Cuộc đối thoại qua màn hình hôm 15/11 giữa hai nhà lãnh đạo cao nhất của Mỹ và Trung Quốc ‘sẽ không mang lại thay đổi gì lớn’ mà ‘chỉ góp phần làm ổn định trong quan hệ giữa hai nước trong thời gian trước mắt’, các nhà quan sát nhận định.
Cuộc hội đàm dài ba tiếng rưỡi, tức là dài hơn dự kiến, giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 15/11 là cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Biden nhậm chức hồi đầu năm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hai nước có quá nhiều khác biệt trên hàng loạt các vấn đề chủ chốt từ từ Đài Loan, thương mại, cho đến Triều Tiên, Afghanistan và Iran, cuộc gặp này không được trông đợi sẽ đem lại đột phá gì và trên thực tế dường như không làm được gì để thu hẹp khác biệt.
‘Ổn trước mắt, bất trắc lâu dài’
Sau cuộc đối thoại, một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ nói với Reuters rằng mục đích của cuộc trao đổi từ phía Mỹ là không nhất thiết là làm giảm căng thẳng và đó cũng không nhất thiết là kết quả cuộc họp.
“Chúng tôi không trông đợi đột phá,” vị quan chức này nói.
Các bản ghi của hai bên không có gì cho thấy hai nước đã làm dịu lập trường ngày càng cứng rắn, nhất là trên vấn đề Đài Loan mặc dù truyền thông nhà nước Trung Quốc mô tả cuộc hội đàm là ‘thẳng thắn, mang tính xây dựng, thực chất và hiệu quả’.
“Có vẻ như họ đã trao đổi quan điểm về mọi thứ một cách minh bạch, nhưng không công bố quyết định hay bước đi chính sách nào,” ông Scott Kennedy, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói với hãng tin Reuters.
“Hai nhà lãnh đạo dường như đồng ý rằng mối quan hệ cần phải có hành lang bảo vệ và sự ổn định, nhưng họ không nhất trí về làm sao để đạt được điều đó,” ông nói thêm.
Truyền thông Trung Quốc cho biết ông Tập nói ông hy vọng ông Biden có thể chứng tỏ ‘khả năng lãnh đạo chính trị’ để đưa chính sách Trung Quốc của Mỹ quay lại quỹ đạo ‘hợp lý và thực tiễn’.
Ông Paul Haenle, giám đốc Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Thanh Hoa ở Bắc Kinh và là cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia, được Reuters dẫn lời nói mặc dù đối thoại đã ổn định lại mối quan hệ trong thời gian trước mắt, ‘những thách thức căn bản dài hạn trong mối quan hệ Mỹ-Trung vẫn chưa được giải quyết theo bất kỳ cách nào’.
Ryan Hass, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Brookings, được CNN dẫn lời nói: “Cả hai lãnh đạo sẽ không muốn được coi là xuống nước trước đối phương, nhưng đồng thời, cả hai đều không thấy có lợi ích gì trong việc để cho mối quan hệ leo thang quá mức vượt quá mức độ căng thẳng hiện tại.”
Tín hiệu lạc quan?
Daniel Russel, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về châu Á dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama và hiện đang làm việc cho trung tâm nghiên cứu Asia Society, lưu ý rằng phải mất 10 tháng để hai nhà lãnh đạo có thể nói chuyện mặt đối mặt cho dù là qua màn hình.
“Chúng ta nên nghĩ về cuộc đối thoại này không phải là một lần rồi thôi, mà là nó nằm trong một loạt các cuộc đối thoại quan trọng vốn có thể đẩy mối quan hệ theo hướng ổn định hơn trong khi hai nước tiếp tục cạnh tranh quyết liệt,” ông Russel nói với Reuters.
“Hy vọng phía Trung Quốc trao quyền cho các nhóm làm việc của họ để có thể tổ chức các cuộc đàm phán có thẩm quyền hơn ở cấp thấp. Nhưng đây chỉ là khởi đầu của quá trình đi ra khỏi hố sâu và cuối cùng nó đòi hỏi sự can dự thường xuyên của bản thân hai nhà lãnh đạo.”
Một số phân tích gia Trung Quốc cũng bày tỏ lạc quan. Ông Vương Huy Diệu, chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa ở Bắc Kinh, nói với Reuters rằng cuộc họp đã gửi đi ‘tín hiệu rất tích cực’.
“Tôi cho rằng nó sẽ chặn đà đi xuống của quan hệ song phương và sẽ ổn định quan hệ Trung Quốc của Mỹ trong một thời gian,” ông nói và cho biết thêm rằng nó cũng giúp giảm căng thẳng ở eo biển Đài Loan.
Ngô Tâm Bá, giám đốc nghiên cứu Mỹ tại Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, nói cuộc đối thoại đã tiếp tục xu hướng tích cực là cải thiện quan hệ song phương sau cuộc điện đàm giữa ông Biden và ông Tập hồi tháng 9.
“Tôi nghĩ rằng cả hai bên sẽ chuyển sự chú ý sang tăng cường hợp tác và quản lý hiệu quả hơn các khác biệt, để giảm thiểu tác động tiêu cực của những va chạm đối với quan hệ song phương,” ông nói với Reuters.
Việc Tổng thống Mỹ và người tương nhiệm Trung Quốc nói chuyện với nhau để đưa quan hệ song phương trở lại quỹ đạo ổn định sau thời gian gần như đổ vỡ hoàn toàn trong năm cuối của nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump là bước đột phá đáng kể, theo nhận định của Đài CNN.
Đài này dẫn ra việc sau cuộc đối thoại vào cuối ngày 16/11 Trung Quốc và Hoa Kỳ đã đồng ý nới lỏng các hạn chế thị thực cho nhà báo của hai bên là tín hiệu cho thấy cuộc họp thượng đỉnh ‘đã có kết quả’.
Điểm nóng Đài Loan
Cũng theo đài này thì Bắc Kinh dường như lợi dụng cuộc gặp này để thúc đẩy qua điểm của họ về Đài Loan với người dân trong nước.
“Biden nhắc lại rằng ông ấy không ủng hộ Đài Loan độc lập!” tiêu đề đầu tiên xuất hiện trên truyền thông nhà nước Trung Quốc sau cuộc hội đàm viết. Một hashtag liên quan nhanh chóng trở nên thịnh hành trên Weibo.
Việc một Tổng thống Mỹ đồng ý với quan điểm của Trung Quốc về Đài Loan là chiến thắng tuyên truyền lớn cho Bắc Kinh. Nhưng theo bản ghi về cuộc họp của Nhà Trắng, đó không hoàn toàn là điều ông Biden nói – thật ra, bản ghi của phía Mỹ không hề nhắc đến độc lập cho Đài Loan.
“Về Đài Loan, Tổng thống Biden nhấn mạnh Hoa Kỳ vẫn cam kết với chính sách ‘một Trung Quốc’, theo tinh thần của Đạo luật Quan hệ Đài Loan, ba Thông cáo chung và Sáu đảm bảo, và Hoa Kỳ phản đối mạnh mẽ các nỗ lực đơn phương để thay đổi hiện trạng hoặc làm suy yếu hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan,” Tòa Bạch Ốc cho biết.
Theo chính sách ‘một Trung Quốc’ của Mỹ, Washington thừa nhận lập trường của Bắc Kinh rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc, nhưng chưa bao giờ ủng hộ việc Đảng Cộng sản Trung Quốc nói họ làm chủ Đài Loan. Mỹ duy trì quan hệ không chính thức chặt chẽ với Đài Bắc, và có nghĩa vụ hỗ trợ họ các phương tiện tự vệ theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan.
Bản ghi chi tiết do Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố một lần nữa trích dẫn ông Biden nói Mỹ không ủng hộ Đài Loan độc lập, nhưng không đả động lập trường mạnh mẽ của Washington chống lại ‘những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng’.
Theo bản ghi này, ông Tập đổ lỗi căng thẳng gia tăng trên eo biển Đài Loan là do cái mà ông gọi là nỗ lực của Đài Bắc ‘dựa vào Mỹ để đòi độc lập’, cũng như ‘ý định của một số người Mỹ dùng Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc’.
“Những động thái như vậy cực kỳ nguy hiểm, giống như chơi với lửa. Bất cứ ai chơi với lửa sẽ bị thiêu cháy,” ông Tập nói với ông Biden, theo bản ghi của trung Quốc.
