Đường dẫn truy cập

Vé Đi Tuổi Thơ Hay Hành Trình Về Phương Tây?


Mùa thu năm ngoái, khi tuyển tập truyện vừa Suspended Sentences (Remise de peine - Án Treo) của nhà văn Pháp Patrick Modiano – người được trao giải Nobel văn chương 2014—được Yale University Press xuất bản thì tác phẩm Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng ra mắt độc giả Mỹ qua tựa Anh ngữ Ticket to Childhood (Overlook Press). Đề tài tuổi thơ cùng được hai nhà văn, một Pháp, một Việt, khai thác như ẩn dụ về vai trò của người viết trong một xã hội chưa chấp nhận được sự thật. Trong khi Án Treo của Modiano là hành trình khảo sát quá khứ tuổi thơ từ những mập mờ và dối trá của người lớn thì Vé Đi Tuổi Thơ của Nguyễn Nhật Ánh dùng chính sự ngây thơ của con nít để giới hạn tầm mức của cách mạng.

Đề tài “án treo” của Modiano biểu tượng tâm lý tội lỗi của những người trong thế hệ ông – sinh trưởng sau khi Âu Châu được Đồng Minh giải phóng nhưng vẫn phải chịu gánh nặng lương tâm từ sự sai lầm của thế hệ đi trước, bao gồm chuyện thân phụ của Modiano buôn lậu và thông đồng với mật vụ Đức Quốc Xã trong thời Pháp bị chiếm đóng.

Bài diễn từ Nobel của Modiano – một nhà văn không thích xuất hiện nơi công cộng và thường nói lắp, là một bài tường trình chân thành và cảm động, miêu tả văn nghiệp như một ân sủng “được nói mà không còn bị người lớn ngắt lời”:

Tôi thuộc một thế hệ mà người ta không để cho trẻ con được nói, trừ đôi trường hợp khá hiếm hoi và nếu chúng có xin phép .... Hẳn từ đó mà, cũng như nhiều người khác, khi vừa qua tuổi thơ, tôi đã có cái ham muốn được viết. Chúng tôi hy vọng người lớn sẽ đọc chúng tôi. Họ sẽ buộc phải nghe chúng tôi mà không ngắt lời chúng tôi và chí ít cũng biết tất cả những gì đang chất chứa trong lòng chúng tôi.[1]

Nhà văn tin rằng “người lớn” sẽ buộc phải nghe “trẻ con” khi “trẻ con” biết viết. Hành trình của Modiano phản ảnh ý thức khai phá bản ngã, cũng như nghệ thuật viết, cho tới tận cùng:

Lạ thay cái hành vi cô đơn được gọi là viết. Anh trải qua những lúc nản lòng khi viết những trang đầu tiên của một cuốn tiểu thuyết. Mỗi ngày anh lại có cảm giác đã đi nhầm đường. Và lúc ấy trào lên cái ý muốn xúi mình quay lui và lao vào một lối khác. Không được ngã lòng vì sự xúi dục đó mà cứ phải tiếp tục con đường ấy. Gần giống như lái một chiếc xe, ban đêm, giữa mùa đông và chạy trên lớp băng mỏng, chẳng nhìn thấy gì sất. Không có lựa chọn nào khác đâu, cứ phải tiếp tục đi tới vừa tự nhủ cuối cùng mặt đường sẽ chắc hơn và sương mù sẽ tan.

Trong một môi trường mà người viết được tự do phát biểu và người đọc được tự do tiếp nhận, Modiano tin tưởng hoàn toàn vào khả năng của người đọc:

Vâng, độc giả biết về cuốn sách nhiều hơn chính tác giả. Giữa cuốn tiểu thuyết và người đọc diễn ra một hiện tượng giống như thao tác tráng ảnh thời chưa có kỹ thuật số. Trong phòng tối bức ảnh cứ hiện dần lên ....

