Bắc Kinh và Đài Bắc đang theo dõi cuộc chiến Ukraine. Tập Cận Bình nhìn thấy những trở ngại: Quân, dân Ukrain đề kháng dũng mãnh; Mỹ và NATO đoàn kết cùng hỗ trợ; và Vladimir Putin đang chịu đựng cuộc tấn công kinh tế nặng nhất từ xưa đến nay.
Ở Đài Loan, bà Thái Anh Văn tỏ vẻ lạc quan: “Nhìn Ukraine kháng cự với quân Nga, chúng ta càng thêm tin tưởng vào khả năng của chính mình.”
Bà tổng thống tin tưởng hơn vì thấy Ukraine đang kháng Nga theo lối mà quân đội Đài Loan đã chuẩn bị. Bộ trưởng Quốc phòng Khâu Quốc Chính (Chiu Kuo-cheng, 邱國正) mới trình bày trước quốc hội diễn tiến một cuộc tấn công của Trung Cộng và chiến lược đối phó của Trung Hoa Dân Quốc. Quân Nga có thể đánh Ukraine theo đường bộ, Đài Loan khác vì có một eo biển ngăn cách với lục địa. Trước khi tấn công, Trung Cộng sẽ phải huy động hàng trăm ngàn quân với vũ khí ra bờ biển, Đài Loan sẽ biết trước được mấy tháng để phòng ngự. Vladimir Putin đã tính tiêu diệt quân đội và chính phủ Ukraine trong hai ngày, Tập Cận Bình cũng sẽ tìm cách tấn công chớp nhoáng.
Quân lực Trung Cộng đông gấp 12 lần Đài Loan; chi phí quốc phòng $250 tỷ mỹ kim mỗi năm, Đài Loan chỉ tiêu ra $11 tỷ. Các đảo Kim Môn, Mã Tổ do Trung Hoa Dân Quốc kiểm soát chỉ cách lục địa mấy chục cây số. Thời 1960 Mao Trạch Đông đã liên tiếp nã đại pháo từ Phúc Kiến qua các đảo đó nhiều lần nhưng chưa bao giờ tấn công.
Ông Khâu Quốc Chính đặt câu hỏi: “Họ có thể đánh chiếm đảo Kim Môn và các hòn đảo khác nhưng tại sao không đánh?” Ông trả lời: “Bởi vì khi tấn công, họ phải làm sao thắng rất nhanh. Nếu không, họ sẽ lâm vào tình trạng (sa lầy) như Nga ở Ukraine.” Nếu không thắng nhanh là Trung Cộng thất bại. Ông Khâu tiên đoán nếu đánh Trung Cộng sẽ bắt đầu tấn công bằng những hỏa tiễn tầm xa chính xác để phá các căn cứ, phi trường, hải cảng quân sự. Cùng một lúc, các tàu và máy bay chiến đấu Trung Cộng cũng đánh, chiếm các hòn đảo ven biển và đại quân đồng loạt tiến qua eo biển. Chính phủ Đài Loan đã chuẩn bị chiến lược phòng ngự, không dự trù có quân nước nào đến cứu.
Bộ tham mưu quân đội Đài Loan dùng chiến lược “lấy ít đánh nhiều, lấy yếu đánh mạnh” (asymmetric warfare), được bà Thái Anh Văn ủng hộ. Chiến lược chú trọng đến các đơn vị nhỏ di động nhanh chóng, phân tán và tự lập, quân địch khó tiêu diệt. Bộ tham mưu quân đội Đài Loan nhận thấy Ukraine đang sử dụng đúng chiến lược “Lấy ít Đánh nhiều” với quy tắc dùng rất nhiều lực lượng nhỏ và di động nhanh.
Trung Cộng sẽ phải đưa hàng trăm ngàn quân vượt qua eo biển, với các chiến xa và vũ khí nặng; trở thành mục tiêu cho các hỏa tiễn và máy bay thả bom, được hướng dẫn qua các vệ tinh nhân tạo. Phối hợp một cuộc đổ bộ sẽ vô cùng khó khăn. Bờ biển Đài Loan có một số bãi có thể đổ quân đã được chọn xây dựng pháo đài phòng vệ. Sẽ gài các thủy lôi và đặt sẵn những chướng ngại vật dưới đáy biển tại các nơi dự trù tàu đổ bộ của bên địch sẽ tiến vào. Nhiều tàu nhỏ chạy nhanh trang bị bằng hỏa tiễn bắn chiến hạm đi tuần tiễu thường xuyên. Khi quân địch bước lên bờ, sẽ phải đối đầu với các chiến xa gắn hỏa tiễn chính xác. Những vũ khí như hỏa tiễn bắn gần và bắn thẳng và bay thấp (cruise), có thể đặt trên những thiết giáp phân tản và trú ẩn khắp nơi.
