Triều Tiên và Mỹ đưa ra lời tường thuật trái ngược nhau về nguyên nhân thất bại của cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ở Hà Nội hôm 28/2 do bất đồng về các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.
Thất bại của Hội nghị Hà Nội đã đặt ra dấu chấm hỏi về tương lai của các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân của Triều Tiên.
Tổng thống Trump cho biết các cuộc thảo luận ở Hà Nội đã có bước tiến lớn trong việc xây dựng mối quan hệ và trên vấn đề chính là phi hạt nhân hóa, tuy nhiên điều quan trọng là không nên vội vã ký kết một thỏa thuận tồi. Ông cho biết ông rời khỏi bàn đàm phán bởi vì những yêu sách không thể chấp nhận được của Triều Tiên.
“Tất cả mọi việc là về các lệnh cấm vận,” ông Trump cho biết tại một cuộc họp báo sau khi cuộc gặp bị cắt ngắn. “Về cơ bản, họ muốn dỡ bỏ toàn bộ các lệnh trừng phạt mà chúng tôi thì không thể làm thế.”
Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo được tổ chức vào giữa đêm ở Hà Nội chỉ vài giờ sau khi ông Trump đã rời Việt Nam, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho cho biết nước ông chỉ yêu cầu dỡ bỏ một phần các lệnh cấm vận và đã đưa ra một đề xuất rất thực tế, bao gồm dỡ bỏ cơ sở hạt nhân chính của họ ở Yongbyon.
Hoa Kỳ đòi Triều Tiên thực hiên ‘thêm một’ việc nữa ngoài việc tháo dỡ khu Yongbyon, Ngoại trưởng Ri cho biết. Ông nói rằng nếu Washington dỡ bỏ một phần các lệnh cấm vận thì Triều Tiên sẽ chấm dứt vĩnh viễn toàn bộ việc sản xuất vật liệu hạt nhân, bao gồm plutonium và uranium, dưới sự giám sát của Mỹ.
“Đây là bước giải trừ hạt nhân lớn nhất mà chúng tôi có thể thực hiện dựa trên mức độ tin tưởng hiện tại giữa hai nước,” ông Ri nói trong một cuộc trao đổi hiếm hoi giữa một quan chức Bắc Triều Tiên và các phóng viên. “Thật ra, trong lúc chúng tôi có những bước đi hướng tới phi hạt nhân hóa, vấn đề quan trọng nhất là an ninh cho chúng tôi nhưng chúng tôi nghĩ rằng sẽ nặng nhọc hơn cho Mỹ nếu bắt họ có những bước đi về quân sự - đó chính là lý do tại sao chúng tôi cho rằng dỡ bỏ một phần các lệnh cấm vận là một hành động tương ứng,” ông Ri nói.
Ông nhấn mạnh rằng lập trường của Bình Nhưỡng sẽ không lay chuyển cho dù Washington có đề xuất tiếp tục đàm phán.
Hai ông Trump và Kim đã cắt ngắn cuộc hội đàm, bỏ qua một bữa ăn trưa làm việc theo lịch trình tại khách sạn Metropole sau các cuộc thảo luận vào buổi sáng ngày 28/2.
“Đôi khi anh cần phải bỏ đi, và đây là một trong những lúc như vậy,” ông Trump nói.
Thất bại tại hội nghị Hà Nội đánh dấu một bước lùi của ông Trump người đang chịu áp lực ở trong nước với cuộc điều tra về sự thông đồng trong chiến dịch tranh cử của ông với Nga và sự khai chứng của luật sư riêng của ông, ông Michael Cohen, trước Quốc hội.
Đàm phán sụp đổ với Triều Tiên đặt ra dấu hỏi về sự chuẩn bị của chính quyền Trump và về điều mà một số nhà chỉ trích cho là phong cách ngoại giao cá nhân hời hợt của ông Trump.