Kỳ 1.
Phong Hóa Tuần báo với ba người nòng cốt là Nhất Linh, Khái Hưng và Hoàng Đạo vẫn được coi là đã làm một cuộc cách mạng về cả báo chí lẫn viết văn. Từ đó đến nay, không có một tạp chí nào tập hợp được cùng một số đoàn viên đồng tài và đồng lý tưởng như họ. Sự tham dự trực tiếp vào chính trị cũng đã đưa đến cái chết của Khái Hưng (bị người Cộng sản thủ tiêu), cái chết xa xứ của Hoàng Đạo (khi lưu vong ở Trung Hoa) và sau cùng, sư tự sát của Nhất Linh tại Miền Nam để trả lời cho một phiên tòa do chính phủ Ngô Đình Diệm lập.
Ảnh hưởng của Phong Hóa Tuần báo với những bài nghị luận hàng tuần ngay trang nhất của nhà văn Nhất Linh liên quan đến một đời sống xã hội lạc hậu, một chính trường trong tay người Pháp và hai nhân vật biếm họa Lý Toét và Xã Xệ v.v. đã giúp họ một khí giới lợi hại để xây dựng đồng thời cũng để đả phá. Trong bài thứ hai này (bài đầu về áo dài Lemur), người viết sẽ phân tích và nhận xét về thái độ của một số tác giả, qua các bài viết của họ, để trình bày một cách sơ lược về quan điểm đối với vấn đề phụ nữ trong thời gian họ điều hành hay cộng tác với tạp chí này.
I – Đánh giá chiếc áo Lemur trong bối cảnh cải cách y phục và những vấn đề phụ nữ trên Phong Hóa
Trong bài trước, người viết đã trình bày về việc tái tạo áo Lemur của Nguyễn Cát Tường tại Hoa Kỳ để bàn đến chủ trương cấp tiến của nhóm Tự Lực Văn đoàn (1). Đây là lần đầu tiên mà chiếc áo Lemur với những chi tiết đặc biệt được may lại theo sát bức vẽ kiểu đầu tiên của chính họa sĩ Lemur Nguyễn Cát Tường khi nó xuất hiện trên Phong Hóa Tuần báo do nhà văn Nhất Linh chủ trương vào năm 1934. Qua chiếc áo này, người viết có thể nhận định cụ thể về kỹ thuật may cũng như xác định thêm về ảnh hưởng của chiếc áo dài Lemur với áo dài hiện thời. Sở dĩ người viết thấy cần phải tái tạo lại chiếc áo Lemur vì, nói chung, những kiểu vẽ của ông không được biết đến một cách chính xác. Ngay chính thân thế của ông cũng có khi được nói đến một cách rất mù mờ.
Chiếc áo Lemur của ông đã được người viết giới thiệu với khán giả trong buổi trình diễn tại Saigon Performing Arts Center, Little Saigon, Westminster, vào ngày 6 tháng 8, 2011, cũng với mục đích là để đối chiếu với những chiếc áo dài tuy mệnh danh là “áo dài Lemur” do các nhà vẽ kiểu Việt Nam thực hiện nhưng chỉ theo cách may mặc phổ thông của phụ nữ thời đó tương tự như học giả Nguyễn Thị Chân Quỳnh đã tả rõ trong bài viết của bà. Người viết không phải là người đầu tiên đề cập đến một vấn đề vốn đã gây tranh luận (về áo dài Lemur). Người tham dự mới nhất vào cuộc tranh luận này là học giả Nguyễn Thị Chân Quỳnh. Trong một bài viết hết sức công phu về lịch sử y phục phụ nữ Việt vì có tham khảo và trích dẫn nhiều nguồn tài liệu trong đó có cả của các sử gia Việt và học giả Pháp cộng thêm kinh nghiệm của chính bà, Nguyễn Thị Chân Quỳnh mở đầu bài phản bác ý kiến cho rằng họa sĩ Cát Tường là “cha đẻ ra chiếc áo dài hiện nay” như sau:
“Năm 2006, sau khi đọc trong Thế Kỷ 21 (số 201 & 202) loạt bài khẳng định ông Cát Tường - Lemur (1911- 46) là ‘cha đẻ ra chiếc áo dài hiện nay’, ‘chính ông là người đầu tiên đã biến chiếc áo tứ thân thành áo hai vạt’ và ‘trước đó phụ nữ Việt Nam đều mặc áo tứ thân’... tôi sững sờ. Rõ ràng mẹ tôi (sinh năm 1900) và bà ngoại, bà nội tôi đều chưa bao giờ xỏ tay vào chiếc áo tứ thân, toàn mặc áo hai vạt, mà mãi đến 1934 ông Cát Tường mới đưa ra ‘bản tuyên ngôn’ về vấn đề cải cách y phục, nói rõ quan niệm căn bản của ông trong báo Phong Hóa. Ngoài ra, trong tay tôi ngay lúc ấy còn có mấy bằng chứng cho thấy áo dài hai vạt đã xuất hiện từ trước năm 1934.” (Nguyễn Thị Chân Quỳnh, Áo dài xưa và nay-Những Ngộ nhận, Hà nội, 12.2010).
Sau đó, bà khẳng định rằng:
“Tóm lại, ông Cát Tường … thực sự có công đóng góp cho áo dài hiện đại song ông chỉ là một mắt xich trong chuỗi dài những người không để lại tên tuổi nhưng cũng góp phần cải sửa, giúp cho cái áo dài mang hình dáng hiện nay.” (bđd)
Người viết hoàn toàn đồng ý với nhận xét của Nguyễn Thị Chân Quỳnh. Theo tài liệu của người viết thì (có lẽ) kiểu vẽ áo dài đầu tiên của Lemur phải xuất hiện lần đầu trên trang 3, Phong Hóa số 90, ngày 23. 3.1934 kèm với lời vận động của Cát Tường.
Dĩ nhiên, họa sĩ Cát Tường không bao giờ là “cha đẻ” của chiếc áo dài hiện nay! Nhưng ông có công cố súy cho một quan niệm thẩm mỹ mới và may mắn được nhà văn Nhất Linh giúp quảng bá vì hợp với chủ trương của Tự Lực Văn đoàn lúc bấy giờ. Nhưng kiểu áo của ông thất bại vì những kiểu cổ áo hay tay áo rập theo Tây phương ấy, ngoài sự làm khó cho các cô thợ may, lại càng không hợp với những buổi cúng giỗ hay lễ lạc trong gia đình mà y phục không cho phép sự diêm dúa, nhất là những chiếc quần phụ nữ mà Cát Tường đã rập khuôn theo kiểu quần xòe, quần ống loa (“flared bottom” hay “bell bottom”) cũng của Tây phương thời những đầu năm 1930 sang 1940.
Cho nên, người viết đã kết luận như sau về thái độ của Tự Lực Văn đoàn với vấn đề phụ nữ đương thời qua sự cổ võ của họ cho áo dài Lemur:
“Như thế, tóm lại, chiếc áo Lemur xuất hiện trên một tờ báo thế lực như Phong Hóa Tuần báo với một sứ mệnh tuy rõ ràng nhưng có xung đột ngay từ chính nó: cải cách y phục cho phụ nữ nhưng chưa chấp nhận một cuộc cải cách toàn diện về tinh thần cấp tiến của phụ nữ; một điều mà bà Phan Thị Bạch Vân, chủ nhiệm và chủ bút sáng lập của tờ Tinh thần Phụ Nữ và Bộ Nữ Lưu Thư Quán ở Gò Công, đi tiên phong trước đó.”
II- Thái độ của Tự Lực Văn Đoàn
đối với các Nữ Đồng nghiệp
trong vấn đề Nữ quyền
Sự “xung đột ngay từ chính nó: cải cách y phục cho phụ nữ nhưng chưa chấp nhận một cuộc cải cách toàn diện về tinh thần cấp tiến của phụ nữ” ấy đã được thể hiện qua một số bài viết về các nữ đồng nghiệp Miền Nam của Nhất Linh, Thạch Lam, Lê Ta và nhất là của Tú Mỡ cũng ngay trên Phong Hóa. Những diễu cợt từ nhẹ nhàng của Nhất Linh cho tới thậm tệ của Thế Lữ hay Tú Mỡ không khỏi cho người đọc cái cảm tưởng rằng họ không muốn tiếp tay với các nữ đồng nghiệp để giúp sự đòi hỏi được bình quyền của phụ nữ lúc bấy giờ vì vẫn còn duy trì một thứ thành kiến coi nhẹ phụ nữ rất tai hại. Thí dụ điển hình là những bài viết tường thuật hay nhận xét về cuộc ra Bắc diễn thuyết của hai cô Nguyễn Thị Kiêm và Phan Thị Nga (trợ bút của Phụ nữ Tân Văn, Sàigòn). Nhân một trong những chủ đề diễn thuyết của Nguyễn Thị Kiêm là về đa thê, Phong Hóa đã cho đăng những bài chế diễu, bịa đặt tin tức để chế diễu, thậm chí còn liên kết nó với việc “đa ngôn” (vẫn gán cho phụ nữ) để dè bỉu:
“Cô Nguyễn Thị Kiêm hết diễn thuyết ở Hanoi, ở Namdinh lại xuống Haiphong diễn thuyết lần thứ ba. Lần này cô nói về chế độ đa thê […]Nhưng còn cái tệ đa ngôn? Ngẫm nghĩ mãi tôi mới hiểu vì cớ gì bọn đàn ông biểu đồng tình với cô mà muốn bỏ chế độ đa thê: đàn ông ai mà chẳng có lần lầm lỡ. Về nhà một bà diễn thuyết cho nghe cũng đủ khổ, huống chi lại ba bốn bà, ba bốn lần diễn thuyết[…] Cô Kiêm muốn ngỏ ý lên Pac-hin-Buon để diễn thuyết cho dân mán sơn đầu nghe và khuyên họ nên để tóc. Được tin này, dân mán sơn đầu hỏang hốt, sợ hãi vô cùng, sợ hãi đến nỗi có một đêm mà đầu người nào cũng mọc đầy tóc cả để cô Kiêm đừng lên nữa.” (Nhất Linh, “Tin tức…mình”, Phong Hóa Tuần báo số 124, 16. 11. 1934, trang 2)
-Theo lời bà Nguyễn Đức Nhuận tuyên bố thì quốc dân đương lo sợ vì nỗi cô Kiêm lại đi đường xa, đi ra “tận” Hà nội (theo đúng lời bà N.Đ.Nhuận). Quốc dân lo sợ thật, nhưng không lo sợ vì cô Kiêm là gái đi đường xa, mà chính vì cô Kiêm là gái…đa ngôn.” (Shin, “T.S…G-Tin Saigon”, Phong Hóa Tuần báo số 124, trang 8, ngày 16. 11. 1934)
“Mới biết là gian phòng đấu xảo của phụ nữ. Đàn bà con gái, ở xã hội Việt Nam, họp, thôi đủ mặt: gầy có, béo có, già có, trẻ có, nhàng nhàng có, nhỡ nhỡ có. Họ chia ra làm hai phái, không khác gì Nghị viện Dân biểu Bắc Kỳ cả: phái tả và phái hữu. Phái hữu là phái cổ. Nón quai thao, dép cong…phần đông đương ngồi kể truyện nói xấu nhau…đợi người đến mua về làm vợ. Bên phái tả có các cô tân thời, ăn vận xa hoa lòe lọet, trông xa như đàn bướm lượn. Lại gần có tiếng ồn ào: hóa ra họ diễn thuyết. Mấy cô …đương hô hào bình quyền, giải phóng, phá đạo tam tùng, giải nghĩa tự do. Diễn thuyết đoạn, các cô tân thời vỗ tay như pháo nổ, rồi…im lặng […] Còn về phần đông lại ngồi kể truyện nói xấu nhau… đợi người đến mua về làm vợ. Thật là tiến bộ trông thấy.” (Tứ Ly, “Cuộc Hội chợ Phong Hóa tổ chức”, Phong Hóa Tuần báo số 126, trang 5, ngày 30.11.1934)
Chủ ý miệt thị “đàn bà con gái, ở xã hội Việt Nam” của Tứ Ly (Hoàng Đạo) qua câu “đợi người đến mua về làm vợ” là một sự xúc phạm nặng nề hơn nữa vì tác giả đã công khai phát biểu dường như trong sự an tâm rằng không phụ nữ nào có thể phản ứng được. Tứ Ly đã có những dòng viết trên chỉ mấy tháng sau Tú Mỡ -- người vẫn dùng một chữ rất nôm na là “mẹ đĩ” để gọi các bà vợ-- đã làm nguyên một bài thơ dài châm biếm các cô gái (tân thời) muốn đòi nữ quyền như sau:
“Hồn xưa giòng giõi thế gia/Bốn ngàn năm giữ nếp nhà nho phong/… Mấy ai có chí tang bồng/Mấy ai khăn yếm vẫy vùng giang san/Từ khi nổi cuộc danh hòan/Sóng Âu gió Mỹ song tràn bể Nam/Giật mình tỉnh giấc bàng hòang/Hồn toan những sự giọc ngang với đời/ Tiếng oanh the thé vang trời/Nay đòi giải phóng, mai đòi tự do/Thị thành rậy tiếng reo hò/Bên trai bên gái cầu cho bình quyền/Mắm môi bẻ gẫy tỏa quyền/Giang tay giật lấy nữ quyền xem sao/Báo chương vận động hô hào/Một phen sôi nổi ồn ào bốn phương/Làm cho rõ mặt phi thường/Chị em lồng lộn trên đường văn minh/Hồn rằng tỏ chí tung hoành/Nên hồn cuốc bộ Hà thành-Đồ sơn/Đường xa, gối mỏi, chân chồn /Sau dù dử thính thời hồn cũng thôi/Hồn rằng hồn thích “sịch po”/Đến trường thể dục hồn hò xây sân/Xây sân tưởng để đánh quần/ Nào ngờ chỉ để phơi quần, than ôi!/Thấy hồn hăm hở bồi hồi/Ai ngờ hăng hái như mồi lửa rơm/Hay hồn thiếu bạn đồng tâm/Trơ vơ hồn chịu âm thầm, lặng im/Thương đi gọi, nhớ đi tìm/Biết đâu hồn ẩn mà đem hồn về/…/Hay hồn ở xóm “đăng xinh”/Hồn còn động cỡn, rập rình cùng ai… ” (Tú Mỡ, “Chiêu hồn Phụ nữ tân thời”, Phong Hóa Tuần báo số 113, trang 3, ngày 31.8.1934)
Tệ không kém gì Tú Mỡ là Lê Ta (Thế Lữ). Ông bịa đặt việc cô Nguyễn Thị Kiêm (còn có bút hiệu khi làm thơ là Nguyễn Thị Manh Manh) gửi thư cho ông để tiện “trả lời” một cách xấc xược:
“…Nhưng cô thì cô có bệnh nặng lắm. Đàn bà lắm lời. Cô, cô lắm lời gấp ba. Đó là một bệnh. Cô còn bệnh nữa là bệnh sốt rét. Tôi cứ nghe lời nói của cô cũng biết thế. Cô nói rằng ở đâu cũng hoan nghênh bài diễn thuyết của cô, và cô có tài diễn thuyết. Người sốt rét nặng không nói mê, nói sảng là gì? CĂN BỆNH: Nếu còn ở trung châu thì đó là bệnh…mán chài. Chắc dân mán Lô-lô tìm cách chài vắng mặt cô để cô đình việc bàn về chế độ đa thê với họ. CÁCH CHỮA: Sốt rét rừng hay bệnh chài ở người khác thì khó chữa vô cùng. Nhưng ở cô thì dễ chữa vô cùng: cô kiêng khem sự diễn thuyết và chịu khó ngậm hạt thị độ một vài tháng.” (Dr. de Lêta, “Hỏi Bệnh”, Phong Hóa Tuần báo số 129, trang 7, ngày 21, tháng chạp, 1934)
Đọc những dòng trên, người ta sẽ rất khó mà tưởng tượng rằng chỉ chưa tới bốn năm trước đó, Nguyễn Thị Giang và Nguyễn Thị Bắc cùng một số phụ nữ khác đã tham gia Việt Nam Quốc Dân Đảng và hy sinh theo đảng để mưu cầu giải phóng cho đất nước. Nói cách khác, Phong Hóa Tuần báo chỉ có một “xã hội” của những cô tân thời hay những cô gái quê sống một đời để “đợi người ta đến mua” mà không có những phụ nữ liều chết đi làm cách mạng hay cấp tiến mong cải tổ xã hội. Tại sao vậy? Câu hỏi ấy càng khó trả lời khi Tự lực Văn đoàn vốn nổi tiếng về những tiểu thuyết coi như mở đầu việc giải phóng phụ nữ khỏi những ràng buộc khắt khe của những tục lệ cổ hủ (như đa thê) hay tranh đấu cho một xã hội công bằng và tốt đẹp hơn. Trong tạp chí này, cũng chính Tứ Ly lên tiếng bênh vực một người con gái bị người bố đăng báo từ bỏ bằng cách nhắc nhở người bố ấy về phẩm giá (bình đẳng) của con người. (Từ Ly, “Ông Lê Đại Nho”, Phong Hóa Tuần báo số 130, trang 4) - Xem tiếp kỳ 2