Đường dẫn truy cập

Thăm nghĩa trang Biên Hòa, bị công an hạch hỏi


Thăm nghĩa trang Biên Hoà, bị công an hạch hỏi
please wait

No media source currently available

0:00 0:02:03 0:00

Công an Việt Nam câu lưu một số nhà vận động nhân quyền trong 2 giờ khi họ đến thắp hương viếng mộ các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) tại nghĩa trang Biên Hòa hôm 17/1 vừa qua.

Nhà hoạt động nhân quyền Trương Minh Đức, một trong những người bị câu lưu cho VOA biết ban quản lý nghĩa trang Biên Hòa (còn gọi là nghĩa trang Bình An) đã yêu cầu mọi người xuất trình giấy tờ tùy thân, ghi lại thông tin cá nhân trước khi đồng ý cho vào nghĩa trang viếng mộ. Ông Đức nói khách thắp hương tưởng niệm các chiến sĩ VNCH trong sự rình rập, giám sát của cả an ninh thường phục lẫn sắc phục. Sau khi viếng xong thì khách bị bao vây, ông Đức cho biết:

“Rất là nhiều công an mật vụ, thường phục có, sắc phục có, trên 20 người, bao vây chúng tôi. Họ bế cổng lại, không cho chúng tôi ra. Họ bảo vào làm việc với họ. Họ giữ chúng tôi lại trong 2 tiếng đồng hồ. Rất nhiều lực lượng cơ động, thậm chí xe môtô của cảnh sát giao thông cũng vào nghĩa trang thì chúng tôi cũng không biết họ làm cái trò gì nữa.”

Ông Đức nói phía công an yêu cầu những người đi thắp hương phải “làm việc” với họ, trả lời rõ vì sao đến nghĩa trang. Mọi người phản đối cách hành xử vi phạm pháp luật, coi thường anh linh những người đã khuất và từ chối làm việc với công an.

Ông Trương Minh Đức yêu cầu gặp người chỉ huy của nhóm công an, yêu cầu mở cửa cho đoàn thăm viếng mộ ra về. Một người mặc thường phục, tự xưng là trưởng ban QLNT nói rằng “chúng tôi muốn biết các anh chị chụp hình với băng rôn khẩu hiệu gì?” Ông Đức nói với họ rằng “mọi người dân đều có quyền đi thăm viếng mộ những người đã nằm xuống”. Ông Đức trả lời với công an rằng nội dung của các băng rôn, khẩu hiệu là “khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, tri ân 74 vị anh hùng VNCH đã vị quốc vong thân để bảo vệ Hoàng Sa cách nay 43 năm”.

Anh Đức cho biết sau khi bị giam lỏng gần 2 tiếng đồng hồ, công an mới mở cổng để mọi người rời khỏi nghĩa trang Biên Hòa.

Luật sư Lê Công Định, người có mặt trong nhóm viếng nghĩa trang chia sẻ trên Facebook: "Con đường dẫn đến Nghĩa trang Bình An được cố tình đặt tên là '30 tháng 4'. Chắc ai cũng có thể hiểu rõ tâm ý và ngụ ý phía sau cách đặt tên như vậy. Đây có lẽ là nghĩa trang duy nhất mà ai đến viếng mộ phần bên trong đều phải khai rõ họ tên, số căn cước, địa chỉ cư trú trong một quyển sổ gọi là "Bảng ghi nhận thông tin vào khu vực Nghĩa trang nhân dân Bình An".

Theo Luật sư Định, khách đến viếng đều bị một lực lượng an ninh chìm đông đảo theo sát. Anh Định viết: “Chúng tôi đến viếng nghĩa trang binh sĩ VNCH vừa để tưởng niệm ngày Hoàng Sa bị Trung Cộng xâm chiếm, vừa hương khói ngày Tết cho người nằm xuống vì quốc gia. Cá nhân tôi muốn tự mình đánh giá xem nhà cầm quyền thực tâm hoà giải dân tộc thế nào và có đúng như họ tuyên truyền hay không?”

“Thái độ thù hằn dành cho chúng tôi và hành động giữ người trái luật của họ sáng nay đã gửi ra một thông điệp rõ ràng là không hoà giải gì cả. Điều này thật đáng tiếc và tôi vô cùng thất vọng trước chính sách hai mặt này của các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam”, luật sư Định viết.

Anh Trương Minh Đức cũng cho biết thêm việc thắp hương các chiến sĩ hải quân Việt Nam Cộng hòa tại đài tưởng niệm Trần Hưng Đạo ở sài gòn ngày 19/01 cũng gặp trở ngại khi nhiều nhà vận động nhân quyền bị chặn không cho ra khỏi nhà:

“Những người tham gia vận động cho tự do ngôn luận, tự do báo chí bị công an bao vây, canh nhà, như nhà hoạt động Đỗ Thị Minh Hạnh, anh Huỳnh Công Thuận và một số người khác cũng bị bao vây. Họ không cho ra khỏi nhà. Tôi nghĩ họ muốn gây khó khăn cho việc tưởng niệm ngày Hoàng Sa bị mất. Tôi nghĩ điều này rất phi lý.”

Ông Đức nói rằng đây không phải lần đầu tiên người dân đi thăm nghĩa trang Biên Hoà, nơi an nghỉ của các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà, hoặc thắp hương tại đài tưởng niệm Trần Hưng Đạo bị nhà cầm quyền Việt Nam ngăn cản và gây khó khăn. Theo các nhà tranh đấu cho nhân quyền, với thái độ thù hằn như vậy của chính quyền thì con đường dẫn đến hoà hợp, hoà giải dân tộc hãy còn xa.

VOA Express

XS
SM
MD
LG