Đường dẫn truy cập

Thượng đỉnh Việt-Mỹ, ngổn ngang quan ngại


Ảnh tư liệu - Người biểu tình phản đối tập đoàn Formosa gây ô nhiễm biển Việt Nam tại Taipei, Đài Loan ngày 10/08/2016.
Ảnh tư liệu - Người biểu tình phản đối tập đoàn Formosa gây ô nhiễm biển Việt Nam tại Taipei, Đài Loan ngày 10/08/2016.

Ngày 31/5 tại Washington DC, Tổng thống Donald Trump sẽ có cuộc gặp chính thức với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Ông Phúc vội vàng đi Mỹ lần này là do những sức ép rất lớn từ nền kinh tế Việt Nam vốn đang lâm vào khủng hoảng. Chính quyền cộng sản hy vọng những hiệp định thương mại với Hoa Kỳ sẽ là cứu cánh chính cho chế độ. Chính vì thế, cộng đồng người Việt sinh sống tại Hoa Kỳ kỳ vọng trong cuộc gặp lần này, chính quyền tổng thống Trump sẽ có những yêu cầu cụ thể và cứng rắn hơn đối với Hà Nội về vấn đề nhân quyền, trước khi trao cho họ những quyền lợi thương mại.

Ông Nguyễn Xuân Phúc là nguyên thủ quốc gia Đông Nam Á đầu tiên tới thăm Hoa Kỳ, kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức. Động thái ‘sốt sắng’ này, theo nhận định chung của giới chuyên gia, bắt nguồn từ những khó khăn kinh tế trong nước khi Việt Nam liên tục nhập siêu từ Trung Quốc trên 50 tỉ USD mỗi năm và ngân sách đang trống rỗng do các dự án đầu tư thiếu hiệu quả tràn lan, nguồn thu từ thuế đang bị thu hẹp do các hiệp định thương mại đã ký. Nhiệm vụ sống còn của ông Phúc trong chuyến thăm lần này là phải đạt được những thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ để duy trì con số xuất siêu trên 30 tỉ USD/năm vào thị trường này. Có được như vậy, mới mong không có những biến động xã hội lớn và duy trì được chế độ cộng sản, theo dự báo của giới phân tích.

Tuy vậy, trước chuyến thăm của ông Phúc là một loạt vụ bắt bớ, truy nã những nhà hoạt động nhân quyền, những người lên tiếng bảo vệ quyền lợi của ngư dân miền Trung, nạn nhân trong thảm họa ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra. Hàng triệu cư dân dọc bờ biển miền Trung Việt Nam đang sống lay lất do mất nguồn sống từ biển mà chưa nhận được đền bù từ chính quyền. Nhiều người tự hỏi không biết cuộc sống của họ sẽ ra sao khi biển miền Trung tiếp tục chịu ô nhiễm trong nhiều thập kỷ nữa. Có thể nói Việt Nam thực sự không chỉ rơi vào một cuộc khủng hoảng về nhân quyền, mà cả một cuộc khủng hoảng về nhân đạo nữa. Đây là nội dung mà cộng đồng người Việt tại Mỹ muốn chính quyền của Tổng thống Donald Trump đưa vào nội dung nghị sự trong cuộc gặp với ông Phúc tới đây.

Từ Arizona chị Thu Phạm chia sẻ: “Tôi thấy thật đáng thương cho những người dân miền Trung Việt Nam. Bây giờ biển thì ô nhiễm, hải sản không ai dám ăn, trong khi cuộc sống của họ dựa hoàn toàn vào nghề đi biển. Vậy họ sống bằng gì đây? Cái này thật ra hơi cụ thể so với một cuộc gặp cấp cao giữa 2 nguyên thủ thế này nhưng rõ ràng phải đề cập tới vì nó còn liên quan tới một loạt vụ bắt bớ các nhà hoạt động nhân quyền nữa. Không thể cho họ những quyền lợi thương mại, rồi họ lại ậm ờ, lờ đi những việc họ phải làm đối với vấn đề nhân quyền và cả nhân đạo đối với ngư dân miền Trung.”

Chị Loan Nguyễn, một Việt kiều từ bang California, kêu gọi: “Ô nhiễm biển miền Trung thì quá nặng nề rồi. Hàng triệu người không có nguồn sống nữa. Trong khi đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng thì bị bỏ tù. Những vấn đề này rõ ràng cần được đặt lên bàn đàm phán và có những hành động cụ thể, cứng rắn với chính quyền cộng sản Việt Nam. Họ muốn có quyền lợi về thương mại với Hoa Kỳ thì phải đáp ứng những yêu cầu căn bản về nhân quyền tại Việt Nam”.

