một thỏa thuận đúng đắn.

“Do đó chúng ta sẽ hoãn lại cuộc biểu quyết dự trù vào ngày mai và không tiến hành để khỏi làm Hạ viện chia rẽ vào lúc này,” bà May nói.

Điều khoản về ‘đường biên giới cứng’ ở Bắc Ireland là một chính sách bảo đảm tránh quay trở lại việc kiểm tra ở biên giới giữa tỉnh do Anh cai trị này với nước Cộng hòa Ireland, thành viên của EU. Tuy nhiên việc này cũng là trọng tâm của quá trình Brexit đầy khó xử: cho phép Anh thành lập những qui định riêng bên ngoài EU mà không làm gián đoạn thương mại.

Điều khoản này đòi hỏi Anh tuân thủ một số qui định của EU vĩnh viễn-có thể kéo dài rất lâu sau khi Anh rời khỏi khối này và không có tiếng nói trong việc thiết lập các qui định-trừ phi có một số cơ chế tương lai đảm bảo là không có những va chạm trên vùng biên giới. Viễn ảnh này bị cả hai phe bác bỏ, cả những người muốn Anh rời bỏ EU lẫn những người muốn Anh lưu lại EU.

Trong khi đó, Tòa án cấp cao EU ngày 10/12 ra phán quyết là chính phủ Anh có thể đảo ngược quyết định rời khỏi khối này mà không cần tham khảo ý kiến các nước thành viên khác, một quyết định được những người vận động ngưng Brexit hoan nghênh.

Trong một phán quyết khẩn cấp được đưa ra chỉ 36 giờ đồng hồ trước khi Quốc hội Anh bỏ phiếu về một thỏa thuận Brexit đã được Thủ tướng Anh Theresa May đồng ý với EU, Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) nói “Vương quốc Anh được tự do rút lại quyết định đơn phương ra khỏi EU.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG