Đường dẫn truy cập

TT Biden ‘lẩy’ Kiều ở Hà Nội; TBT Trọng dành 16 chữ ‘vàng’ cho quan hệ Việt-Mỹ


Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) phát biểu tại buổi tiệc chiêu đãi của Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng (thứ nhất từ phải) tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội hôm 11/9.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) phát biểu tại buổi tiệc chiêu đãi của Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng (thứ nhất từ phải) tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội hôm 11/9.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đọc hai câu thơ trong truyện Kiều của Nguyễn Du khi dự tiệc chiêu đãi của Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng, trong khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra 16 chữ cho phương châm mối quan hệ Việt-Mỹ khi hai cựu thù nâng cấp lên tầm đối tác chiến lược cao nhất.

Truyền thông Việt Nam cho biết, Chủ tịch Thưởng đã tiếp và chủ trì tiệc chiêu đãi Tổng thống Biden hôm 11/9 trong ngày cuối cùng của chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của ông Biden tới Việt Nam.

Trước đó, ông Biden đã gặp ông Trọng và cùng người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra tuyên bố lịch sử về việc nâng cấp mối quan hệ đối tác vượt hai bậc lên mức chiến lược toàn diện.

Tại buổi tiếp ông Biden tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, ông Thưởng được VietNamNet trích lời nói với người đứng đầu Nhà Trắng rằng 5 tháng sau ngày Việt Nam giành được độc lập vào năm 1946 từ tay người Pháp, chủ tịch Việt Nam lúc đó, ông Hồ Chí Minh “đã gửi thư cho Tổng thống (Harry) Truman bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ ‘hợp tác đầy đủ’ với Mỹ.” Tuy nhiên, theo ông Thưởng, “do những điều kiện, hoàn cảnh của lịch sử, mong muốn ấy đã trải quan nhiều thác ghềnh, thử thách.”

Cũng đưa tin về buổi chiêu đãi, VnExpress cho biết ông Thưởng nói với Tổng thống Biden rằng mối quan hệ Việt-Mỹ “chưa bao giờ phát triển tốt đẹp như ngày nay, từ cựu thù trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện.” Chủ tịch Việt Nam gọi đây là “hình mẫu trong lịch sử quan hệ quốc tế về hàn gắn và xây dựng quan hệ sau chiến tranh.”

Đáp lại Chủ tịch Việt Nam, Tổng thống Mỹ dùng hai câu thơ trong chuyện Kiều của đại thi hào danh tiếng nhất của Việt Nam: “Vinh hoa bõ lúc phong trần / Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày.” Theo VietNamNet và VnExpress, Tổng thống Biden cho rằng “đây là ngày chúng ta có thể cảm nhận được vinh hoa và ấm áp của những cơ hội vô hạn mở ra trước mắt chúng ta.”

Ông Biden cũng từng “lẩy Kiều” trước đây, khi tiếp đón Tổng bí thư Trọng tại Washington hồi năm 2015 khi ông là phó tổng thống Mỹ. Lúc đó ông Biden dùng hai câu thơ “Trời còn để có hôm nay / Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời” khi chủ trì tiệc trưa chào đón ông Trọng thăm chính thức Mỹ. Ông Trọng lúc đó trở thành lãnh đạo Đảng Cộng sản đầu tiên được tiếp đón tại Nhà Trắng.

Thơ Kiều cũng đã được Tổng thống Barack Obama dùng khi phát biểu tại Hà Nội trong chuyến thăm vào năm 2016, khi quan hệ Việt-Mỹ nồng ấm lên nhanh chóng với việc ông Obama tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Với hai câu Kiều: “Rằng trăm năm cũng từ đây / Của tin gọi một chút này làm ghi”, ông Obama ngụ ý một sự cam kết lòng tin khi khép lại bài phát biểu trước hàng nghìn người ở Hà Nội khi đó.

Trước đó vào năm 2000, Tổng thống Bill Clinton cũng đã mượn các câu thơ Kiều với hình ảnh “sen tàn” và “cúc nở hoa” để nói về quan hệ Mỹ-Việt chuyển từ cựu thù sang bạn bè với những cơ hội hợp tác khi ông trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên tới Việt Nam sau khi chiến tranh kết thúc.

