Đường dẫn truy cập

Thể chế, viên chức và cơ hội để lương thiện


Ngay cả trong việc tăng lương, bảo đảm cho cán bộ, công chức đủ sống, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam cũng chật vật xoay chuyển trong vòng luẩn quẩn. Hình minh họa.
Ngay cả trong việc tăng lương, bảo đảm cho cán bộ, công chức đủ sống, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam cũng chật vật xoay chuyển trong vòng luẩn quẩn. Hình minh họa.

"...Chúng ta tạo ra tầng lớp công chức khi đi làm không bao giờ cho rằng lương là thu nhập mà thu nhập là từ những khoản khác. Chúng ta hay nói về “tham nhũng vặt” nhưng tôi không đồng ý với khái niệm này vì không có loại tham nhũng nào là “vặt” cả..."

Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam lại thảo luận về việc thực hiện kế hoạch điều chỉnh lương của cán bộ, công chức. Trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi đầu tuần này, khi thảo luận về kinh tế - xã hội năm nay và kế hoạch phát triển của năm tới, một trong các Phó Chủ tịch Quốc hội đã nhắc lại điều mà nhiều người, nhiều giới đã từng lập đi, lập lại trong nhiều năm: Cải cách chính sách tiền lương phải gắn với nâng cao chất lượng, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức (1).

Theo dự kiến, việc thực thi chính sách mới về trả lương cho cán bộ, công chức (trả lương theo chức vụ và mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức) sẽ bắt đầu từ 1/7/2024. Ông Nguyễn Khắc Định - Phó Chủ tịch Quốc hội – yêu cầu chính phủ “rà soát, sắp sếp đội ngũ cán bộ công chức, xử lý những người thiếu tinh thần trách nhiệm, làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh; đưa người vi phạm, năng lực yếu ra khỏi bộ máy.... Đây là lần cải cách tiền lương thứ năm. Bốn lần trước diễn ra vào 1960, 1985, 1993 và 2003 nhưng từ xưa đến nay, lương trả cho cán bộ, công chức chưa bao giờ đúng nghĩa là lương. Lương trả cho cán bộ, công chức luôn như... hương, như... hoa!

Hôm qua, tại cuộc tọa đàm liên quan đến “xây dựng văn hóa liêm chính trong giai đoạn mới” do trường Luật của Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với tờ Pháp Luật TP.HCM tổ chức, ông Trần Văn Độ - cựu Phó Chánh án Tòa án Tối cao, cựu Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương – bảo rằng: Muốn liêm chính không đơn giản! Thẩm phán lương tám triệu, mà nghề giúp việc lương hơn tám triệu thì liêm chính không nổi. Người làm nghề công chức phải đủ sống với nghề, đủ sống với lương. Ở Việt Nam, ngoài lương còn thu nhập, mà thu nhập là chính và mỗi người có một kiểu thu nhập, nên từ đó dẫn tới tham nhũng. Góp thêm vào thực trạng mà các thành viên tham dự tọa đàm cùng thừa nhận là “hoạt động công vụ nhũng nhiễu dân nhiều quá”, ông Độ lưu ý: Trong xã hội hiện nay không phải ai cũng chính trực được đâu, bởi không liêm khiết được (2)!

Trước đó, trong một tọa đàm khác, ông Ngô Thế Vinh – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Dược phẩm Vinh Gia – cũng nhận xét tương tự về lương cán bộ, công chức, đại ý: Chúng ta tạo ra tầng lớp công chức khi đi làm không bao giờ cho rằng lương là thu nhập mà thu nhập là từ những khoản khác. Chúng ta hay nói về “tham nhũng vặt” nhưng tôi không đồng ý với khái niệm này vì không có loại tham nhũng nào là “vặt” cả. “Vặt” chỉ là với một người còn nếu mỗi ngày lấy 200.000 của một người nhưng thu mức đó với 100 người thì sẽ là bao nhiêu? Đó không phải là “vặt” nhưng lại được xem là rất bình thường vì nó là thu nhập chính của công chức, cho nên mới có những viên chức cao cấp biện minh “không nhận thức được đấy là tham nhũng” bởi họ đã nhận như thế suốt mấy chục năm không những không việc gì mà còn lên cao dần...

Ông Vinh nhấn mạnh: Ở đất nước này ai cũng biết điều ấy kể cả những vị quan tòa đang ngồi xét xử. Song nói đi thì phải nói lại, tại sao người ta làm như vậy. Chuyện trở thành rất bình thường vì xã hội chúng ta, cơ chế này, chính thể này tạo ra điều đó. Muốn sửa không đơn thuần là tống giam vì làm như thế có lẽ sẽ có đến 90% công chức vướng lưới. Cho nên không phải là nhắm vào từng con người mà phải thay đổi. Bất kỳ ai đi làm trước hết cũng vì cuộc sống của chính mình. Trong hòa bình, những người đứng đầu đất nước phải làm thế nào để con người có thể phát huy năng lực, có thu nhập cao, có cuộc sống tốt nhưng không phạm tội. Muốn thay đổi thì phải tăng lương, giảm biên chế. Một công chức đi làm phải nuôi được vợ con thì mới không nghĩ đến việc khác. Ngược lại thì như đã thấy. Đây là lỗi hệ thống, chúng ta phải thay đổi (3)...

***

Ngay cả trong việc tăng lương, bảo đảm cho cán bộ, công chức đủ sống, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam cũng chật vật xoay chuyển trong vòng luẩn quẩn. Muốn tăng lương để nâng cao hiệu quả hoạt động thì phải tinh giản nhưng càng tinh giản thì bộ máy càng phình ra. Bộ máy quá cồng kềnh thì lương chỉ có thể như đã biết và đang thấy, chưa kể điều đó khiến các hệ thống chỉ có thể thu nạp những cá nhân xem việc gia nhập là cơ hội kiếm tiền bằng nhũng nhiễu.

Chẳng quốc gia nào có thể phát triển nếu phần lớn nội lực được trút vào việc nuôi bộ máy quản trị, điều hành. Lấy gì bảo đảm điều chỉnh lương của cán bộ, công chức sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động khi tuyển dụng, bổ nhiệm vẫn theo phương thức “hồng hơn chuyên” và chính phương thức này đã tạo ra bộ máy vừa cồng kềnh, vừa kém năng lực? Khi tinh giản được xem là điều kiện cần và đủ để thực thi tiêu chí cán bộ, công chức phải sống được bằng lương nhưng vẫn duy trì hai hệ thống – một do đảng thiết lập để chỉ đạo, giám sát và một vận hành hệ thống công quyền thì tiền đâu để tăng lương, tiền đâu để thực hiện các kế hoạch phát triển? Bởi cả hai hệ thống giống hệt nhau, trong khi cần tinh giản số cán bộ, công chức hưởng lương, nhận phụ cấp, giữa thập niên 2010, giới lãnh đạo đảng CSVN bắt đầu xiển dương “nhất thể hóa”...

Nhất thể hóa” là gom bộ phận lãnh đạo đảng và lãnh đạo bộ máy công quyền ở các cấp, các ngành, các địa phương thành một nhằm giảm sự cồng kềnh, chồng chéo khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Song chưa biết vì sao “nhất thể hóa” lại chết non sau khi thử nghiệm ở cấp xã, cấp huyện tại Quảng Ninh và cấp xóm, thôn, tổ dân phố ở Hà Nội. Có thể vì giảm số lượng nhân sự theo kiểu “nhất thể hóa” đụng chạm đến quyền lợi của nhiều băng nhóm. Cũng có thể vì “nhất thể hóa” làm diện mạo của “dân chủ XHCN” biến dạng, bởi làm như thế, đảng sẽ hiện nguyên hình là “độc tài” và không còn cơ hội biện minh trước chỉ trích “đảng trị”. Thôi thì chúc cán bộ, công chức may mắn khi phục vụ “sự nghiệp cách mạng” - sự nghiệp mà liêm chính hay không phụ thuộc hoàn toàn vào may rủi, vào việc có bị đưa vào diện cần trừng trị để… “làm gương” hay không.

Chú thích

(1) https://vnexpress.net/pho-chu-tich-quoc-hoi-tang-luong-phai-di-kem-voi-trach-nhiem-can-bo-4665244.html

(2) https://dantri.com.vn/xa-hoi/trung-tuong-tran-van-do-hien-nay-khong-phai-ai-cung-chinh-truc-duoc-dau-20231019133813546.htm

(3) https://www.facebook.com/watch/?extid=CL-UNK-UNK-UNK-AN_GK0T-GK1C&mibextid=Nif5oz&v=303516455610206

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG