Đường dẫn truy cập

Vai trò lớn cho đảo nhỏ ở TBD trong kế hoạch Biển Đông của Mỹ, Úc


Đào Manus của Papua New Guinea, từng là một căn cứ hải quân do Mỹ lập chống lại Nhật Bản trong Thế Chiến II, đang được nâng cấp để kiềm hãm sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực.
Đào Manus của Papua New Guinea, từng là một căn cứ hải quân do Mỹ lập chống lại Nhật Bản trong Thế Chiến II, đang được nâng cấp để kiềm hãm sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực.

Vấn đề Biển Đông không được nêu ra trong cuộc họp giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây, nhưng trong hậu trường hai bên đã chuẩn bị để ứng phó với những vụ chạm trán khó tránh khỏi trong tương lai. Từng là một căn cứ của đồng minh trong cuộc chiến chống lại Nhật Bản ở Thái Bình Dương, căn cứ hải quân Lombrum trên đảo Manus nhỏ bé của Papua New Guinea đang được Úc và Mỹ nâng cấp, và có thể đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực của Mỹ và các đồng minh nhằm đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Báo chí quốc tế trong thời gian gần đây đề cập tới ‘mối nguy bẫy nợ’ Trung Quốc, đơn cử trường hợp 5 quốc gia đã rơi vào bẫy như Sri Lanka, Pakistan, Montenegro, Maldives, Djibouti, chưa kể một số nước Châu Phi … giữa lúc Trung Quốc ve vãn các nước nhỏ, nghèo túng, với những khoản viện trợ tưởng như hào phóng để xây những dự án quy mô -đôi khi không cần thiết, nhắm phục vụ các lợi ích lâu dài của Bắc Kinh.

Một số nhà phân tích cảnh cáo Trung Quốc tung tiền qua những chương trình rất kêu như “Vành đai Con đường”, hoặc “Con đường tơ lụa mới” để đẩy ‘con mồi’ vào quỹ đạo của mình, và một khi sập bẫy thì khó có ngày thoát Trung. Không thanh toán nợ, sẽ bị “siết đất”, “siết cảng biển’ như trường hợp Sri Lanka, nước bị buộc phải cho Trung Quốc thuê cảng trong 99 năm. Thủ Tướng Mahathir của Malaysia đã lên tiếng cảnh giác về “chủ nghĩa thực dân mới”, và đình chỉ hai thỏa thuận do Thủ Tướng tiền nhiệm ký, với lý do “quá khả năng tthanh toán” của Malaysia.

Nước Úc mới đây cũng lên tiếng lo ngại về ý đồ của Trung Quốc trong vùng Nam Thái Bình Dương, vẫn được Canberra coi như ‘sân sau’ của mình. Để chặn ảnh hưởng và ý đồ bành trướng của Bắc Kinh tại đây, chính phủ Úc đang hợp tác với Papua New Guinea để xây lại căn cứ hải quân Lombrum trên đảo Manus của nước này. Trong chuyến đi thăm của Phó Tổng Thống Mỹ Mike Pence tới Úc gần đây, Washington cam kết tham gia và tài trợ một phần cho dự án 3 bên này.

Căn cứ Lombrum trên đảo Manus của Papua New Guinea sẽ là một địa điểm trung chuyển để các tàu hải quân tiếp nhiên liệu, và theo dự kiến sẽ đóng vai trò thiết yếu trong các nỗ lực giám sát hàng hải trong bối cảnh hải quân Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động trên khắp vùng Thái Bình Dương.

Một số giới chức Indonesia đã bày tỏ lo ngại về dự án nâng cấp căn cứ hải quân Lombrum vì những hệ quả có thể có và cái giá có thể phải trả, nếu căn cứ này nằm trong chính sách rõ rệt của Úc và Hoa Kỳ, thuần túy để kiềm hãm Trung Quốc. Chủ tịch Uy ban Quốc hội về quốc phòng và an ninh Indonesia được truyền thông địa phương dẫn lời, cảnh giác "các cường quốc không nên quân sự hóa khu vực châu Á-Thái Bình Dương".

Các giới chức Indonesia muốn đồng minh Úc-Mỹ mời Indonesia trú đóng tại căn cứ này, và nêu bật những lợi ích của một chương trình giám sát hàng hải quy mô trong khu vực.

Tư liệu: Chụp từ video của Hệ thống Truyền thông ABC-Úc quay cảnh người tị nạn biểu tình phản đối việc đóng cửa trại tị nạn trên đảo Manus, Papua New Guinea, ngày 31/10/2017.
Tư liệu: Chụp từ video của Hệ thống Truyền thông ABC-Úc quay cảnh người tị nạn biểu tình phản đối việc đóng cửa trại tị nạn trên đảo Manus, Papua New Guinea, ngày 31/10/2017.

Căn cứ Lombrum được Hoa Kỳ thiết lập vào năm 1944 giữa lúc các lực lượng đồng minh đang chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự toàn lực chống lại Nhật Bản. Vào cao điểm của Thế Chiến thứ Hai, căn cứ có cảng nước sâu và nhiều bến tàu, một đường băng dài 2,7km, và các trại quân sự có thể chứa hàng chục ngàn binh sĩ Thuỷ quân Lục chiến. Căn cứ này từng tiếp đón 800 chiếc tàu, có nhiều kho nhiên liệu và một bệnh viện lớn, với 3000 giường bệnh.

Gần đây hơn, đảo Manus với diện tích chỉ rộng hơn Hong Kong khoảng 30%, trở nên ‘khét tiếng’ vì được dùng làm trại tạm giam di dân tới Úc bất hợp pháp.

Các nỗ lực của Canberra và Washington để nâng cấp cơ sở Lombrum được xúc tiến sau khi tin đồn lan truyền rằng Trung Quốc đang vận động để thiết lập một bến cảng trên đảo Manus, làm dấy lên nghi ngờ về ý đồ của Bắc Kinh muốn xây một căn cứ hải quân trong khu vực.

XS
SM
MD
LG