Đường dẫn truy cập

Thỏa thuận tình báo Nhật-Hàn ký gấp gây hoang mang ở Hàn Quốc


Người dân Hàn Quốc biểu tình phản đối Thỏa thuận An ninh chung về Thông tin Quân sự (GSOMIA) giữa Hàn Quốc và Nhật Bản ở Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 23/11/2016.
Người dân Hàn Quốc biểu tình phản đối Thỏa thuận An ninh chung về Thông tin Quân sự (GSOMIA) giữa Hàn Quốc và Nhật Bản ở Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 23/11/2016.

Những bất đồng lịch sử vẫn hằn sâu giữa hai nước, và không rõ liệu một thỏa thuận quân sự có thể được coi như một ngọn đuốc soi đường để tạo dựng các mối quan hệ nồng ấm hơn giữa hai bên, xét Nhật Bản từng xâm chiếm và cai trị Triều Tiên như một thuộc địa.

Ngay trong lúc này, bà Park Geun Hye đang chật vật chống chọi để duy trì chiếc ghế tổng thống, sau khi bị tố cáo là tòng phạm trong một vụ tai tiếng tham nhũng và hành vi lạm dụng chức quyền và bòn rút tiền của. Các nhà phân tích nói rằng nếu bà Park sống sót qua một tiến trình luận tội có khả năng được tiến hành, thì có phần chắc bà sẽ tại vị cho đến hết nhiệm kỳ, nhưng không nắm thực quyền trong tay.

Theo Thỏa thuận An ninh chung về Thông tin Quân sự (GSOMIA), Seoul và Tokyo giờ có thể chia sẽ trực tiếp một số tin tức tình báo liên quan tới Bắc Triều Tiên.

Thỏa thuận này cho phép hai bên không cần thông qua Hoa Kỳ, nước thường đứng trung gian về thông tin tình báo kể từ cuối năm 2014.

Gấp rút thông qua thỏa thuận

Năm 2012 dưới thời cựu tổng thống Lee Myung-bak, sự chống đối của công chúng đã khiến thỏa thuận này bị trật hướng. Nhưng trong tuần này, thỏa thuận đã được ký kết tương đối dễ dàng sau khi được Tổng thống Park Geun Hye và nội các của bà thông qua.

Các đảng đối lập ở Nam Triều Tiên cho biết họ dự tính cuối tháng này sẽ gởi đề xuất bãi nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng Han Min-koo vì đã ký thỏa thuận này với Nhật Bản.

Những người chống đối thỏa thuận chia sẻ tình báo với Nhật Bản, nhiều người biểu tình bên ngoài Ðại sứ quán Nhật Bản và trụ sở Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, nói rằng bà Park đã gấp rút thông qua thỏa thuận này vào lúc đất nước bị chia trí về vụ bê bối tham nhũng bao trùm lấy chính quyền của bà Park.

Ông Choi Jong-kyun, giáo sư môn khoa học chính trị tại Đại học Yonsei ở Seoul, so sánh vụ bê bối tham nhũng nhu một hố đen lớn, hút mọi thứ vào.

Ông Choi cho biết: “Sau cùng, công chúng muốn Tổng thống Park rời khỏi chính trường. Trong chính quyền mới của phe đối lập, tôi tin là họ có thể đảo ngược mọi thứ mà bà Park đã ký trong Thỏa thuận GSOMIA và những điểm khác mà họ bất đồng với bà Park.”

Giáo sư Choi cũng nói về thời điểm ký thỏa thuận GSOMIA cũng đặt ra nghi vấn về sự cần thiết của thoả thuận này: “Câu hỏi được đặt ra là tại sao vào lúc này, tại sao lại gấp rút như vậy? Có phải chúng ta chưa có đủ thông tin chia sẻ với Mỹ về Bắc Triều Tiên? Nếu chúng ta không có thỏa thuận chia sẻ tình báo bày với Nhật Bản, thì liệu chúng ta có rơi vào tình thế nguy cấp hay không?”

Một cuộc thăm dò dư luận mới đây do hãng Gallup Korea thực hiện cho thấy 60% người trả lời phản đối thỏa thuận mới ký.

Tăng cường an ninh

Nhưng thỏa thuận mới này được ký vào lúc Bắc Triều Tiên tăng mạnh chương trình hạt nhân của họ, nhất là trong năm nay với hai vụ thử thiết bị hạt nhân và các vụ phóng thử tên lửa tầm xa.

Ông Mark Fitzpatrick, giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế của Mỹ (IISS) nói rằng thỏa thuận được ký hôm 23/11 đã quá muộn.

Ông cho biết: “Sự kiện thỏa thuận mới được ký không nên đặt ra nghi vấn nào. Những người chống đối thỏa thuận này tỏ ra thiển cận và hời hợt. Đây là một sự hợp tác quan trọng để chống lại một kẻ thù chung, một kẻ thù đang trở nên mạnh hơn và hung hãn hơn.”

Ông Fitzpatrick nói bất chấp những kết nối quân sự trực tiếp mới giữa Tokyo và Seoul, ông tin chắc rằng khối lượng thông tin tình báo sẽ không giảm, và tốc độ nhận thông tin của các lực lượng Mỹ không bị chậm lại.

Tại Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter hoan nghênh thỏa thuận vừa ký. Ông nói thỏa thuận sẽ giúp hai đồng minh thân nhất của Mỹ ở Đông bắc Á tăng cường khả năng quốc phòng chống lại “sự hung hãn của Bắc Triều Tiên.”

Tức giận

Đây không phải là thỏa thuận chia sẻ tình báo độc nhất. Hàn Quốc có những thỏa thuận tương tự với hàng chục nước khác với những điều khoản thân thiện hơn so với thỏa thuận ký với Nhật Bản.

Nhưng với nhiều người Triều Tiên, thỏa thuận với Nhật Bản được xem là phản bội đất nước.

Giáo sư Choi nhận định: “Người Triều Tiên chúng tôi còn những vấn đề về hòa giải cần giải quyết với Nhật Bản. Các thành phần theo chủ nghĩa quốc gia chống lại bất cứ điều gì mang tính hợp tác với Nhật Bản, nhất là những vấn đề quân sự.”

Ông Choi tin rằng thỏa thuận này là một phần trong cơ cấu đồng minh của Mỹ để củng cố nền tảng trong khu vực nhằm đối phó với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.

Anh Hwangbo Oojin, một sinh viên đại học tham gia biểu tình trước Ðại sứ quán Nhật Bản ở Seoul, nói: “Tôi nghĩ rằng Hàn Quốc chưa thể ký kết thỏa thuận này bởi vì những vấn đề trong quá khứ với Nhật Bản, chẳng hạn như vấn đề ‘an ủy phụ’ chưa được giải quyết. Đây là một thời điểm chưa thích hợp để ký thỏa thuận này, xét theo tình hình xáo trộn chính trị đang diễn ra ở Nam Triều Tiên.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG