Đường dẫn truy cập

Thổ Nhĩ Kỳ ký thỏa thuận năng lượng với vùng tự trị Iraq


Ông Ashti Hawrami (phải) Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Thiên nhiên của Chính phủ vùng Kurdistan và ông Taner Yidiz, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ mở cuộc họp báo chung ở Erbil, 20/5/14
Ông Ashti Hawrami (phải) Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Thiên nhiên của Chính phủ vùng Kurdistan và ông Taner Yidiz, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ mở cuộc họp báo chung ở Erbil, 20/5/14
Thổ Nhĩ Kỳ và Chính quyền Khu vực Kurdistan ở Iraq đã ký một thỏa thuận 50 năm xuất khẩu dầu mỏ của khu vực này. Thỏa thuận xuất hiện trong bối cảnh quốc tế chỉ trích ngày càng nhiều việc Thổ Nhĩ Kỳ qua mặt chính quyền trung ương Iraq để thắt chặt quan hệ với người Kurd ở nước này.

Thủ tướng Nechirvan Barzani của Chính phủ Khu vực Kurdistan đưa ra loan báo hôm thứ Tư trong một bài phát biểu trước quốc hội Kurdistan ở Irbil, thủ phủ của khu vực mà người Kurd chiếm đa số ở miền bắc Iraq.

Vùng Kurdistan giàu năng lượng của Iraq và một nước Thổ Nhĩ Kỳ đói năng lượng là một cặp bài trùng, theo ông Emre Iseri, một nhà khoa học chính trị và chuyên gia về năng lượng tại Đại học Yasar ở Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nói:

"Thổ Nhĩ Kỳ muốn trở thành đầu mối năng lượng trong khu vực này và do đó Thổ Nhĩ Kỳ muốn đa dạng hóa khỏi Nga và Iran. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang băn khoăn về thâm hụt tài khoản hiện tại của mình và nghĩ rằng họ có thể mua dầu và khí đốt giá rẻ hơn từ vùng Kurdistan của Iraq."

Việc bán dầu ở miền bắc Iraq đi ngang qua Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến quan hệ giữa Irbil và Baghdad căng thẳng.

Chính quyền trung ương khẳng định chỉ họ có quyền xuất khẩu dầu thô của Iraq và nói rằng những hợp đồng giữa chính quyền Kurdistan và các công ty năng lượng nước ngoài không được Baghdad chấp thuận ra mặt đều bất hợp pháp - một lập trường mà Irbil bác bỏ.

Ankara từ nhiều tháng nay đã tìm cách xoa dịu Baghdad, nhưng những nỗ lực đó đã không thành công, theo lời ông Soli Ozel phụ trách một cột báo về chính trị cho tờ Haberturk của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nói:

"Baghdad phản đối việc này và sẽ kiện ra tòa. Rõ ràng là họ không nhìn nhận tích cực về giao dịch này và vẫn không đổi ý. Và Mỹ cũng bày tỏ sự bất mãn của mình. Tình thế hiện thời là như vậy."

Baghdad đã kiện Ankara ra Tòa án Trọng tài Quốc tế của Phòng Thương mại Quốc tế tại Paris vì vụ bán dầu vùng Kurdistan của Iraq, nói rằng hành động này vi phạm hiến pháp của Iraq và do đó bất hợp pháp.

Washington cũng nhiều lần lên tiếng chỉ trích những giao dịch trực tiếp của Ankara với Irbil, cảnh báo rằng việc này có thể đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ của Iraq.

Nhưng cả Irbil và Ankara bác bỏ những quan ngại này.

Các nhà phân tích nói rằng Chính phủ Khu vực Kurdistan đang cần tiền gấp từ thương vụ năng lượng, sau khi Baghdad cắt ngân quỹ vì những giao dịch đơn phương của họ với Ankara.

Trong khi Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki vẫn đang chật vật thành lập chính phủ sau cuộc tổng tuyển cử, các nhà phân tích nói Irbil và Ankara có thể đang tìm cách lợi dụng sự bất ổn chính trị này. Tuy nhiên, một số người nói rằng việc thành lập chính phủ mới ở Baghdad có thể dẫn tới áp lực lớn hơn đối với cả Irbil và Ankara về sự hợp tác năng lượng đang thắt chặt của họ.

Dù bầu không khí chính trị ra sao, ông Semih Idiz, phụ trách một cột báo về ngoại giao cho website Al Monitor và tờ Taraf của Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết sẽ không thể quay đầu lại.

"Đường ống dẫn dầu bắc Iraq có vẻ là tuyến an toàn và đáng tin cậy vào thời điểm này. Nó gắn với những yếu tố khác liên hệ tới vấn đề người Kurd của riêng Thổ Nhĩ Kỳ. Vùng Trung Đông thì biến động và quan hệ với Baghdad cũng không phải là tốt nhất vào lúc này. Có những lý do về chính trị, chiến lược và cả kinh tế cho việc này. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn từng bước xúc tiến dự án này mà ít nhiều cho thấy đây là việc đã rồi."

Lô dầu Kurdistan đầu tiên được chuyển qua Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 23 tháng 5 và có trị giá ước tính khoảng 110 triệu USD. Thổ Nhĩ Kỳ và Chính phủ Khu vực Kurdistan đã tuyên bố rằng dòng chảy dầu Kurdistan ra thị trường quốc tế sẽ tiếp tục, bất chấp việc Iraq đệ đơn yêu cầu trọng tài quốc tế phản đối Ankara đòi thương vụ ngừng ngay lập tức.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG