Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 26/10 đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trước thềm Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu - COP26.
Đại sứ quán Anh dẫn tin từ Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết, hai bên đã thảo luận về “vai trò tiên phong” của Việt Nam trong khu vực đối với việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Cơ quan ngoại giao này cho biết thêm rằng Thủ tướng Anh khuyến khích chính phủ Việt Nam “cam kết hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050, tiếp tục hành động để loại bỏ dần việc sử dụng điện than và chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030”.
Thủ tướng Anh được dẫn lời bày tỏ “hân hạnh chào đón Việt Nam đến Glasgow tham dự COP26 và cùng nhau thúc đẩy hành động toàn cầu về biến đổi khí hậu”. Theo báo Tuổi Trẻ, ông Chính là một trong nhiều lãnh đạo quốc gia được mời dự hội nghị COP26 và “đã xác nhận tham dự”.
Cổng thông tin chính phủ Việt Nam (VGP News) đưa tin, tại cuộc điện đàm, ông Chính “đánh giá cao vai trò đi đầu của Anh trong việc đưa ra các cam kết và sáng kiến tại hội nghị COP26 sắp tới” cũng như “khẳng định Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ đóng góp cho nỗ lực toàn cầu ứng phó biến đổi khí hậu và phối hợp chặt chẽ với Anh để bảo đảm thành công của hội nghị”.
Trong cuộc điện đàm giữa ông Johnson và ông Chính, hai nhà lãnh đạo cũng “cam kết làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, bao gồm cả về quốc phòng và an ninh”.
Theo đại sứ quán Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính “hoan nghênh sự hỗ trợ gần đây về vắc xin COVID-19 và trang thiết bị y tế từ phía Vương quốc Anh”.
Ngoài ra, tin cho hay, hai bên “nhất trí tiếp tục hợp tác để giải quyết đại dịch toàn cầu, đồng thời tăng cường thương mại và đầu tư giữa hai nước, củng cố Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Vương quốc Anh và kế hoạch gia nhập khối thương mại chung CPTPP của Vương quốc Anh”.
Theo VGP News, lãnh đạo Việt Nam và Anh “cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm tự do hàng hải, hàng không, an ninh và hoà bình tại Biển Đông, đề cao luật pháp quốc tế, trong đó coi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) là khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động trên biển và đại dương”.