Thấy gì từ cuộc tiếp xúc của ông Trọng ở Washington?
Trước hết, ngày thứ Ba là một ngày đặc biệt bận bịu cho VOA Việt ngữ (từ những phóng viên túc trực ở Tòa Bạch Ốc cho tới những người liên tục cập nhật video và hình ảnh mới nhất gửi đến các bạn).
“Thú vị,” “sâu sắc,” “ngỡ ngàng,” “kỳ diệu,” “hết sức tâm đắc” – đó là những từ mà Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã dùng trong phát biểu với Tổng thống Obama và trong bài diễn văn đọc trước bữa tiệc chiêu đãi do Phó Tổng thống Joe Biden chủ trì.
Một thông điệp rõ ràng: Việt Nam rất hài lòng về những bước tiến đạt được trong mối quan hệ song phương với Mỹ và mong muốn hai nước tiếp tục vun đắp mối quan hệ này.
Khi ngồi trong Phòng Bầu dục, thông điệp này được truyền tải rành mạch và từ tốn tới Tổng thống Obama.
Tại tiệc chiêu đãi, dù ông Trọng đọc từ bài diễn văn được chuẩn bị sẵn và thỉnh thoảng ngước nhìn cử tọa, ngữ điệu lên xuống cùng với việc nhấn mạnh một số từ cho thấy ông Trọng có vẻ muốn làm nổi bật thông điệp này hơn.
Nói cách khác, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam dường như tin tưởng vào mối quan hệ “đặc biệt” này với nước từng là cựu thù thời chiến.
Và ông Trọng cũng có vẻ thoải mái với sự tiếp đón của người Mỹ, ít nhất là ở bề ngoài.
Chắc chắn Bắc Kinh sẽ để ý kỹ chuyến công du này, và không rõ liệu họ có ‘đọc’ tinh thần “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai” mà ông Trọng đã dõng dạc nêu trong bài diễn văn là “16 chữ vàng” mà Việt Nam chia sẻ với Mỹ hay không.
Nhưng câu hỏi quan trọng là, liệu chuyến đi này của ông Trọng có phải là chỉ dấu - dù chỉ là nhỏ nhất - cho sự chuyển biến tư duy chiến lược trong quan hệ tay ba giữa Việt Nam, Hoa Kỳ và Trung Quốc hay không?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với Tổng thống Obama về những vấn đề 'vướng mắc'
Việc Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ và có cuộc gặp với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm 7/7 được xem là một sự kiện nổi bật trong bối cảnh kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt–Mỹ. Bên cạnh những vấn đề hợp tác thương mại, kinh tế, giáo dục…, những vấn đề nóng được nhiều người quan tâm theo dõi qua sự kiện này là việc thúc đẩy ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vấn đề Biển Đông và nhân quyền.