“Chúng tôi có kiên nhẫn và sẽ phấn đấu để thống nhất hòa bình với sự chân thành và nỗ lực tối đa. Tuy nhiên, nếu các lực lượng ly khai khiêu khích, cưỡng bức hoặc thậm chí vượt qua lằn ranh đỏ, chúng tôi sẽ phải thực hiện các biện pháp mạnh mẽ,” ông Tập đe dọa.
Những lời lẽ mạnh mẽ như vậy có khả năng gây được tiếng vang với người dân trong nước, vốn nhất mực ủng hộ thống nhất với Đài Loan. Ông Tập được truyền thông nhà nước miêu tả là đã ‘chiến thắng trong cuộc họp với ông Biden’.
“Tất nhiên, ở Trung Quốc, họ phải tuyên bố chiến thắng. Đó là lý do tại sao họ nhấn mạnh rằng chính quyền Biden đã lặp lại sự phản đối Đài Loan độc lập,” ông Jean-Pierre Cabestan, chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Đại học Baptist Hong Kong, nói với CNN.
Xây dựng hình ảnh cho ông Tập
Đối với Bắc Kinh, hình ảnh của cuộc họp ít nhất cũng quan trọng như nội dung của nó.
Tại Bắc Kinh, ông Tập được nhìn thấy dự họp trong một hội trường được sơn vàng, trải thảm đỏ ở Đại lễ đường Nhân dân. Gương mặt ông Tập và ông Biden nằm cạnh nhau trên một màn hình lớn phát trực tiếp cuộc họp, trong khi các lãnh đạo Trung Quốc, bao gồm cả ông Tập, ngồi cách hàng mét ở phía bên kia hội trường – cách bài trí khác rõ rệt so với phía Mỹ trong phòng Roosevelt ở Tòa Bạch Ốc.
“Theo nghĩa nào đó, nó mang lại cho Trung Quốc thể diện, địa vị - vị thế siêu cường. Ông Biden chấp nhận nói chuyện với Trung Quốc trên cơ sở bình đẳng, đề cập đến những vấn đề chính mà cả hai nước cần cùng nhau giải quyết, từ biến đổi khí hậu, Triều Tiên đến Afghanistan, ông Cabestan nói thêm.
Đối với ông Tập, việc bắc cầu với ông Biden và cố gắng đưa quan hệ song phương đi theo quỹ đạo bình thường cũng giúp cho các mục tiêu đối nội của ông.
“Chủ tịch Tập tất nhiên đang bước vào một năm rất có ý nghĩa chính trị,” ông Paul Haenle, giám đốc Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Thanh Hoa, nói, ý nhắc đến Đại hội Đảng lần thứ 20 vào năm tới khi ông Tập dự kiến sẽ tiếp tục làm lãnh đạo Đảng.
“Vì vậy, đây sẽ là một năm quan trọng và tôi nghĩ Chủ tịch Tập chủ yếu sẽ tập trung vào việc loại bỏ những rủi ro và bất trắc trong quan hệ Mỹ-Trung để ông ấy thực sự có thể tập trung vào chính trị trong nước chuẩn bị cho Đại hội Đảng,” Haenle nhận định.
‘Không đổi lập trường’
Từ Canada, luật sư Vũ Đức Khanh, một nhà quan sát chính trị, nói với VOA rằng ông Tập đi đến cuộc họp này với ông Biden mà ‘không có ý định giải quyết các vấn đề với Mỹ’.
“Bắc Kinh nhìn thấy nội tình nước Mỹ hiện rất xáo trộn, khả năng có sự đoàn kết trong nội bộ nước Mỹ là rất khó,” ông phân tích.
“Bắc Kinh không có ý định muốn thật sự đàm phán với Mỹ mà chỉ muốn giữ ở thế không đi đến xung đột mà thôi,” ông Khanh nói.
Theo quan sát của ông Khanh thì hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung ‘đã có nỗ lực giảm thiểu căng thẳng nhưng vẫn bảo vệ quan điểm lập trường của phía mình’.
Ông dự đoán quan hệ Mỹ-Trung ít nhất trong thời gian trước mắt ‘sẽ không có biến chuyển gì lớn’ sau cuộc gặp.
“Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục chương trình nghị sự của họ là tiếp tục gia tăng áp lực đối với Đài Loan, trên khu vực Biển Đông, vẫn tiếp tục chiến lược Vành đai-Con đường và vẫn tiếp tục phá hoại sách lược củng cố đồng minh của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương,” nhà quan sát này nói.