Đường dẫn truy cập

Sau 3 thập niên, Trung Quốc lại đặt trọng tâm vào Hiến pháp


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Hơn 3 thập niên đã trôi qua kể từ khi đảng Cộng sản Trung Quốc ban hành hiến pháp hiện hành, nhưng nay văn kiện này lại được chú ý trở lại dưới quyền lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình. Tại một cuộc họp cấp cao vừa kết thúc, tập trung vào việc xây dựng nhà nước pháp quyền ở Trung Quốc, Đảng Cộng Sản Trung Quốc loan báo một ngày lễ hiến pháp sẽ được tổ chức mỗi năm và các giới chức sẽ tuyên thệ trung thành với hiến pháp khi lên nhậm chức. Thông tín viên VOA Bill Ide tường trình từ Bắc Kinh.

Hiến pháp Trung Quốc được ban hành năm 1982, khi Đảng Cộng sản mở cửa kinh tế và tìm cách phục hồi sau cuộc Cách mạng Văn hóa gây nhiều chết chóc và chia rẽ xã hội.

Nay Trung Quốc lại đứng trước ngã ba mới. Những năm tăng trưởng vượt bực đã trôi qua và nay đất nước đang chật vật với sự thay đổi to lớn mà thập niên vừa qua đã mang lại, kể cả những hậu quả tai hại như tham nhũng tràn lan và môi trường xuống cấp, vào lúc cố vươn tới một mô hình tăng trưởng kinh tế mới.

“Chúng ta đang ở trong một tình trạng mà ở đây chúng ta gọi là ‘kinh tế đu dây.’ Nghĩa là, chế độ phải buông thả một mô hình tăng trưởng với lòng tin tưởng rằng mô hình tăng trưởng kế tiếp sẽ ở đúng chỗ của nó.”

Nhà phân tích David Kelly của công ty nghiên cứu Chính sách Trung Quốc ở Bắc Kinh nói xây dựng pháp trị là điều quan trọng bởi vì các nhà đầu tư cần phải có những bảo đảm pháp lý cho những cơ hội ở Trung Quốc.

“Tất cả các cơ chế của một nền kinh tế thị trường được thực sự cần đến hơn bao giờ hết. Chúng được cần đến vào năm 1982, và đó là lý do có những thay đổi vào năm 1982.”

Trung Quốc không phải là một nền kinh tế do thị trường thúc đẩy. Đó là một nền kinh tế trong đó các công ty quốc doanh hưởng các lợi thế so với khu vực tư nhân.

Quan hệ với quan chức trong chính quyền là yếu tố then chốt để thành công và dân chúng tranh nhau để có được công ăn việc làm tại các doanh nghiệp nhà nước, và đó là điều mà chính phủ không muốn, theo ý ông Kelly.

“Họ muốn có các công ty toàn cầu như Google hay Apple, nhưng điều đó không xảy ra mà không có sự bảo đảm là nguời dân có thể thành công bên ngoài khu vực nhà nước.”

Đảng cũng đang tìm cách thay đổi tình cảm công chúng qua việc tập trung vào các quyền của công dân. Trong một bản phác thảo dài dòng về các cải cách pháp lý được công bố hôm thứ ba, Đảng Cộng sản nói về sự cần thiết phải cũng cố các quyền cơ bản của công dân như quyền tư hữu, cơ hội công bằng, luật lệ công bằng và quyền chính trị.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói đến năm 2020, Trung Quốc nhắm mục tiêu hoàn tất cuộc chuyển đổi qua một nước trong đó pháp trị là nguyên tắc và nơi sự tin tưởng vào hệ thống tư pháp liên tục gia tăng. Ông nói các nhân quyền cơ bản sẽ được tôn trọng và bảo đảm.

Ông William Nee, một chuyên gia phân tích của Hội Ân xá Quốc tế ở Hồng Kông, nói có sự khao khát sâu xa trong cộng đồng pháp lý và công dân Trung Quốc về việc thể hiện tinh thần trách nhiệm nhiều hơn và một thể chế pháp trị có tính chất khả đoán và theo đúng hiến pháp.

“Đúng là đảng dường như muốn có một hình thức nhân quyền cơ bản nào đó để thực thi và họ muốn điều đó được ngành tư pháp thực hiện. Đồng thời, dường như họ lại muốn nắm độc quyền tiến trình đó để chính đảng là người bảo đảm nhân quyền, chứ không phải là đặt các cơ chế hay hạn chế lên quyền chính trị, nhất là quyền của đảng.”

Trước đây Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát biểu về tầm quan trọng của hiến pháp, nhưng ông cũng đã mạnh tay đàn áp giới bất đồng và bịt miệng những người chỉ trích chính quyền.

Trung Quốc đã bắt giữ ít nhất 60 người về tội ủng hộ các cuộc biểu tình đang tiếp diễn ở Hong Kong, và tuần tới tại Bắc Kinh một nhà làm phim, bị đưa ra toà vì một bộ phim tài liệu về 100 năm cai trị theo hiến pháp ở Trung Quốc.

Luật sư nhân quyền Trương Bảo Quân cho biết ông không tin giới hữu trách có thể tiến hành các biện pháp bảo đảm quyền công dân.

“Nhiều bảo đảm pháp lý như thế này vốn đã có sẵn rồi, nhưng điều chúng ta thấy là những quyền công dân liên tục bị hạn chế nhân danh pháp trị.”

Hiến pháp của Trung Quốc bảo đảm quyền tự do ngôn luận, quyền ứng cử và bầu cử, cũng như quyền tự do tôn giáo và quyền tụ họp nơi công cộng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG