Đường dẫn truy cập

Trung Quốc khó có thể kiềm chế Bắc Hàn?


Tin tức về vụ thử bom hạt nhân của Bắc Hàn gây bất ổn ở khu vực đông bắc Á.
Tin tức về vụ thử bom hạt nhân của Bắc Hàn gây bất ổn ở khu vực đông bắc Á.

Thời điểm nhạy cảm chính trị trước Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc, và nỗi lo sợ của Bắc Kinh về khả năng chính quyền nhà họ Kim sụp đổ đã khiến Trung Quốc ít có chọn lựa trong việc đối phó với tham vọng hạt nhân của Bắc Hàn, báo New York Times nhận định.

Hôm Chủ nhật 3/9, Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch, đánh dấu lần thứ sáu nước này thử vũ khí hạt nhân. Hành động này đã khiến chính quyền của Tổng thống Donald Trump cảnh báo về một biện pháp“đáp trả quân sự quy mô lớn” và bị Trung Quốc “mạnh mẽ phản đối”.

Theo nhật báo New York Times thì Bắc Hàn đã tính toán kỹ lưỡng thời điểm thực hiện vụ thử hạt nhân vào lúc Chủ tịch Tập Cận Bình đang tiếp đón các nhà lãnh đạo Nga, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi đến dự hội nghị thượng đỉnh BRICS. Mục đích của Bình Nhưỡng là muốn làm Bắc Kinh “bẽ mặt tối đa”.

Chỉ vài giờ trước khi ông Tập đọc diễn văn trước các nhà lãnh đạo BRICS, tin tức về vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng đã lập tức phủ bóng đen lên hội nghị, tờ báo này cho biết.

“Đây không phải là lần đầu tiên ông Kim Jong-un chọn thời điểm mang tính khiêu khích như vậy để khoe vũ khí,” New York Times viết và nhắc lại hồi tháng Năm năm nay ông Kim cũng đã thử tên lửa đạn đạo chỉ vài giờ trước khi ông Tập phát biểu trước lãnh đạo các nước đến Bắc Kinh tham dự hội nghị về sáng kiến ‘Một vành đai, Một con đường’.

Tờ báo dẫn lời các nhà phân tích cho biết việc Bắc Hàn thử hạt nhân xảy ra cùng lúc với sự xuất hiện của ông Tập không hề là một sự trùng hợp. Hành động này là nhằm cho thấy ông Kim Jong-un, lãnh đạo của một nước nhỏ được liệt vào loại bất hảo, có thể làm tổn thương quyền lực và uy tín của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Một số nhà phân tích còn cho rằng vụ thử hạt nhân mới nhất của Bình Nhưỡng là nhằm gây sức ép với ông Tập, chứ không phải với ông Donald Trump.

“Ông Kim biết rằng ông Tập có quyền lực thật sự để tác động lên những tính toán ở Washington,” ông Peter Hayes, giám đốc Viện Nautilus chuyên nghiên cứu về các vấn đề Triều Tiên, được dẫn lời nói. “Ông ta gây áp lực để buộc Trung Quốc nói với Trump rằng: “Quý vị phải ngồi vào bàn đàm phán với Kim Jong-un.”

Theo ông Hayes thì điều Bắc Hàn muốn nhất là đạt được thỏa thuận với Washington về việc Mỹ giảm quân số của lực lượng Mỹ trú đóng ở miền Nam và để cho Bắc Hàn sở hữu vũ khí hạt nhân. Trong suy tính của ông Kim, Trung Quốc có thể tác động để cuộc đàm phán này diễn ra.

Tuy nhiên, ngay cả hành động thử bom nhiệt hạch có khả năng được gắn vào tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cũng không thể nào thay đổi lập trường của ông Tập đối với Bắc Hàn.

Theo các nhà quan sát thì giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn giữ nguyên lập trường rằng việc Bình Nhưỡng có vũ khí hạt nhân không nguy hiểm bằng việc chế độ nhà họ Kim sụp đổ vì nếu xảy ra, hai miền Triều Tiên sẽ thống nhất dưới sự kiểm soát của Hàn Quốc và Mỹ.

Chính vì mối lo sợ đó mà Bắc Kinh không dùng vũ khí kinh tế lợi hại nhất đối với Bắc Hàn:cắt nguồn cung dầu thô, là nguồn năng lượng giúp nền kinh tế sơ khai của miền Bắc hoạt động.

Trung Quốc cung cấp đến hơn 80% lượng dầu thô tiêu thụ của Bắc Hàn và ngừng giao dầu có thể là biện pháp trừng phạt kinh tế cuối cùng và tác động tới Bắc Hàn hơn nhiều so với các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.

Thay vào đó, Bắc Kinh đề nghị Bình Nhưỡng chấm dứt chương trình hạt nhân để đổi lấy việc Mỹ ngừng tập trận trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, giữa lúc Đại hội Đảng lần thứ 19 đang đến gần, ông Tập đang dành hết tâm trí cho các vấn đề nội bộ, các nhà phân tích về Trung Quốc cho biết. Theo họ thì Bắc Kinh luôn muốn giữ cho tình hình trong nước yên ổn trong thời gian dẫn tới đại hội, do đó ít có khả năng Bắc Kinh sẽ làm điều gì đó với Bắc Hàn trước ngày khai mạc Đại hội 19 vào ngày 18/10.

Ngay cả tờ Hoàn cầu Thời báo cách nay vài tháng cũng cho rằng Trung Quốc nên xem xét tạm ngưng cung cấp dầu mỏ cho Bắc Hàn, nếu Kim Jong-un thử hạt nhân lần thứ sáu. Tuy nhiên trong bối cảnh Đại hội Đảng sắp diễn ra, tờ báo này đã thay đổi lập trường.

“Căn nguyên của vấn đề hạt nhân của Bắc Hàn là cảm giác bất an do các hành động quân sự của liên minh quân sự Mỹ-Hàn gây ra,” Hoàn cầu Thời báo viết, “Trung Quốc không nên bước lên đầu trong tình hình phức tạp và căng thẳng này.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG