Đường dẫn truy cập

Tính ứng dụng của ngành Tâm lý tại Việt Nam


Bạn Lan Trần cùng các bạn sinh viên khoa Tâm lý trường Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Tp.HCM tại buổi giao lưu.
Bạn Lan Trần cùng các bạn sinh viên khoa Tâm lý trường Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Tp.HCM tại buổi giao lưu.
Trong bài phỏng vấn kì trước về tổ chức Viet Psychology, ban Việt Ngữ đài VOA đã có một buổi nói chuyện với bạn Bảo Ngọc, phụ trách phát triển quan hệ cho tổ chức Viet Psychology, để có những tìm hiểu ban đầu về khát khao của các bạn trong việc phổ biến ngành Tâm lý tại Việt Nam. Ngày hôm nay, mặc dù đang bận rộn với công việc học tập khi tham gia chương trình giao lưu văn hóa ở Nhật, bạn Lan Trần, là chủ tịch của Viet Psychology vẫn dành cho ban Việt Ngữ đài VOA ít phút để kể về chuyến đi giao lưu về Việt Nam của bạn với các bạn sinh viên khoa Tâm lý trường Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, bạn Lan cũng chia sẻ kỹ hơn một vài quan điểm cá nhân về tính ứng dụng của ngành Tâm lý ở Việt Nam. Xin mời quý vị cùng theo dõi bài phỏng vấn sau đây.
please wait

No media source currently available

0:00 0:08:50 0:00
Tải xuống


VOA: Xin chào Lan, trước hết mình xin gửi lời cám ơn chân thành tới Viet Psychology và Lan đã nhận lời tham gia cuộc phỏng vấn này. Câu hỏi đầu tiên dành cho bạn là lĩnh vực tâm lý mà bạn thấy thú vị nhất là gì?

Lan Trần: Theo mình cảm thấy, trước đây thì mình học về Social Psychology (Tâm lý xã hội), nhưng bây giờ mình đang chuyển sang một hướng khác đó là Quantitative Psychology. Đây là hướng nghiên cứu về các vấn đề xã hội nhưng dùng công cụ về Toán và Thống kê rất mạnh. Thí dụ khi mình có công cụ là mạnh về Toán, Thống kê, cách suy nghĩ, hay làm thế nào để nghiên cứu vấn đề một cách khoa học nhất, bạn có thể nghiên cứu về giáo dục, tính cách, hoặc thậm chí là bạn nghiên cứu thị trường, sản phẩm, thì mình thấy là nếu đi theo con đường này thì tính ứng dụng của nó khá là cao, nó sẽ đóng góp được khá là nhiều cho Việt Nam, chứ không chỉ là học về nghiên cứu nhân cách hay tâm lý của con người.

VOA: Ở các trường cấp 3 của Mỹ, bộ môn Tâm lý được đưa vào mục môn tự chọn và được giảng dạy ở nhiều nơi, mặc dù có thể không đủ chuyên sâu như ở các trường đại học. Còn ở Việt Nam, theo bạn, bộ môn này có nên đưa vào giảng dạy trong chương trình phổ thông hay không và tại sao?

Lan Trần: Mình nghĩ là rất nên đưa vào chương trình phổ thông tại vì học Tâm lý thì giúp ích cho mình rất nhiều. Thứ nhất mình có thể có thái độ cảm thông hơn với người khác. Mình có một câu chuyện như thế này. Ví dụ ở Việt Nam, khi nói về một người nào đó bị nghiện ngập thì mọi người thường đổ lỗi cho gia đình không tốt, hay là do bản thân người đó không có giáo dục, hay là bản thân tích cách người đó quá mềm yếu, nên mới dễ dàng rơi vào con đường nghiện ngập và bị người ta dụ dỗ. Nhưng khi mình học Tâm lý xong thì mình biết được là đôi khi có một vài người khi sinh ra thì bộ não của họ có cơ chế hoạt động khác với người khác. Bộ não của họ rất cần những chất gọi là chất kích thích, kích động người ta, có như vậy người ta mới cảm thấy hạnh phúc được. Thế nên khi mình biết được kiến thức này thì mình thực sự thấy rất ngạc nhiên tại vì trước giờ mình toàn đổ lỗi cho người khác. Sau này thì mình có một cách nhìn thông cảm hơn với rất nhiều người. Đó là bài học thứ nhất.

Bài học thứ hai là khi mình nhìn nhận một vấn đề, thì mình phải luôn luôn đặt câu hỏi lại là cái vấn đề đó có đúng hay không, và mình phải tìm cách nghiên cứu, tiếp cận như thế nào. Ở bên Mỹ có trường phái nghiên cứu gọi là Gratification. Người ta nghiên cứu là nếu người nào biết chờ đợi, thì sau đó người ta sẽ đạt được kết quả lớn hơn. Ví dụ trong thí nghiệm của nhà Tâm lý Maslow, ông đưa cho những đứa trẻ khoảng 3 tuổi một viên kẹo dẻo, ông nói là: “Bây giờ trước mặt có một viên kẹo nhưng bác sẽ đặt ở phòng, 20 phút nữa bác quay lại, nếu cháu đợi được cháu sẽ có 2 viên kẹo. Còn nếu cháu ăn ngay lập tức thì cháu sẽ mất viên kẹo thứ hai." Sau đó Maslow theo dõi sự phát triển của những đứa trẻ này những khoảng thời gian về sau, thì ông phát hiện là những đứa trẻ nào biết chờ đợi thì tương lai của chúng sau này sẽ tốt hơn.

Trong khi ở Việt Nam lại có một câu nói khá nổi tiếng là “sống là không chờ đợi.” Khi học xong thí nghiệm trên của Maslow thì khi mình đọc lại câu “sống là không chờ đợi,” nếu mình không học về Tâm lý thì mình sẽ không suy nghĩ gì về câu đó và coi nó hiển nhiên là đúng. Sau khi mình học Tâm lý xong thì mình nhìn được cái câu đó theo chiều hướng còn lại. Qua đó mình biết được là mình còn phải suy nghĩ về câu đó như thế nào.


VOA: Được biết tháng 8 vừa qua bạn có chuyến giao lưu với các bạn sinh viên khoa Tâm lý ở trường Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn thành phố Hồ Chí Minh. Trước chuyến đi bạn có trông đợi gì về buổi giao lưu, và sau khi giao lưu với các bạn sinh viên thì bạn có nhận xét gì?

Bạn Lan Trần cùng thảo luận với các bạn sinh viên
Bạn Lan Trần cùng thảo luận với các bạn sinh viên
Lan Trần: Thực ra trước khi đi mình có nói chuyện với các bạn sinh viên thì các bạn nói là các bạn không nắm rõ được các phương pháp nghiên cứu khoa học. Khi mình nói chuyện với một vài bạn làm đề tài nghiên cứu thì mình thấy hướng tiếp cận của các bạn khá là khác với lối tiếp cận ở bên Mỹ. Ở bên Mỹ, khi bạn bắt đầu nghiên cứu thì việc đầu tiên bạn làm là phải đặt được ra một giả thuyết, rồi bạn kiểm chứng xem giả thuyết đó đúng hay sai. Nhưng ở Việt Nam thì mình thấy các bạn còn khá mơ hồ. Các bạn chọn một chủ đề nhưng các bạn không biết cách đặt ra giả thuyết. Ví dụ tìm hiểu về động lực học tập của sinh viên Việt Nam chẳng hạn. Bạn ấy chọn chủ đề nhưng lại không biết cách đặt ra giả thuyết mà lại đi vòng vòng xung quanh chủ đề đó, giống như là một hoàng tử cầm cây kiếm xong vào khu rừng đâm tùm lum mà không biết công chúa ở đâu.

Sau khi mình đến buổi giao lưu, khi đi về thì mình có nghe được phản hồi của các bạn. Ở Việt Nam, đa phần mọi người không biết về phương pháp nghiên cứu vì thực ra đời sống sinh viên khá là khó khăn. Ở Việt Nam Tâm lý có hai ngành chính là Tâm lý trị liệu và Tư vấn nhân sự. Trong quá trình học các bạn mới chỉ nghĩ về làm thế nào được điểm cao, ra trường kiếm được việc làm chứ các bạn cũng chưa nghĩ tới việc phải phát triển nghiên cứu.

