Đường dẫn truy cập

Trung Quốc chờ ăn Tết với Covid


Xét nghiệm covid ở Bắc Kinh, 24 tháng 11, 2022.
Xét nghiệm covid ở Bắc Kinh, 24 tháng 11, 2022.

Nhưng, cũng giống như trong chiến tranh, việc rút quân khó hơn việc tấn công, nhất là khi bộ chỉ huy quá lạc quan không hề tính đến đường rút lui.

Ngày 15 tháng 12 ký giả Li Yuan kể trên báo New York Times chuyện bên Trung Quốc: Một người bán sách ở Bắc Kinh lên mạng viết: “Hãy vui hưởng giờ phút quý báu khi mình được phép nhiễm bệnh! Hãy bảo vệ cái quyền tự do khiêm tốn này!”

Hầu hết dân Trung Hoa trong lục địa chia sẻ niềm vui đó, từ ngày 7 tháng 12, sau khi Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan tuyên bố đảng Cộng sản sẽ thay đổi chính sách “Không Covid!” Nghe bà nói, các thành phố lớn bèn nới lỏng ngay những vụ kiểm soát và cấm đoán. Nhưng, cũng giống như trong chiến tranh, việc rút quân khó hơn việc tấn công, nhất là khi bộ chỉ huy quá lạc quan không hề tính đến đường rút lui.

Tập Cận Bình mở cuộc “chiến tranh nhân dân” tính tiêu diệt vi khuẩn corona: Ai bị nhiễm thì đem nhốt ngay cho đến khi hết bệnh; tức là nhốt luôn những con corona cho đến khi chúng tiêu tán. Một người nhiễm bệnh thì cả khu vực bị cấm ra vào; để nếu còn cậu corona nào quanh quẩn thì cũng không có cơ hội lan truyền, chúng sẽ dần dần chết hết. Ai cũng phải thử test, bước vào một nơi công cộng thì phải trình chứng nhận đã test rồi, không ai mang vi khuẩn trong người.

Nhưng ông Tập Cận Bình đã tổng tấn côngloài vi rút, một địch thủ vô hình, chúng lại sinh sản rất nhanh và luôn luôn biến thái, thay đổi hình dạng, cơ cấu, phản ứng trước các vũ khí dùng để tiêu diệt chúng cũng biến chuyển bất ngờ.

Chiến lược “tổng công kích” này lúc đầu đã toàn thắng ở Vũ Hán, nơi phát sinh COVID-19. Thành phố 11 triệu dân bị “đóng cửa,” nội bất xuất, ngoại bất nhập, vào tháng Giêng năm 2019. Hai ngày sau, cả tỉnh Hồ Bắc 45 triệu dân cũng bị đóng cửa, trong ba tháng liền. Địa phương không đủ người đánh nhau với Covid thì đã có ngay 35,000 chuyên viên y tế khắp nước đến giúp, tới tháng Tư đã lên 42,000 người. Trong mười ngày đầu tiên, có 12,000 công nhân tình nguyện đến Vũ Hán xây dựng cấp tốc hai bệnh viện, giờ vẫn chuyên trị bệnh Covid. Trong 76 ngày Vũ Hán bị đóng cửa, có 580,000 người tình nguyện giúp những người già, người bệnh, dân cư khỏi cần lo đi chợ, đi mua thuốc hay mua bất cứ thứ gì.

Sau Vũ Hán, Cộng sản Trung Quốc có thể tuyên bố đại thắng lợi. Và họ nghĩ rằng có thể áp dụng cùng một đường lối đó trên toàn quốc.

Nhưng khi nhìn lại, phải thấy rằng “phép lạ Vũ Hán” xảy ra là hiện tượng độc nhất, vô nhị. Vì nhờ những đạo quân tình nguyện khắp nơi kéo đến giúp, cả trăm ngàn người, kể cả quân đội: Quân Giải Phóng gửi 340 toán quân y đến Vũ Hán, với hàng ngàn y tá, bác sĩ, và sinh viên y khoa. Nếu mỗi toán quân y chỉ có 100 người thì tổng cộng cũng thành 34,000. Trung Cộng đã dùng “chiến thuật biển người” để đánh loài vi khuẩn corona ở một thành phố với hàng chục triệu người răm rắp tuân lệnh vì sợ kẻ thù bí mật corona cũng như vẫn quen sợ công an.

Áp dụng chính sách đó trên các thành phố khác, trong cả nước Trung Hoa, rất khó. Không đủ người tình nguyện đến cứu giúp, kể cả quân đội. Và dân chúng biết như vậy. Không được giúp đỡ, người ta khó lòng chịu cấm cung trong nhà hai ba tuần, chớ đừng nói tới hai ba tháng. Các quan chức địa phương chịu cảnh trên đe dưới búa, vừa lo đạt chỉ tiêu vừa bị dân phản đối, sẽ áp dụng các biện pháp khó khăn gay gắt nhất, để bảo vệ địa vị. Và cuối cùng, dân Trung Quốc cũng biết ở các nước khác người ta không bị kiểm soát, cấm đoán ngặt nghèo như thế.

Tại những nước ở Âu châu từ Đan Mạch, Đức, đến các nước Á châu như Nhật Bản, Đài Loan, Australia, chính quyền áp dụng các chính sách khác hẳn. Họ lo chủng ngừa nhiều hơn là cấm đoán. Họ chấp nhận nhiều người dân bị nhiễm bệnh, nhờ thế cơ thể sinh chất đề kháng. Dần dần, số người mang chất đề kháng lên cao, hoặc vì chích ngừa hoặc vì đã mắc bệnh, cả nước đạt được tình trạng “miễn nhiễm cộng đồng,” loài vi khuẩn không còn tác hại được nữa. Nước Mỹ là một trường hợp đặc biệt, với số người mắc bệnh và chết vì Covid cao nhất thế giới, vì ngay từ đầu đã có một phong trào phủ nhận bệnh dịch. Nhiều người Mỹ cho rằng Covid cũng giống như một cơn bệnh cúm hàng năm, sẽ biến mất nhanh chóng. Họ nhân danh quyền tự do cá nhân từ chối các biện pháp phòng chống, không đeo mạng, không cách ly. Nhiều người không chịu chủng ngừa dù Mỹ là nơi sản xuất những vaccines hiệu quả cao nhất.

Các quốc gia đều coi việc chủng ngừa là ưu tiên số một, trừ Trung Quốc. Đảng Cộng sản chỉ chú trọng đến việc thử test thật nhiều, và cô lập hóa người bệnh, nghĩ rằng có thể tiêu diệt được loài vi khuẩn. Khi gặp biến thái mới như Omicron, lan truyền dễ hơn và nhanh chóng hơn, biện pháp cô lập hóa dần dần vô hiệu. Những cơn bệnh lại bùng lên ở các thành phố lớn từ đầu tháng 12. Theo Reuters, Tổ chức Y tế Thế giới xác nhận rằng đợt bột phát này xảy ra trước ngày bà Tôn Xuân Lan tuyên bố “rút quân.”

Trên các mạng xã hội dân Trung Hoa đã chế nhạo đảng Cộng sản bằng cách cắt, ghép các tựa đề trên nhật báo Nhân Dân. Họ đưa lên những bản tin về chính sách chống Covid, tin tháng trước trái ngược với tháng sau!

Khi đụng phải Omicron Bắc Kinh mới cho thổi kèn thối lui, bỏ phương pháp cô lập hóa toàn diện, quá khích. Nhưng khi phải lui quân, họ mới thấy lo vì đã không chuẩn bị thế phòng ngự. Địch thủ Omicron tiến rất nhanh. Dân Trung Hoa chưa được chủng ngừa đầy đủ và số người được miễn nhiễm vì đã mắc bệnh quá ít, còn lâu mới đạt tới tình trạng miễn nhiễm tập thể.

Thuốc chủng ngừa sản xuất tại Trung Quốc có công hiệu, giảm bớt số người mắc bệnh và người chết, nếu chích đủ ba liều. Nhưng hiệu quả không được lâu dài như các thuốc dùng mRNA chế tại Mỹ, mà Bắc Kinh không cho nhập cảng. Đầu năm 2022, bệnh phát ở thành phố Thiên Tân, các bác sĩ thấy rằng trong số những người bị nhiễm vi khuẩn Omicron có tới 95% đã chích vaccine đầy đủ rồi.

Chương trình chích vaccine ở các nước đều dành ưu tiên cho những người dễ bị nguy hiểm nhất nếu mắc bệnh. Đó là những người lớn tuổi hoặc đang sẵn mang bệnh khác. Ở Trung Quốc họ làm ngược lại: Ưu tiên chích ngừa cho những người trong tuổi lao động. Người già, người yếu không được chú ý. Từ đầu, chính quyền đã khuyên những người trên 59 tuổi không nên chích ngừa vì lo sẽ có các phản ứng phụ. Đến nay nhiều người Trung Quốc vẫn còn sợ không muốn chích.

Cho đến cuối tháng 12, 90% dân Trung Quốc đã được chích ngừa, nhưng chỉ có 30% những người trên 60 tuổi được chích đủ ba mũi vaccine. Những người trên 80 tuổi ít được bảo vệ nhất, chưa tới một nửa được chích đủ bốn mũi. Ở các nước khác, người ta đang rủ nhau đi chích mũi thứ năm, với các vaccines công hiệu hơn nhiều.

Trong một tháng nữa, hàng trăm triệu người Trung Hoa sẽ lên xe lửa, máy bay trở về quê ăn Tết. Loài vi khuẩn Omicron, hay con cháu của chúng sẽ có dịp ngao du khắp lục địa, tìm những cơ thể ấm áp mới làm nơi sinh sôi nẩy nở. Dân Trung Quốc sẽ ăn Tết với Covid. Điều đáng lo là trong ba năm qua các bệnh viện cũng không hề được chuẩn bị để đối phó với một cơn đại dịch, sẽ thiếu nhân viên, thiếu phương tiện điều trị. Tất cả đều do lầm lỗi của một đảng độc tài chuyên chế.

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG