Trung Quốc có ‘niềm tin’ để làm việc với Mỹ trong việc giải quyết tranh chấp thương mại, Bộ Ngoại giao nước này cho biết hôm 7/1 trong khi quan chức của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nối lại các cuộc đàm phán hầu chấm dứt bất đồng thương mại.
Các quan chức Mỹ gặp các đối tác đàm phán ở Bắc Kinh trong tuần này trong các cuộc đàm phán mặt đối mặt đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý hưu chiến thương mại trong vòng 90 ngày.
Hôm 6/1, ông Trump đã nói rằng các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc đang diễn ra rất tốt đẹp và nền kinh tế hiện suy yếu của Trung Quốc là lý do khiến Bắc Kinh phải đạt được thỏa thuận.
Hôm 7/1, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói trên đài NBC rằng các cuộc đàm phán đang được tổ chức ở cấp phù hợp và sẽ quyết định cách chính quyền tiến về phía trước như thế nào.
Ông Ross nói rằng ông thấy ‘có cơ hội rất cao rằng chúng ta có thể đạt được một thỏa thuận hợp lý mà Trung Quốc có thể chấp nhận, chúng ta có thể chấp nhận và giải quyết được tất cả những vấn đề chủ chốt’. Ông cũng nói thêm rằng cách dễ nhất là giải quyết giao thương trước mắt nhưng khó hơn là giải quyết những vấn đề thực thi và những cải cách mang tính hệ thống như quyền sở hữu trí tuệ và quyền tiếp cận thị trường.
Hai phía đồng ý tổ chức những cuộc đối thoại ‘tích cực và xây dựng’ để giải quyết tranh chấp kinh tế và thương mại trong khuôn khổ sự đồng thuận mà các nhà lãnh đạo của họ đã đạt được, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói trong cuộc họp báo thường kỳ.
“Ngay từ đầu chúng tôi đã tin tưởng rằng tranh chấp thương mại Trung-Mỹ không phải là điều tích cực cho cả hai nước và đối với kinh tế thế giới. Trung Quốc có niềm tin giải quyết tranh chấp thương mại song phương trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế nhập khẩu lên hàng hóa Trung Quốc trị giá hàng trăm tỷ đô là hồi năm ngoái và đã đe dọa sẽ áp thuế nhiều hơn nữa để gây sức ép buộc Bắc Kinh thay đổi cách làm trên những vấn đề từ trợ giá công nghiệp cho tới sở hữu trí tuệ và tấn công mạng. Trung Quốc cũng đã áp thuế trả đũa lên hàng hóa Mỹ.
“Về việc nền kinh tế Trung Quốc có ổn hay không thì tôi đã giải thích rồi. Sự phát triển của Trung Quốc có sự bền bỉ mạnh mẽ và tiềm năng lớn,” ông Lục nói. “Chúng tôi có niềm tin chắc chắn vào những yếu tố cơ bản dài hạn vẫn mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc.”
Ông Lục cũng cho biết phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn sẽ tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới thường niên ở Davos, Thụy Sỹ, vào cuối tháng Giêng nhưng cũng nói thêm rằng ông chưa nghe nói có sắp xếp gì để ông Vương gặp ông Trump ở Davos.
Mặc dù cuộc đàm phán diễn ra ở cấp Thứ trưởng, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, người dẫn đầu các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ và là cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Tập, đã bất ngờ xuất hiện tại buổi đàm phán vào ngày 7/1, theo một người nắm rõ sự vụ.
Phái đoàn đàm phán của Mỹ do phó Đại diện Thương mại Jeffrey Gerrish dẫn đầu bao gồm các Thứ trưởng đến từ các Bộ Nông nghiệp, Thương mại, Năng lượng và Tài chính cùng với các quan chức cấp cao của Nhà Trắng.
Các số liệu hồi tuần trước cho thấy hoạt động sản xuất ở cả Mỹ và Trung Quốc đã chậm lại.
Các quan chức đưa ra rất ít chi tiết về những nhượng bộ mà Bắc Kinh có thể chấp nhận để đáp ứng yêu sách của Mỹ - một số những yêu sách này sẽ đòi hỏi những thay đổi mang tính hệ thống mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc không thể chấp nhận.
Tờ Hoàn cầu Thời báo có quan điểm dân tộc chủ nghĩa cứng rắn của Trung Quốc trong một bài xã luận hôm 7/1 nói những tuyên bố từ cả hai phía rằng họ hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận là lý do để lạc quan nhưng Bắc Kinh sẽ không đầu hàng trước sức ép của Mỹ.
“Nếu Trung Quốc muốn giương cờ trắng thì họ đã làm từ lâu rồi,” tờ báo này viết.