Còn trong cuộc họp với Tổng thống Biden hôm 10/9, ông Trọng đã mượn lời đại thi hào người Ireland William Yeats với câu thơ “Khi nghĩ về nơi khởi đầu và kết thúc của những vầng sáng đẹp / Tôi nói rằng đó là nơi của những người bạn tôi.” Đáp lại, Tổng thống Biden kể lại câu chuyện cho thấy ông là người thích trích dẫn thơ của các thi hào Ireland mà ông cho là “những nhà thơ hay nhất thế giới.”

Ông Trọng mô tả mối quan hệ Việt-Mỹ với 16 từ “Gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai,” trong buổi tiếp ông Biden, theo báo Nhân Dân. Tờ báo của Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết ông Trọng nhấn mạnh “sự hiểu biết lẫn nhau, hoàn cảnh của nhau, tôn trọng các lợi ích chính đáng của nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau luôn có ý nghĩa quan trọng." Ông Trọng gọi 16 chữ này là “phương châm đặc thù cho sự phát triển quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.”

Toàn văn tuyên bố chung được Tổng thống Biden và Tổng bí thư Trọng đưa ra hôm 10/9 nói rằng hai bên nhấn mạnh các nguyên tắc nền tảng định hướng quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, trong đó có “tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.”

Mối quan hệ được xem là “khăng khít” giữa Việt Nam và Trung Quốc, hai quốc gia do Đảng Cộng sản cầm quyền, cũng được mô tả bằng 16 chữ mà hai bên gọi là phương châm “vàng”, được Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đưa ra khi thăm Trung Quốc năm 1999. Đó là “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai.” Ngoài ra, Việt Nam và Trung Quốc còn có thỏa thuận tinh thần “4 tốt”, khi Chủ tịch Trần Đức Lương thăm Trung Quốc năm 2000, để đưa hai nước thành “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt.”

Với việc nâng cấp mối quan hệ lên tầm cao nhất, Mỹ giờ đây trở thành đối tác chiến lược toàn diện thứ 5 của Việt Nam, bên cạnh Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc.

Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, Tổng thống Biden còn gặp mặt Thủ tướng Phạm Minh Chính. Theo báo Điện tử Chính phủ, trong buổi gặp hôm 11/9 tại Trụ sở Chính phủ ở Hà Nội, Thủ tướng Chính khẳng định lại lập trường nhất quán của Việt Nam coi Mỹ là một đối tác có tầm quan trọng chiến lược và hoan nghênh Hoa Kỳ ủng hộ một Việt Nam mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng.

Cũng trong ngày 11/9, ông Biden đã gặp mặt Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong bữa tiệc trưa cấp nhà nước tại trụ sở Quốc hội ở Hà Nội. Nhà Trắng cho biết, hai nhà lãnh đạo "thảo luận về ý nghĩa lịch sử của chuyến thăm này đối với mối quan hệ song phương và các cơ hội hợp tác trong tương lai theo quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện mới."

Trong hoạt động cuối cùng ở Hà Nội trước khi kết thúc chuyến thăm được xem là lịch sử của Tổng thống Biden tới Việt Nam, người đứng đầu Nhà Trắng hôm 11/9 đã tới thăm và đặt vòng hoa trước bức phù điêu tưởng niệm cố Thượng Nghị sỹ John McCain tại Hồ Trúc Bạch.

Trước đó tại cuộc họp báo chung với ông Trọng tối ngày 10/9, ông Biden nhắc tới ông McCain trong số những người đã đóng góp cho việc bình thường hóa và phát triển mối quan hệ giữa hai cựu thù trong hàng chục năm qua, theo Tuổi Trẻ.

TNS McCain, người mà Tổng thống Biden xem là một người bạn, qua đời ngày 25/8/2018, sau hơn một năm chống chọi bệnh ung thư não. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, khi gửi lời chia buồn tới gia đình ông lúc đó, nói rằng ông McCain “là đại diện tiêu biểu cho thế hệ nghị sĩ - cựu binh chiến tranh Việt Nam, là người đi đầu và có nhiều đóng góp to lớn trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh, bình thường hóa và xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt – Mỹ.”

Trong một loạt các đăng tải trên mạng xã hội X, trước đây là Twitter, về chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Biden chia sẻ hình ảnh gặp Tổng bí Thư Trọng và cho biết rằng Mỹ và Việt Nam sẽ “tiếp tục làm việc cùng nhau để đạt được những mục tiêu chung là hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững.”

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG