Một bản tin độc quyền của Reuters trích dẫn một tài liệu và các nguồn tin cho hay chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng đưa hãng sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc SMIC và hãng dầu khí quốc doanh CNOOC vào sổ đen gồm các công ty bị cáo buộc là có sự gắn bó với quân đội Trung Quốc.
Khi bị đưa vào sổ đen, các hãng đó bị hạn chế khả năng tiếp cận với các nhà đầu tư Mỹ. Việc này cũng làm leo thang căng thẳng giữa Washington với Bắc Kinh khi chỉ còn vài tuần nữa Tổng thống đắc cử của Mỹ Joe Biden sẽ nhậm chức, bản tin độc quyền của Reuters viết.
Hồi đầu tháng 11, Reuters đưa tin nói rằng Bộ Quốc phòng Mỹ có kế hoạch nêu danh thêm 4 công ty Trung Quốc là thuộc diện do quân đội Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát, nâng số lượng công ty Trung Quốc bị ảnh hưởng lên con số 35. Một lệnh hành pháp do Tổng thống Donald Trump ban hành gần đây sẽ ngăn cản các nhà đầu tư Mỹ mua chứng khoán của các công ty đó bắt đầu từ cuối năm sau.
Hiện chưa rõ khi nào các hãng mới lọt vào sổ đen sẽ bị công bố trong Công báo Liên bang Hoa Kỳ. Nhưng theo một tài liệu và 3 nguồn tin của Reuters, danh sách mới bao gồm cả Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Công nghệ Xây dựng Trung Quốc, Công ty Tư vấn Kỹ thuật Quốc tế Trung Quốc, Công ty Sản xuất Bán dẫn Quốc tế (SMIC), và Công ty Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC).
Khi được hỏi về động thái nằm trong kế hoạch của Washington, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng Trung Quốc hy vọng Hoa Kỳ sẽ không dựng lên các rào cản và tạo ra các trở ngại cho sự hợp tác, cũng như không phân biệt đối xử với các công ty Trung Quốc.
CNOOC - tập đoàn dầu khí thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc - không phải là cái tên xa lạ đối với Việt Nam.
Cơ sở hoạt động chính của CNOOC là vùng ven biển xung quanh Trung Quốc, nơi chiếm hơn 60% sản lượng của công ty và phần lớn đến từ Biển Bột Hải, gần Bắc Kinh. Riêng khu vực Biển Đông chiếm khoảng 29% tổng sản lượng của tập đoàn này.
Hồi năm 2014, tập đoàn này đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 đến “thăm dò dầu khí” trong khu vực gần quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng trên thực tế do Trung Quốc kiểm soát.
Sự kiện đã gây ra một số vụ “va chạm” giữa cảnh sát biển Việt Nam và các tàu chấp pháp Trung Quốc, dẫn đến các cuộc làm việc và các chỉ trích công khai qua lại giữa Hà Nội và Bắc Kinh.
Động thái sắp diễn ra của Washington, cùng với các chính sách tương tự, được coi là nhắm đến củng cố di sản về sự cứng rắn đối với Trung Quốc của Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump và đưa người kế nhiệm, ông Biden thuộc đảng Dân chủ, vào lập trường cứng rắn với Bắc Kinh trong bối cảnh lưỡng đảng Mỹ ở quốc hội đều có tinh thần chống Trung Quốc. Bộ máy giúp việc cho ông Biden từ chối bình luận về tin tức này.
Sổ đen quốc phòng của Mỹ cũng là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Washington nhắm mục tiêu vào hoạt động của Bắc Kinh bị phía Mỹ xem là tìm cách thu hút các tập đoàn khai thác các công nghệ dân sự mới xuất hiện để đem phục vụ cho các mục đích quân sự.
Hồi tuần trước, Reuters đưa tin rằng chính quyền của ông Trump sắp tuyên bố 89 công ty Trung Quốc, trong đó có các hãng hàng không vũ trụ, là các công ty có quan hệ với quân đội Trung Quốc, do đó, họ bị hạn chế mua một loạt hàng hóa và công nghệ của Mỹ.
Một luật ban hành năm 1999 yêu cầu Lầu Năm Góc lập danh sách “Các công ty quân sự của Trung Cộng”, là các công ty do Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc “sở hữu hoặc kiểm soát”. Nhưng phải đến năm 2020 Bộ Quốc phòng Mỹ mới lập ra danh sách đó. Đầu năm nay, những hãng lớn của Trung Quốc như Hikvision, China Telecom và China Mobile đã được đưa vào danh sách.
Cả quốc hội lẫn chính quyền Mỹ ngày càng tìm cách hạn chế khả năng của các công ty Trung Quốc trong việc tiếp cận thị trường Hoa Kỳ, ngay cả khi việc này làm cho giới kinh doanh ở Phố Wall bất bình. Đó là các công ty Trung Quốc không tuân thủ các luật lệ áp dụng cho các hãng Mỹ là đối thủ của họ.
(Reuters, VOA)