Nhà chức trách Trung Quốc bắt đầu mạnh tay trấn áp các ý kiến bất đồng bình luận trên mạng xã hội, phản đối việc giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc tìm các sửa đổi hiến pháp để hủy bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ lãnh đạo cho chức vụ chủ tịch.
Hàng loạt các từ khóa bị chặn trên mạng như “sửa đổi hiến pháp”, “quy định của hiến pháp”, “hoàng đế”, thậm chí cụm từ “tôi không đồng ý” cũng bị kiểm duyệt trên trang mạng xã hội SinaWeibo.
Nhiều người rất ngạc nhiên trước tuyên bố này và liên tục phản đối trên mạng, bất chấp việc chính phủ tìm cách bịt miệng các tiếng nói phản kháng.
Thông báo này đưa ra không đầy một tuần trước khi Quốc hội Nhân dân Trung Quốc bắt đầu nhóm họp. Trong kỳ họp quốc hội dự kiến kéo dài đến khoảng giữa tháng 3, nhiều khả năng đề xuất xóa giới hạn nhiệm kỳ hai năm của chủ tịch Trung Quốc sẽ trở thành hiện thực.
Mặc dù truyền thông theo ý đảng cho biết việc sửa đổi này nhận được sự đồng tình lớn của công chúng, nhưng vẫn còn điều cần thảo luận thêm.
Trên mạng xã hội, một số cụm từ và bình luận vừa đăng lên thì ngay lập bị gỡ xuống. Tuy nhiên, các cụm từ bằng tiếng Hoa như "nhiệm kỳ suốt đời", "hoàng đế” và "không đồng ý" thì bị chặn ngay lập tức khi được đăng lên mạng.
Một số bình luận cũng vượt qua được sự kiểm duyệt của chính quyền, theo đó một số nói rằng việc điều chỉnh này hầu mở đường cho ông đương kim Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục nắm quyền không giới hạn là một bước lùi, một số khác bình luận rằng Trung Quốc đang trở nên giống như chế độ Triều Tiên.
Trong một bình luận, một người sử dụng mạng nói: "5.000 năm văn minh và chỉ trong một đêm, một bước lùi 5.000 năm."
Một số khác bình luận rằng đề xuất cho ông Tập nắm quyền vô thời hạn làm tăng lo ngại rằng Trung Quốc sẽ quay lại thời kỳ Mao Trạch Đông, một số khác nói rằng ông Tập muốn trở thành hoàng đế Trung Hoa cho đến hết đời.
Freedom House, một nhóm vận động quyền tự do có trụ sở ở New York, cảnh báo rằng việc bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ là một dấu hiệu cho thấy sự kiểm soát và đàn áp của ông Tập có vẻ sẽ tồi tệ hơn.
Trong một tuyên bố, ông Michael Abramowitz, Chủ tịch của tổ chức Freedom House cho biết quyết định này gửi đi một thông điệp lạnh lùng đến các tiếng nói dân chủ ở Hồng Kông và Đài Loan, cả hai nơi đều chịu sức ép từ Bắc Kinh.
Ông nói rằng điều này cũng "báo hiệu rằng Bắc Kinh đang cố tạo ra một trật tự thế giới mới, trong đó các thể chế và chuẩn mực dân chủ chỉ đóng vai trò nhỏ hoặc không có vai trò gì."
Các phương tiện truyền thông do đảng kiểm soát ở Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ các tiếng nói phản kháng cho rằng đề xuất sửa đổi này nhằm giúp cho ông Tập trở thành hoàng đế kế tiếp hoặc lãnh tụ suốt đời của Trung Quốc.
Willy Lam, một cựu quan sát viên các vấn đề Trung Quốc có trụ sở tại Hồng Kông nói rằng có vẻ như ông Tập sẽ tại vị nhiệm kỳ thứ ba cho đến năm 2028, và có lẽ đến năm 2033, nếu sức khoẻ cho phép. Khi đó, ông Tập sẽ được 80 tuổi.
Việc Trung Quốc tìm cách sửa đổi hiến pháp, mở đường cho Chủ tịch Tập Cận Bình “nắm quyền vĩnh viễn”, cũng gây chú ý dư luận tại nước láng giềng Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Nhã, một người nghiên cứu về quan hệ Việt – Trung, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng sự kiện ở nước láng giềng phương Bắc cũng sẽ khiến “Việt Nam bị ảnh hưởng” do ông Tập là người “cứng rắn.”
Truyền thông nhà nước Việt Nam cũng đăng tải nhiều bài viết về quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Trung Quốc. Báo điện tử VnExpress chạy tít: “Sửa hiến pháp, Trung Quốc có thể giúp ông Tập nắm quyền lực tuyệt đối.”