Quần đảo Solomon đã ký hiệp ước an ninh với Trung Quốc vì thỏa thuận tương tự với Úc là không đủ, Thủ tướng nước này Manasseh Sogavare nói, và nói thêm rằng đất nước của ông biết cái giá của chiến tranh và sẽ không can dự vào công cuộc quân sự hóa ở Thái Bình Dương.
Phát biểu trước Quốc hội hôm 29/4, ông Sogavare đã có bình luận công khai đầu tiên kể từ khi nói chuyện với ông Kurt Campbell, điều phối viên Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Nhà Trắng, người đã đến thăm thủ đô Hoinara vài ngày sau khi hiệp ước an ninh với Trung Quốc được loan báo.
Nỗ lực của Trung Quốc nhằm mở rộng ảnh hưởng quân sự ở Thái Bình Dương đã khiến các đồng minh phương Tây phải cảnh giác, và hiệp ước an ninh với Solomon đã làm xáo trộn chiến dịch bầu cử của Úc.
Mặc chi tiết của hiệp ước với Trung Quốc không được tiết lộ, Sogavare đã loại trừ khả năng cho phép đặt căn cứ quân sự và cho biết nó bao gồm đảm bảo an ninh trong nước.
Các đảng đối lập đã chỉ trích sự kín kẽ của chính phủ về các điều khoản của hiệp ước với Bắc Kinh, và các đồng minh phương Tây lo rằng nó có thể dọn đường cho sự hiện diện quân sự của Trung Quốc.
Úc và New Zealand đã cảnh báo hiệp ước này có thể làm đảo lộn hợp tác an ninh lâu dài trong khu vực.
Ông Sogavare cho biết ông Campbell và một phái đoàn Nhật Bản đã cảnh báo ông là đừng cho Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân vì điều đó không có lợi cho khu vực. Sogavare, vốn trước đây từng nói rằng ông không có kế hoạch như vậy, cho biết ông đồng ý với Mỹ và Nhật.
“Chúng ta không cần phải được nhắc về cái giá của chiến tranh,” ông Sogavare phát biểu trước Quốc hội.
Ông nói Quần đảo Solomon sẽ không bao giờ chấp nhận quân sự hóa Thái Bình Dương sau những gì họ đã trải qua trong Đệ nhị Thế chiến, và chỉ trích Mỹ đã không đưa quốc đảo này vào chương trình viện trợ để tái thiết sau chiến tranh.
Ông Campbell đã đồng ý đẩy nhanh việc gỡ bỏ mìn chưa nổ trong Đệ nhị Thế chiến, Thủ tướng Sogavare cho biết.
Hưởng ứng bình luận của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Sogavare cũng chỉ trích việc Australia ký kết liên minh quốc phòng AUKUS với Mỹ và Anh vào năm ngoái mà không tham khảo các đảo quốc Thái Bình Dương.
“Hiệp ước AUKUS sẽ chứng kiến các tàu ngầm hạt nhân hoạt động ở vùng biển Thái Bình Dương. Tôi đã biết về hiệp ước AUKUS trên truyền thông. Ai cũng nghĩ rằng với tư cách là một thành viên của gia đình Thái Bình Dương, Quần đảo Solomon ... lẽ ra nên được tham khảo.”
Thủ tướng Úc Scott Morrison nói với các phóng viên hôm 29/4 rằng ông đã nói chuyện với ông Sogavare một ngày sau thông báo hiệp định AUKUS và ông Sogavare đã không hề phản đối.