Nhưng trong số các bạn đó thì có một số ít các bạn sinh viên muốn tìm hiểu về nghiên cứu. Nhưng vì tài liệu của các bạn ở Việt Nam còn khá là ít. Ví dụ có vài bạn có phàn nàn với mình là hiện tại các trường đại học thì người ta có làm về đề tài nghiên cứu, nhưng sau đó những đề tài đó bị bỏ vào trong kho. Đây là một kho lưu trữ mà sinh viên không được phép đi vào đó để mà xem. Thế nên thứ nhất các bạn còn khá là lúng túng khi chọn đề tài không biết làm giả thuyết nên đi rất lung tung. Thứ hai là về SPSS. Ở Việt Nam các bạn học về nó còn khá sơ sài, chỉ có một lớp thôi. Trong khi đó ở Mỹ, nếu làm SPSS thì đôi khi bạn phải học cả năm thì bạn mới làm được cái phần mềm đó. Sau đó thì mình có giới thiệu với các bạn một dự án mà bọn mình đang làm, đó là tổng hợp lại các bài nghiên cứu của các bạn sinh viên Việt Nam học Tâm lý ở nước ngoài. Nhưng một thực tế là hầu hết các bài nghiên cứu đó viết bằng Tiếng Anh nên cũng có khó khăn với các bạn ở Việt Nam làm nghiên cứu.


VOA: Ở Việt Nam, theo bạn hiện giờ có vấn đề nào về Tâm lý cần được quan tâm chú ý nhất?

Lan Trần: Khi ở Việt Nam mình có nói chuyện với các thày cô dạy về Tâm lý thì mình thấy có chủ đề khá nổi trội ở Việt Nam đó là làm thế nào để phát triển các trò chơi dân gian đối với các trẻ em ở thành thị. Một trong những vấn đề cấp bách nhất đối với trẻ em thành thị đó là học thêm quá nhiều và không có thời gian phát triển vận động cơ thể. Tuy trẻ em được phát triển theo hướng học nhiều, nhưng về EQ (trí tuệ tình cảm) của các em bị thiếu hụt. Mình nghĩ là nếu mình tập trung những chủ đề về tâm lý phát triển thì sẽ khá là tốt và dễ thực hiện hơn so với những nghiên cứu mà hơi bị cao siêu hoặc cần nhiều phương thức khác.

VOA: Bạn có thể chia sẻ một kỉ niệm đáng nhớ nhất hay là vui nhất trong quá trình bạn học Tâm lý được không?

Lan Trần: Một kỉ niệm đáng nhớ nhất của mình đó là cách mình đối xử với những người khác. Năm vừa rồi mình có làm gia sư cho trường, thì một trong những bạn học sinh mình hay làm việc cùng nhất là một bạn bị tự kỉ. Tự kỉ thì có nhiều dạng. Có một số học sinh bị tự kỉ nhưng được giáo dục rất cẩn thận. Hệ thống giáo dục ở đây có thể giúp cho người ta lên được những bậc học cao, tuy là cần nhiều thời gian hơn chẳng hạn. Khi mình làm việc với bạn này thì một vấn đề rất là đơn giản nhưng mà mình phải giải thích rất là nhiều lần. Nhưng bạn đó thực sự là một người rất cố gắng. Mình nhớ có một lần, bạn đó là một dự án tuyên truyền về bệnh tự kỉ với cộng đồng sinh viên tại trường. Sau đó bạn đó có chia sẻ với mình là đôi khi học ở trường thì bạn đó cảm thấy rất khó khăn khi giao tiếp với người khác. Bạn ấy cũng không có bạn thân. Khi đó vì mình không biết cách người tự kỉ giao tiếp như thế nào nên mình mới tò mò hỏi lại bạn ấy là “bạn ơi, giờ mình không biết sao nhưng mà giả sử bạn gặp người khác lần đầu tiên, nếu bạn giới thiệu bạn là một người có bệnh tự kỉ thì có khi là người ta sẽ thay đổi và có cách ứng xử cho phù hợp với bạn chẳng hạn.” Trong quá trình nói chuyện với bạn đó thì tự dưng mình chột dạ và nhận ra một điều là mình dùng từ “normal people” (nghĩa là những người bình thường) và “you.” Tức là mình nhận ra là “chết rồi, nãy giờ không lẽ mình lại dùng cụm từ người bình thường để nói về chúng ta, trong khi ‘you’ lại là thành phần khác, là những bạn tự kỉ. Như vậy không lẽ nào mình lại tách biệt các bạn đó ra khỏi cộng đồng.” Đôi khi trong cuộc nói chuyện thì bạn ấy có thể nhận ra hoặc không nhận ra nhưng mà mình nghĩ là ở một mức độ nào đó đã tác động vào bạn ấy chẳng hạn.

VOA: Xin cám ơn bạn Lan rất nhiều, chúc Viet Psychology sớm đạt được các mục tiêu của mình. Chúc bạn và các thành viên của Viet Psychology cũng sẽ thành công trong công việc, cuộc sống bằng việc sử dụng những kiến thức Tâm lý mà các bạn được học.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG