Tòa án cao nhất của Liên Hiệp Quốc sẽ thụ lý vụ kiện lớn nhất trong lịch sử vào ngày 1/12, khi họ mở phiên xử kéo dài hai tuần về các nước trên thế giới có nghĩa vụ pháp lý là gì để chống lại biến đổi khí hậu và giúp các nước dễ bị tổn thương đấu tranh với tác động tàn phá của nó.
Sau nhiều năm vận động hành lang của các đảo quốc vốn lo sợ họ có thể biến mất do nước biển dâng, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi năm ngoái đã yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) cho ý kiến về ‘nghĩa vụ của các nước đối với biến đổi khí hậu’.
“Chúng tôi muốn tòa xác nhận rằng hành vi tàn phá khí hậu là bất hợp pháp,” Margaretha Wewerinke-Singh, người đứng đầu nhóm pháp lý của quốc đảo Vanuatu ở Thái Bình Dương, nói với AP.
Trong thập kỷ tính đến năm 2023, mực nước biển toàn cầu đã tăng trung bình khoảng 4,3 cm, trong đó ở Thái Bình Dương vẫn tăng cao hơn. Thế giới cũng đã ấm lên 1,3 độ C kể từ thời tiền công nghiệp vì đốt nhiên liệu hóa thạch.
Vanuatu là một trong số các nước nhỏ thúc đẩy can thiệp pháp lý quốc tế vào cuộc khủng hoảng khí hậu.
“Chúng tôi đang sống ở tuyến đầu của tác động của biến đổi khí hậu. Chúng tôi là nhân chứng cho sự tàn phá đất đai, sinh kế, văn hóa và nhân quyền của chúng tôi,” đặc phái viên về biến đổi khí hậu của Vanuatu, ông Ralph Regenvanu, nói với các phóng viên trước phiên xử.
Bất kỳ quyết định nào của tòa án sẽ là lời khuyên không ràng buộc về pháp lý và không thể trực tiếp buộc các nước giàu có phải hành động để giúp đỡ các nước đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, nó sẽ không chỉ là một biểu tượng mạnh mẽ vì nó có thể làm cơ sở cho các hành động pháp lý khác, bao gồm các vụ kiện trong nước.
Vào ngày 1/12, trước phiên xử, các nhóm vận động đã tập hợp các tổ chức môi trường từ khắp nơi trên thế giới. Tổ chức Sinh viên Quần đảo Thái Bình Dương chống biến đổi khí hậu – những người đầu tiên đưa ra ý tưởng yêu cầu Tòa án cho ý kiến – cùng tổ chức Thanh niên Thế giới vì Công lý Khí hậu lên kế hoạch sẽ có các bài diễn văn, âm nhạc và thảo luận trong buổi chiều.
Từ ngày 2/12, tòa án có trụ sở tại The Hague sẽ lắng nghe ý kiến từ 99 nước và hơn một chục tổ chức liên chính phủ trong hai tuần. Đây là màn xuất hiện đông đảo nhất trong lịch sử gần 80 năm của tổ tòa án này.
Hồi háng trước, tại hội nghị khí hậu thường niên của Liên Hợp Quốc, các quốc gia đã cùng nhau đạt được thỏa thuận về cách các nước giàu có thể hỗ trợ các nước nghèo đối mặt với thảm họa khí hậu. Các nước giàu đã đồng ý góp ít nhất 300 tỷ đô la Mỹ mỗi năm vào năm 2035 nhưng số này còn thiếu 1,3 nghìn tỷ đô la mà các chuyên gia và các quốc gia bị đe dọa cho là cần thiết.
“Đối với thế hệ chúng ta và đối với Quần đảo Thái Bình Dương, khủng hoảng khí hậu là một mối đe dọa sống còn. Đó là vấn đề sống còn, và các nền kinh tế lớn nhất thế giới không nghiêm túc xem xét cuộc khủng hoảng này. Chúng tôi cần ICJ bảo vệ quyền của người dân trên tuyến đầu,” Vishal Prasad, thuộc tổ chức Sinh viên Quần đảo Thái Bình Dương chống biến đổi khí hậu, nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo.
Mười lăm thẩm phán từ khắp nơi trên thế giới sẽ tìm câu trả lời cho hai vấn đề: Các quốc gia có nghĩa vụ phải làm gì theo luật pháp quốc tế để bảo vệ khí hậu và môi trường trước khí thải nhà kính do con người gây ra? Và hậu quả pháp lý đối với các chính phủ là gì nếu hành vi của họ, hoặc việc họ không làm gì, đã gây tổn hại đáng kể đến khí hậu và môi trường?
Vấn đề thứ hai đề cập đến ‘các đảo quốc nhỏ đang phát triển’ có khả năng bị biến đổi khí hậu ảnh hưởng nặng nề nhất và đến các thành viên của ‘các thế hệ hiện tại và tương lai bị ảnh hưởng bởi các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu’.
Các thẩm phán thậm chí còn được cơ quan biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, trình bày về mặt khoa học giải thích cho sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu trước các phiên xử.
Vụ kiện tại ICJ diễn ra sau một số phán quyết trên khắp thế giới yêu cầu các chính phủ phải làm nhiều hơn nữa để giảm phát thải khí nhà kính.
Vào tháng Năm, một tòa án của Liên Hợp Quốc về luật biển nói rằng lượng khí thải carbon đủ điều kiện để được xem là gây ô nhiễm biển và các quốc gia phải thực hiện các bước để thích ứng và giảm thiểu tác động bất lợi của chúng.
Phán quyết đó được đưa ra một tháng sau khi tòa án nhân quyền cao nhất châu Âu nói rằng các quốc gia phải bảo vệ người dân của họ tốt hơn trước hậu quả của biến đổi khí hậu, trong một phán quyết mang tính bước ngoặt có thể có tác động trên khắp lục địa.
Hà Lan, nơi đặt trụ sở ICJ, đã làm nên lịch sử khi một tòa án phán quyết vào năm 2015 rằng được bảo vệ trước những tác động tàn phá tiềm tàng của biến đổi khí hậu là quyền con người và chính phủ có nghĩa vụ bảo vệ công dân của mình. Phán quyết được Tòa án Tối cao Hà Lan giữ nguyên vào năm 2019.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1
Diễn đàn