Chiến lược phòng thủ của Đài Loan gồm ba yếu tố: bảo vệ lực lượng của mình, xây dựng khả năng chiến tranh quy ước, tiêu diệt địch quân ngay tại bờ biển. Quân đội Đài Loan sẽ dùng chiến thuật di động nhanh, ẩn náu kỹ, phá hệ thống thông tin của địch; công binh sẵn sàng sửa chữa các chiến cụ bị hư thật nhanh; khi tấn công thì đánh vũ bão để chặn đường quân địch. Trong tuần qua, bộ quốc phòng Đài Loan cho biết sẽ tăng gấp đôi số sản xuất, lên 500 hỏa tiễn mỗi năm, bắt đầu từ năm nay. Để nâng cao khả năng chiến tranh quy ước, Đài Loan đã mua 66 phi cơ chiến đấu F-16, 108 chiến xa Abram M1A2, những vũ khí dễ sử dụng, dễ sửa chữa.
Nhưng liệu Trung Cộng có tấn công Đài Loan hay không?
Đánh chiếm Đài Loan khó hơn Ukraine rất nhiều vì Đài Loan đã sẵn sàng chiến lược kháng cự từ mấy chục năm nay, trong thời gian mà Ukraine hoàn toàn không chuẩn bị.
Tập Cận Bình vẫn tuyên bố sẽ thống nhất Đài Loan với Trung Quốc bằng các biện pháp hòa bình mặc dù phi cơ chiến đấu Trung Cộng vẫn liên tục thao diễn trên eo biển, có khi bay sát không phận Đài Loan, kể cả trong ngày 24 tháng Hai, khi quân Nga bắt đầu tiến vào Ukraine.
Nhưng Tập Cận Bình không thấy bị đe dọa như Putin cảm thấy trước cảnh khối NATO bành trướng. Năm 2008, Tổng thống Bush đã tuyên bố ở Romania rằng khối NATO có thể mở rộng thâu nhận Georgia và Ukraine, Vladimir Putin bắt đầu lo lắng và chuẩn bị phản công từ năm đó. Khi các nước trên chuẩn bị gia nhập Liên hiệp Âu châu và tỏ ý muốn gia nhập NATO thì Putin thấy nguy hiểm, phải bắt đầu ngăn chặn. Nga đã đánh Georgia rồi chiếm đảo Crimea của Ukraine, lập ra các vùng ly khai ở hai nước. Hiện nay không có một liên minh quân sự nào ở vùng Á Đông nhắm vào Trung Quốc. Nếu đánh Đài Loan, Trung Cộng có thể sẽ thấy các nước Mỹ, Nhật, Nam Hàn, Úc, và cả Ấn Độ kết hợp chặt chẽ hơn, sẽ phải đối phó với một liên minh quân sự mới.
Nếu Trung Cộng đánh Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc cho tới Australia sẽ bị đe dọa. Nếu Đài Loan bị Trung Cộng chiếm, Nhật Bản và Nam Hàn sẽ không còn được bảo vệ như bây giờ nữa vì các hạm đội Mỹ không thể di chuyển nhanh chóng từ phía Nam Thái Bình Dương lên phía Bắc. Cựu thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã nhấn mạnh Đài Loan ổn định là điều thiết yếu đối với an ninh nước Nhật. Ấn Độ đang tranh chấp biên giới với Trung Cộng trong vùng Hy Mã Lạp Sơn cảm thấy bất an trên vùng biển. Tất cả các nước đó sẽ hợp tác cùng bao vây kinh tế Trung Quốc!
Một mối lo khác của Trung Cộng là Nhật Bản đang có khuynh hướng xóa bỏ chính sách hòa bình được ghi trong hiến pháp. Đánh Đài Loan sẽ khiến cho dân Nhật cảm thấy bất an. Khi nước Nhật đổi chiều, tái võ trang, Trung Cộng sẽ chịu thêm một mối đe dọa.
Nhưng điều quan trọng nhất khiến Tập Cận Bình ngần ngại không dám đánh Đài Loan là tình trạng kinh tế Nga đang suy sụp vì bị cấm vận. Những nước lớn như Mỹ, Anh, Đức, Nhật, cho đến các nước nhỏ như Lithuania, Moldova, Thụy Sĩ, Singapore đồng tâm cắt đứt hệ thống ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống tài chánh quốc tế. Mỹ chấm dứt mua dầu của Nga, các nước Âu châu cũng đang chuẩn bị tự túc về năng lượng. Dù cuộc chiến Ukraine diễn biến thế nào thì vòng đai phong tỏa đó vẫn còn áp dụng rất lâu, nước Nga sẽ hoàn toàn bị cô lập.
Nga giao thương với nước ngoài rất ít, trong khi kinh tế Trung Quốc ràng buộc chặt chẽ với các nước Tây phương cũng như Nhật Bản, Nam Hàn. Đài Loan là nơi sản xuất các chíp điện tử cung cấp cho một nửa nhu cầu thế giới. Nếu Trung Cộng đánh, cuộc chiến sẽ kéo dài cả năm hay lâu hơn, các nước khác sẽ phản ứng, tiến tới một cuộc phong tỏa kinh tế toàn cầu.
Trước viễn ảnh đó, Trung Cộng khó tính chuyện đánh Đài Loan. Cuối năm nay, đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ họp đại hội tấn phong Tập Cận Bình làm chủ tịch đảng và chủ tịch nước lần nữa, rồi sẽ kéo dài vĩnh viễn. Kinh tế Trung Cộng đang phát triển chậm hơn trước. Đây không phải là lúc khởi đầu một cuộc phiêu lưu quân sự.