Khanh Huynh làm nghề chài lưới từ khi mới lên 12 tuổi. Sáu năm qua Khanh ở trên một chiếc tàu đánh cà ngoài biển Hawaii, chuyên đánh cá ngừ ahi loại hảo hạng, phục vụ những khách hàng sành điệu nhất thế giới.
Ngư dân 28 tuổi này, quê ở Long Khánh, Đồng Nai này, mới đây đã trực tiếp cứu mạng hai người Mỹ và giúp cứu năm người khác sau khi chiếc tàu đánh cá mà anh làm công bị đắm cách Đảo Lớn của Hawaii mấy trăm kilômét.
Khanh không phải là thuyền trưởng tàu đánh cá đó. Anh làm một trong những công việc nguy hiểm nhất, quần quật từ 10 đến 20 tiếng mỗi ngày để được trả chưa tới 10.000 đôla một năm. Trong thực tế Khanh làm việc bất hợp pháp trong vài trò chỉ huy con tàu đánh cá trong hải phận của Mỹ, bởi vì anh không có quốc tịch Mỹ. Viên thuyền trưởng Mỹ, người chịu trách nhiệm chỉ huy chiếc Princess Hawaii, chưa bao giờ lái tàu câu cá ngừ trên Thái Bình Dương.
Một nhân viên liên bang là một trong số tám người có mặt trên chiếc tàu nói ngư dân Việt Nam này đã lái chiếc tàu từ lúc rời đất liền cho đến khi bị đắm.
Ông Steve Dysart, nhân viên hợp đồng liên bang, nói với hãng tin AP: “Tôi thấy thuyền trưởng người Mỹ không hề đụng tay vào việc điều khiển con tàu, hay ra bất cứ lệnh chỉ huy nào cho con tàu hoạt động. Tôi chỉ thấy ông ấy ở trong phòng ngủ.”
Thuyền trưởng Robert Nicholson người Mỹ từ chối bình luận.
Tuần dương Mỹ đang điều tra sự việc.
Vụ đắm tàu này là vụ mới nhất trong hàng loạt hoạt động quản lý sai quy cách có thể dẫn đến chết người của các tàu đánh cá. Ngoài ra còn có những lo ngại về việc bóc lột người lao động và những công việc nguy hiểm.
Luật tiểu bang và liên bang không áp dụng đối với Khanh và khoảng 700 thuyền viên đánh cá người nước ngoài khác ở đây. Vì không có visa Mỹ, những người lao động này không được phép nhập cảnh Mỹ và phải ở luôn trên tàu, ngay cả khi tàu của họ cập cảng ở Honolulu.
Một phóng sự điều tra của AP năm 2016 tìm thấy những người lao động này sống trong điều kiện dơ bẩn trên các tàu đánh cá, người đầy vết rệp cắn, và nhiều trường hợp đói ăn. Phóng sự này cũng cho thấy có những vụ buôn người.
Khi không ra biển đánh bắt, Khanh ngủ qua đêm sau cánh cổng ở một cầu tàu cách bãi biễn Waikiki tuyệt đẹp thường xuất hiện trên những bưu thiếp vài cây số.
Hôm Chủ nhật chiếc tàu của anh bị đắm lúc đang giăng 24 kilômét dây câu ngoài khơi cách bờ 644 kilômét, lúc đó Khanh đang dọn rửa cabin tàu.
Khanh được thuê làm thuyền viên đánh cá ngừ, nhưng anh làm việc như một thuyền trưởng trên thực tế, theo lời ông Dysart. Để lách luật, các thuyền trưởng người Mỹ chỉ đăng ký cho hợp pháp, song rất ít khi thực sự điều hành con tàu của họ.
Các quy định của liên bang không không cấm người lao động nước ngoài lèo lái một con tàu khi thuyền trưởng đi ngủ hoặc vì một lý do gì đó, nhưng quy định bắt buộc thuyền trưởng người Mỹ phải có mặt trên tàu.
Tới gần trưa, chiếc Princess Hawaii dài 19 mét bắt đầu lắc lư. Biển Thái Bình dậy sóng ập vào con tàu và dìm nó xuống.
Khanh cố kìm con tàu trong buồng lái, nhưng sóng biển mạnh lại ập vào dìm nó xuống.
Khanh kể lại với AP: “Tôi lao nhanh vào buồng kiểm soát, chụp tay lái và cố gắng bẻ lái, nhưng không được. Con tàu tiếp tục nghiêng dần, gần như dựng đứng lên, hất tôi vào cửa sổ.”
Khanh chụp lấy cây búa, đập bể cửa sổ, nhảy xuống biển. Anh thấy có 5 người khác quanh anh.
Còn hai người Mỹ vẫn kẹt trong chiếc tàu: một nhà quan sát của Cơ quan khí tượng và Hải dương Quốc gia và thuyền trưởng.
Khanh là lớn: “Ra khỏi tàu, ra khỏi tàu.” Dysart vớ lấy chiếc áo phao và lao đến cửa thoát hiểm ở phía sau chiếc tàu.
Ông Dysrt nói: “Tôi sợ phát khiếp khi lao về phía cửa. Nhìn ra ngoài tôi thấy toàn nước bao trùm.”
Khanh đưa tay ra kéo ông Dysart
Ông Dysart nói: “Khanh đã cứu mạng hai người, trong đó có tôi. Khanh đưa tay ra kéo mạnh tôi sang thùng đựng lưỡi câu của anh ấy.”
Nhà quan sát và thuyền trưởng phải lặn dưới nước trong con tàu, tìm cửa thoát hiểm đi ra và trồi lên mặt nước.
Khanh tiếp đến đã mở được xuồng cứu sinh ra. Anh kéo hai người Mỹ lên xuồng, và cả ba giúp kéo 5 thuyền viên lên xuồng, họ là những người Việt và Kiribati.