Thính giả Thế Phong hỏi:
“Thưa Bác sĩ,
Cháu muốn được tư vấn bệnh đau dây thần kinh, mà nghi là thần kinh chẩm.
Cách đây 3 năm, cháu có dấu hiệu bệnh trầm cảm, nhưng chưa biểu hiện rõ. Một năm sau đó bệnh trở nặng gần như không nói chuyện được, cũng như không tập trung, không nhớ, cô lập, mất cảm xúc, ăn không ngon, mất ngủ.... Do còn bận học nên cháu không điều trị. Sống như thế trong suốt gần một năm nữa cháu mới trị. Cháu trị gần 6 tháng, bệnh trầm cảm gần như không còn. Thay vào đó, đầu bên trái cháu xuất hiện một đoạn dây thần kinh sưng phù lên, sau mép tai trái tới đỉnh đầu, từ cổ tới đầu đau rát, cảm giác dây thần kinh lợn cợn, rất khó chịu, có khi đau tới thái dương, phía trên mắt trái. Từ ngày có đoạn sưng đó cuộc sống rối loạn, khó nói chuyện được, tư duy không đúng, nói năng không logic, ăn không ngon, ngủ không được, tầm 3 giờ sáng mới ngủ. 5 tháng đau như vậy rồi.
Cháu cần được giúp ạ.
Cảm ơn Bác sĩ”
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
Các đốt sống nối với nhau và tạo thành cột xương sống. Giữa các đốt sống cổ, có những dây thần kinh đi ra (31 cặp), đem tin tức (cảm giác) từ các vùng ngoại biên vào não bộ,và đem mệnh lệnh vận động đến các cơ, đó là những dây thần kinh tủy sống (spinal nerves). Ở trên đốt sống thứ 2, phần sau cổ, có dây thần kinh C2, nằm trên xương sống số 2. Một phần quan trọng của dây thần kinh cổ số 2 là dây thần kinh chẩm lớn (greater occipital nerve) ;và dây thần kinh chẩm nhỏ (phụ trách cảm giác vùng phía ngoài cổ và phía sau trái tai)
(Occiput : Latin, ob- ="against’; "capit-" or caput = "head."Chẩm= Cái gối-Kê đầu vào. Chẩm cốt=cái xương sau đầu (occipital) (Đào Duy Anh) .
Dây thần kinh chẩm lớn phụ trách cảm giác phía sau da đầu, đỉnh đầu, vùng da đầu phía trên vành tai và mang tai /vùng tuyến nước bọt mang tai (parotid), sau trái tai. Dây thần kinh này đi vòng quanh một cơ sau cổ gọi là cơ đầu chéo dưới (obliquus capitis inferior muscle), đoạn này có thể là nơi dây thần kinh này bị chèn ép , bị kẹp lại và gây cảm giác đau đớn ở những vùng kể trên, gọi là viên thần kinh hay đau dây thần kinh chẩm (occipital neuralgia).
Các nguyên nhân khác:
- Viêm khớp giữa các đốt sống
- Chấn thương cột sống phần cổ
- U bướu vùng cổ, nơi dây thần kinh đi qua
- Bịnh gout, viêm các động mạch, viêm, nhiễm trùng vùng dây thần kinh đi qua
- Người bịnh hay ở tư thế cúi đầu về phía trước thường xuyên, lâu dài (ví dụ ngồi nhìn màn hình)
- Có lúc không tìm thấy lý do.
Đặc tính cơn đau:
- Đau có thể ê ẩm (aching), rát (burning), buốt, đau phập phồng (throbbing pain), đau như kim đâm (shooting pain), như điện giật (shocking pain) từng hồi.
- Thường đau một bên, nhưng có thể đau cả hai bên
- Có thể đau lúc vận động vùng cổ
- Đi từ sau ót, cổ đi về phía trên
- Lên da đầu, có thể đến tận trán, đau sau mắt
- Da đầu đau, nhạy cảm lúc đụng vào, mắt dễ khó chịu, nhạy cảm với ánh sáng.
- Bác sĩ thử dùng thuốc tê chặn dẫn truyền dây thần kinh chẩm và chấm dứt cơn đau (tạm thời), chứng minh cơn đau phát xuất từ TK chẩm.
Bác sĩ định bịnh trên lâm sàng; có thể cần đến MRI hay CT để phát hiện hay loại bỏ những viêm khớp xương sống, các u bướu, các chấn thương như túi máu đè lên dây thần kinh.
Có thể khó phân biệt với loại nhức đầu migraine.
Chữa trị đau dây thần kinh chẩm:
1) Thuốc giảm đau, giảm viêm, giãn cơ (muscle relaxant).
Thuốc như gabapentin, carbamazepin chính thức là thuốc chống co giật (anticonvulsivant), nhưng được dùng để chữa những bịnh đau dây thần kinh.
Thuốc chống trầm cảm.
2) Vật lý trị liệu, dùng nhiệt, massage, nghỉ ngơi. Tránh các tư thế (vd cúi đầu về phía trước có thể gây đau)
3) Block dẫn truyền dây thần kinh bằng thuốc tê, có thể cả chất corticoid. (percutaneous greater occipital nerve blockade)
4) Châm cứu
5) Giải phẫu trong các trường hợp nặng, không thuyên giảm:
a) Giảm áp vi mạch (microvascular decompression): giảm áp lực do mạch máu có thể đè lên dây thần kinh, xê dịch mạch máu qua chỗ khác.
b) Kích thích dây thần kinh chẩm bằng những điện cực được nhét vào gốc dây thần kinh chẩm, máy kích thích thần kinh (neuro-stimulator) phát tín hiệu ngăn cản không cho tín hiệu đau đớn đi từ ngoài vào não bộ.
c) Cắt các rễ thần kinh liên hệ (dorsal rhizotomy, neurolysis)
Có thể khó phân biệt với loại nhức đầu migraine.
Thường cơn đau migraine một bên đầu, nhưng có thể cả hai bên, đau bưng bưng (throbbing pain), nhưng có thể âm ỉ, có thể kèm theo buồn nôn, không ăn ngon, mắt mờ, sợ ánh sáng hoặc tiếng động.
Migraine là một chứng đau đầu gặp ở đàn bà nhiều hơn nam giới (x4), với chừng 50% trường hợp có những triệu chứng chóng mặt, giảm thính lực (hearing loss), nghe kêu trong lỗ tai (tinnitus). Đấy là những biểu hiệu của bịnh ở phần tai trong (inner ear), gồm những bộ phận phụ trách về thăng bằng và nghe. 10% bịnh nhân migraine có thể mất thính lực vĩnh viễn ("điếc", permanent hearing loss) và mắc chứng ù tai (tinnitus). Một số người bị điếc một cách đột ngột.
Migraine nhẹ chữa bằng những thuốc thông thường như acetaminophen, NSAIDS như Motrin, Aleve. Bn nằm nghỉ ngơi ở trong phòng yên tĩnh, tối.
Nặng hơn, bs có thể dùng những thuốc làm co mạch máu như ergotamine (Cafergot, trong đó có thêm caffeine) hoặc thuốc tryptan (như Sumatriptan, Imitrex) mới hơn, làm giảm viêm và co lại các động mạch dưới sọ (cranial arteries). Nếu bị đau migraine trên 3 lần mỗi tháng, bs có thể cho thuốc uống hàng ngày để chặn các cơn đau đầu (ví dụ aspirin, propranolol (thuốc hạ áp huyết), cyproheptadine – là một thuốc chống dị ứng, thường dùng cho trẻ em ăn ngon miệng hơn).
Reference:
1)https://www.aans.org/en/Patients/Neurosurgical-Conditions-and-Treatments/Occipital-Neuralgia
2)https://www.sciencedirect.com/topics/neuroscience/greater-occipital-nerve
Chúc bịnh nhân may mắn,
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Ngày 29 tháng 7 năm 2019
Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.