Chưa bao giờ, kể từ khi Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam năm 1995 tới nay, một cuộc gặp cấp cao giữa nguyên thủ hai nước lại có nhiều vấn đề căng thẳng, cấp bách cần đàm phán như vậy. Ông Phúc được cử đi để ‘chạy vạy’ cho một chế độ cộng sản đang có nhiều vấn đề, còn ông Trump đang đứng trước chuyện nhân quyền-nhân đạo mà Hoa Kỳ không thể làm ngơ tại Việt Nam. Vì thế, nhiều người cho rằng đây là một cơ hội thuận lợi để chính quyền Tổng thống Trump đặt những điều kiện cứng rắn cho chính quyền cộng sản Việt Nam. Tuy vậy, theo ý kiến của không ít người Việt sinh sống lâu năm tại Hoa Kỳ, những thỏa thuận tích cực đạt được sau cuộc gặp này vẫn còn rất mơ hồ.

Từ California, anh Trần Ngọc Bảo bày tỏ lo lắng: “Rõ ràng nếu những vấn đề về ô nhiễm biển miền Trung và nhân quyền được đưa vào nội dung đàm phán lần này thì không chỉ tốt cho cộng động người Việt tại hải ngoại mà còn rất tốt cho cộng đồng người Việt trong nước. Nhưng tôi thấy thật sự thì những vấn đề tại Đông Nam Á nói chung và Biển Đông hay Việt Nam không nhận được nhiều sự quan tâm từ chính quyền Tổng thống Donald Trump. Vì thế cũng khó nói được là những vấn đề này có được đem ra thảo luận và giải quyết rốt ráo hay không.”

Ông Lưu Vũ Diệp từ Kansas nghi ngại: “Tôi thấy ông Trump là một doanh nhân nên ông ý đầu tiên phải chú trọng tới những lợi ích trước đã, chứ không thực sự quan tâm đến những vụ việc cụ thể tại Việt Nam đâu. Nên cuộc khủng hoảng nhân quyền và nhân đạo tại Việt Nam hiện nay chưa chắc đã thực sự được quan tâm đầy đủ trong cuộc gặp giữa ông Trump và ông Phúc lần này”.

Để tiếng nói của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ có thể đến với chính quyền Tổng thống Donald Trump, ngoài những chiến dịch vận động thông qua Ủy Ban Nhân quyền Toàn cầu tại Hạ viện Mỹ, cộng đồng người Việt tại Mỹ sẽ tiến hành một cuộc biểu tình bên ngoài Tòa Bạch Ốc ngay trong buổi gặp giữa ông Trump và ông Phúc vào ngày 31/5.

Từ Virginia, anh Lý Ngọc Bảo, một Việt kiều có nhiều hoạt động trong cộng đồng người Việt, nói với VOA Việt ngữ: “Thật ra bây giờ đi biểu tình, bày tỏ chính kiến về các vấn đề của Việt Nam chủ yếu là mấy bác thuộc thế hệ đầu sang đây. Trong khi chúng ta có 3 thế hệ đang ở đây. Chúng ta phải nói chuyện, giáo dục cho thế hệ trẻ biết những vấn đề tại Việt Nam để các em cùng tham gia. Hơn thế, chúng ta cũng phải đoàn kết với các cộng đồng sắc tộc khác để mỗi lần tham gia biểu tình thế này không chỉ các cơ quan báo chí tiếng Việt đến đưa tin mà cả báo chí của Mỹ, của các cộng đồng khác nữa. Từ đó, tiếng nói của cộng đồng người Việt sẽ mạnh mẽ, tạo ra một sức ép lớn đến những quyết định của chính quyền trong các vấn đề liên quan đến Việt Nam.”

Theo các chuyên gia, ngoài mục tiêu tối quan trọng là duy trì thặng dư thương mại 30 tỉ USD/năm với Hoa Kỳ, chuyến đi này của ông Phúc cũng nhằm thăm dò quan điểm của tân Tổng thống Donald Trump và chính quyền mới về các vấn đề liên quan tới Đông Nam Á và Biển Đông, bởi từ khi nhậm chức tới nay, ông Trump tỏ ra chưa mấy mặn mà với khu vực này.

Liệu Hoa Kỳ có thực sự cần đến Việt Nam trong chiến lược kìm hãm sự bành trướng của Trung Quốc, sau khi Philippines, một đồng minh lâu năm của Mỹ ở khu vực, đang xích lại gần hơn với Trung Quốc? Đó cũng là điều mà chính quyền cộng sản Việt Nam muốn biết trong chuyến thăm này. Còn đối với cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, việc Tổng thống Donald Trump tỏ thái độ dứt khoát và đặt những điều kiện cụ thể đối với thảm họa nhân quyền-nhân đạo đang diễn ra tại Việt Nam là kỳ vọng lớn nhất của tất cả mọi người.

VOA Express

XS
SM
MD
LG