Thiên nhiên hiện đang trong tình trạng nguy khốn nhất trong lịch sử với trên 1 triệu loài động-thực vật đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, các nhà khoa học vừa trình bày trong phúc trình toàn diện của Liên Hiệp Quốc về đa dạng sinh học hôm 6/5.
Tất cả đều do hành động của con người, theo phúc trình, nhưng hiện giờ vẫn chưa quá trễ để giải quyết vấn đề.
Sự mất mát các giống loài đang tăng tốc ở mức nhanh hơn trước đây từ hàng chục cho đến hàng trăm lần, phúc trình cho biết.
Hơn nửa triệu loài cư trú trên mặt đất ‘không có đủ môi trường sống để sinh tồn lâu dài’ và nhiều khả năng sẽ bị tuyệt chủng, nhiều loài chỉ trong vòng vài thập niên, trừ phi môi trường sống của chúng được khôi phục. Môi trường đại dương cũng không hề khá hơn.
“Nhân loại đang vô tình bóp nghẹt sự sống trên hành tinh và tương lai của chính loài người,” nhà sinh vật học Thomas Lovejoy thuộc Đại học George Mason, người được mệnh danh là ‘cha đỡ đầu của đa dạng sinh học nhờ vào những công trình nghiên cứu của ông, nói.
“Đa dạng sinh học trên hành tinh này thật sự đang bị đập nát và đây thực sự là cơ hội cuối cùng của chúng ta để giải quyết vấn đề,” Lovejoy nói.
Các nhà khoa học bảo tồn từ khắp thế giới đã tề tựu ở Paris để công bố bản phúc trình dài hơn 1.000 trang. Họ thuộc Diễn đàn Chính sách Khoa học Liên chính phủ về Đa dạng sinh học và Dịch vụ Hệ sinh thái (IPBES) bao gồm trên 450 nhà nghiên cứu. Kết luận của phúc trình cần phải được đại diện của tất cả 109 quốc gia phê chuẩn.
Một số quốc gia bị thiệt hại nhiều hơn bởi sự mất mát này, chẳng hạn nhưng những đảo quốc nhỏ, và họ muốn bản phúc trình phải đòi hỏi nhiều hơn. Những nước khác, trong đó có Mỹ, cẩn trọng trong ngôn ngữ thể hiện mặc dù cũng đồng ý rằng ‘chúng ta đang gặp chuyện’, bà Rebecca Shaw, nhà khoa học chính của Quỹ Thiên nhiên Hoang dã Thế giới, người quan sát các cuộc thương lượng cuối cùng, nói.
“Đây là lời kêu gọi mạnh mẽ nhất chúng tôi từng thấy để đảo ngược lại quá trình suy giảm của tự nhiên,” bà Shaw nói. Kết quả của phúc trình không chỉ là về bảo tồn động vật và thực vật, mà là về duy trì một thế giới vốn đã trở nên khó khăn hơn cho cuộc sống của con người, ông Robert Watson, một nhà khoa học hàng đầu từng làm cho NASA và đứng đầu bản phúc trình, cho biết.
“Chúng ta thật sự đang đe dọa an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, sức khỏe và các yếu tố xã hội của nhân loại,” Watson nói với AP. Ông nói người nghèo ở các nước kém phát triển là người hứng chịu hậu quả nhiều nhất.
Kết luận dài 39 trang của phúc trình nhấn mạnh năm phương cách mà con người đang làm suy giảm đa dạng sinh học:
Thứ nhất là biến các khu rừng, đồng cỏ và các khu vực khác thành nông trại, thành phố. Hành động này đã làm mất môi trường sống của cây cỏ và muông thú. Khoảng 3/4 diện tích đất, 2/3 các đại dương và 85% đất ngập nước đã mất hay biến đổi nghiêm trọng khiến cho các loài khó có khả năng sinh tồn hơn, phúc trình cho biết.
Thứ hai là đánh bắt quá mức ở các đại dương. Một phần ba nguồn thủy sản trên thế giới đã bị khai thác cạn kiệt.
Thứ ba là gây ra biến đổi khí hậu từ việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch khiến môi trường trở nên quá nóng, quá ẩm, quá khô cho một số giống loài. Gần một nửa các loài động vật hữu nhũ trên cạn – không bao gồm loài dơi – và gần 1/4 các loài chim có môi trường sống bị tác tình trạng ấm lên toàn cầu tác động nặng nề.
Thứ tư là gây ô nhiễm đất và nguồn nước. Mỗi năm có từ 300 cho đến 400 tấn kim loại, chất hòa tan và bùn độc bị thải ra sông suối hay ao hồ, đại dương.
Thứ năm là tạo điều kiện cho các giống loài xâm thực xâm lấn vào môi trường sống của các loài bản địa. Số lượng các loài xâm thực từ bên ngoài ở mỗi quốc gia đã tăng lên 70% kể từ năm 1970 với một loài vi khuẩn đe dọa gần 400 loài lưỡng cư.
Đấu tranh với biến đổi khí hậu và cứu các giống loài đều quan trọng như nhau, phúc trình cho biết, và giải pháp cho hai vấn đề này cần phải được thực hiện song song. Cả hai vấn đề này tác động lẫn nhau bởi vì khí hậu ấm hơn sẽ dẫn đến ít giống loài hơn và một thế giới ít đa dạng hơn về sinh học có nghĩa là sẽ có ít cây cối hơn để hấp thụ lượng khí CO2 trong không khí vốn là nhân tố khiến Trái đất nóng lên, Lovejoy giải thích.
Các rạn san hô ở các đại dương là ví dụ rõ ràng về điểm giao nhau giữa biến đổi khí hậu và thiệt hại về giống loài. Nếu Trái đất nóng thêm 0,5 độ C thì các rạn san hô sẽ sụt giảm từ 70 cho đến 90%, phúc trình cho biết. Còn nếu nóng thêm 1 độ C thì 99% lượng san hô trên thế giới sẽ gặp nguy cấp.
“Cứ để mọi việc như thường sẽ là thảm họa,” Watson nói.
Ít nhất 680 loài động vật có xương sống đã tuyệt chủng kể từ năm 1600. Phúc trình cho rằng trên 40% các loài lưỡng cư trên hành tinh, hơn 1/3 các hữu nhũ hải dương và gần 1/3 các loài cá mập đang bị đe dọa tuyệt chủng.
Bản phúc trình chỉ đưa ra khung thời gian rất chung chung là ‘trong vài thập kỷ’ của tình trạng suy giảm đa dạng sinh học bởi vì hiện tượng này dựa trên nhiều biến số, bao gồm nghiêm túc xem xét vấn đề sẽ giúp giảm mức độ nghiêm trọng của dự báo, Watson nói.
“Chúng ta đang ở trong cuộc khủng hoảng tuyệt chủng trầm trọng thứ sáu,” nhà sinh thái học Lee Hannah thuộc tổ chức Bảo tồn Quốc tế và Đại học California ở Santa Barbara nói.
Đã năm lần trước đây, Trái đất đã trải qua những đợt tuyệt chủng ồ ạt khi mà đa số sự sống trên Trái đất biến mất, trong đó có một lần khủng long bị tuyệt diệt. Tuy nhiên, Watson nói rằng bản phúc trình cẩn trọng không gọi những gì đang xảy ra hiện nay là đợt tuyệt chủng lớn lần thứ sáu bởi vì mức độ hiện nay chưa tiến gần đến mức 75% của các đợt tuyệt chủng ồ ạt trước đây.
Suy giảm môi trường sống là một trong các nguy cơ lớn nhất, và điều này đang xảy ra trên toàn cầu, Watson nói.
Phúc trình dự đoán từ nay cho đến năm 2050 sẽ có thêm 25 triệu km đường sá mới được xây dựng trong tự nhiên và đa số là ở các nước đang phát triển.
Bên cạnh sự tuyệt chủng của các giống loài, phúc trình còn cho biết 14 phương cách mà thiên nhiên hỗ trợ cho cuộc sống con người đang suy thoái ngoại trừ sản xuất lương thực và năng lượng. Phúc trình chỉ ra sự đi xuống trong khả năng của Trái đất cung cấp không khí và nước sạch, đất đai màu mỡ.
Phần lớn những tác động tệ hại nhất có thể ngăn chặn được bằng cách thay đổi cách thức canh tác mùa màng, sản xuất năng lượng, đối phó với biến đổi khí hậu và xử lý chất thải, theo phúc trình. Điều đó cần đến hành động phối hợp của các chính phủ, người dân và công ty các nước.
Các cá nhân có thể góp một tay bằng cách thay đổi thói quen ăn uống và sử dụng năng lượng, đồng chủ tịch của phúc trình và nhà khoa học sinh thái Josef Settele thuộc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Helmholtz ở Đức nói. Điều này không có nghĩa là phải ăn chay hay ăn rau củ mà là cân bằng thịt, rau quả và trái cây, và đi bộ và đạp xe nhiều, Watson nói.
“Thật ra chúng ta có thể nuôi sống tất cả hàng tỷ người trên thế giới được sinh ra thêm mà không cần phải phá hủy thêm một tấc đất nào trong tự nhiên,” Lovejoy nói. Chúng ta có thể làm được điều này chủ yếu bằng cách không để lãng phí thực phẩm và sản xuất hiệu quả hơn, ông giải thích.