Tuy không gian của truyện Án Treo (trong tuyển tập cùng tựa của Modiano) có màu sắc cổ tích (“Căn nhà hai tầng với giây leo xanh phủ kín mặt tiền. Một trong những khung cửa sổ - loại cửa sổ có hình vòng cung – chạy dài từ phòng khách. Đằng sau nhà là sân vườn. Nằm khuất dưới đó, sau bụi cây ông lão, là mộ bác sĩ Guillotin ....”)[2], mục đích của Patouche, nhân vật kể truyện, là được giải thoát ra khỏi giấc ngủ tuổi thơ. Án Treo có cấu trúc như truyện Hansel và Gretel: cảnh hai đứa bé bị bố mẹ bỏ rơi trong một thế giới êm ả nhưng đứt đoạn, mờ ảo, không luân lý trật tự. Nỗ lực “tráng ảnh trong phòng tối” của Modiano là cách tu sửa ký ức và làm lại lịch sử.

Nếu Modiano muốn giải tỏa không khí u mê của thời thơ ấu, thì Nguyễn Nhật Ánh cố làm dịu không gian hiện thực cynique của tuổi thơ Việt Nam để cuộc sống trở thành xa lạ, mới mẻ hơn.

Là một câu chuyện ngụ ngôn "dành cho những người lớn đã từng là trẻ em," Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ (CTXMVĐTT) kể lại những nỗ lực vô vọng của bốn đứa trẻ muốn “cách mạng hóa” thế giới của chúng bằng cách đổi tên những đồ vật hàng ngày (quyển vở trở thành cái mũ, con chó biến thành bàn ủi, bàn chân thành cái miệng, v.v.), mở những phiên tòa xử tội bố mẹ, khai quật kho báu trong vườn nhà, và mở “trại” huấn luyện chó hoang. Những nỗ lực quixotic này thường bị kết thúc bởi sự trừng phạt nặng nề từ người lớn – có vẻ những trận đòn nhừ tử vẫn được coi như giải pháp hiệu lực nhất để ngăn chặn sự nổi loạn. Thử nghiệm nuôi chó của bọn nhỏ đã chấm dứt phũ phàng khi một ông bố khả kính lén bắt chó làm rựa mận đãi bạn nhậu.

Tuy cách hành xử của các bậc cha mẹ trong CTXMVĐTT có thể sẽ bị độc giả ngoại quốc lên án là child abuse, quyển sách được coi là một tác phẩm hết sức thành công ở Việt Nam, với giải thưởng văn học của Hội Nhà Văn VN năm 2009 và Giải thưởng Văn học Đông Nam Á (ASEAN) năm 2010.

Điều này thoạt đầu làm tôi ngạc nhiên. Đây không phải là một tác phẩm vui tươi nhẹ nhàng. Trái lại, nó gần như một cáo trạng về một xã hội hà khắc. Lấy cảm hứng từ bài thơ “Vé Đi Tuổi Thơ” của nhà thơ Nga Robert Rozhdestvensky, truyện của Nguyễn Nhật Ánh phản ảnh sự xung đột bi thương giữa nỗi khao khát được phát biểu (qua ẩn dụ tuổi thơ) và chính sách kiểm duyệt (qua ẩn dụ cha mẹ hay giới cầm quyền). Sự tiếp nhận nồng nhiệt từ nhà cầm quyền, Hội Nhà Văn và độc giả Việt Nam cũng làm tôi ngờ vực khả năng đọc sách của họ. Có đúng là “độc giả biết về tác phẩm nhiều hơn tác giả” như Modiano đã đề xướng với quan khách Tây Phương?

Dĩ nhiên, cách đọc một tác phẩm được cho phép xuất bản trong bối cảnh Việt Nam hiện nay không phải là điều đơn giản. Bản dịch của tác phẩm, nếu không được dịch chính xác, cũng đưa ra những vấn đề khác. Để công bằng, sự tiếp nhận nồng nhiệt từ phe chính quyền cho một tác phẩm không nhất thiết giảm đi thông điệp phản kháng của một tác phẩm, vì tác giả không thể kiểm soát được mọi phản ứng của độc giả.

Sau khi đọc kỹ lại nguyên bản, cùng bản dịch truyện CTXMVĐTT, tôi nghĩ Nguyễn Nhật Ánh là một nhà văn khá chu đáo. Trong một xã hội mà quyền tự do phát biểu vẫn chưa được công nhận, một nhà văn cũng có thể sáng tạo nhưng không thể đi lạc đường. Thay vì đề xướng chuyện phải đi hết con đường tự vạch cho mình dù con đường ấy trơn trượt hiểm nghèo, nhà văn Việt Nam, để tồn tại, phải vừa rải chữ vừa phải lách qua nhiều ngõ cụt.

Ngay cách Rozhdestvensky được nhắc đến trong tựa truyện CTXMVĐTT cũng gợi lên một dữ kiện thú vị: trong thập niên 1950, Rozhdestvensky nhiệt liệt ủng hộ chính sách nới lỏng của Krushchev bằng cách làm thơ lãng mạn và lên án chủ nghĩa hiện thực xã hội của thời Stalin trước đó. Nhờ uyển chuyển ở mặt chính trị, sau này nhà thơ trở thành một loa tuyên truyền tích cực cho chính phủ Liên Xô.

Đọc Nguyễn Nhật Ánh tôi không rõ là ông chân thành hay đã tự kiểm duyệt mình và cùng lúc răn đe các bạn đồng nghiệp khi viết những đoạn sau đây:

Nghĩ khác, nói khác và làm khác đám đông, dù là nghĩ đúng, nói đúng và làm đúng vẫn là sự lựa chọn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, trong nhiều trường hợp đó là con đường dẫn đến giàn thiêu mà [Giordano] Bruno là một ví dụ bi thương trong lịch sử nhân loại. (Khi mọi người đều tin rằng mặt trời quay quanh trái đất thì kẻ khăng khăng cho rằng trái đất quay quanh mặt trời chỉ có cách duy nhất là dùng cái chết để bảo vệ cho chân lý - điều đó là không thể khác).
Rất may là chúng tôi - tôi, Hải cò, con Tủn và con Tí sún - không ai trở thành Bruno vào năm tám tuổi. Chúng tôi chỉ làm ba mẹ phiền lòng chứ không đụng chạm đến những trật tự và những quyền lực bất khả xâm phạm.

Tuy đưa ra những chỉ trích tương đối mạnh bạo về cách “người lớn” lạm dụng ngôn ngữ (“Người ta gọi hối lộ là tặng quà trên mức tình cảm, gọi những hành vi sai trái là thiếu tinh thần trách nhiệm, gọi tham ô là thất thoát gây hậu quả nghiêm trọng …), quan điểm của Nguyễn Nhật Ánh có lẽ cũng không khác nhà cầm quyền VN khi ông cho nhân vật Cu Mùi phát biểu:

Đối với một đứa bé, ngôi nhà rất quan trọng. Một đứa bé sống trong nhà mình cũng tự nhiên và máu thịt như sống trong bản thân mình. Nó không thể chạy khỏi nhà mình, vì điều đó sẽ làm nó đau đớn. Cũng như một con thỏ không thể chạy ra khỏi bộ da của mình.

Chỉ có người lớn mới làm được điều kỳ cục đó. Trong một số trường hợp, bản ngã có thể biến thành tha nhân.

Ở câu trên, ẩn dụ “người lớn” đã biến thành hình ảnh Việt kiều tha hương! Mặt trái của tự do, theo Nguyễn Nhật Ánh, là lưu vong, phân thây, tự hủy.

Có điều gì không ổn trong cách suy luận này.

Khái niệm trẻ con/người lớn, trong một thế giới mở, mang tính cách hoán chuyển của thi ca và cổ tích: một người lớn có thể biến thành trẻ con, hay trẻ con cao vọt thành người lớn, tùy vào những diễn biến kỳ ảo trong hành trình đi tìm chân lý. Hoàng tử Bé của St. Exupéry, tuy bé ở hình dạng, nhưng không hẳn là một đứa bé. Chàng đã biết yêu một đóa hoa hồng, đã băng qua nhiều hành tinh, đã quan sát nhiều cảnh đời khôi hài và đa diện, đã cảm nhận hạnh phúc tình bạn từ một con chồn, và cuối cùng đã dám đối diện với cái chết. Do đó, nếu tự do là cách khai triển bản ngã tới tận cùng tri thức, thì nỗ lực siêu thoát của Hoàng tử Bé không thể là sự lưu đày, mà chính là cách để chàng trở về nhà.

Khái niệm trẻ con/người lớn – mọi rợ/ văn minh cũng đã được Nhất Linh khai thác qua tác phẩm Đi Tây, một truyện phiếm về vai trò trí thức Việt Nam trong thời kỳ Pháp thuộc. Trong truyện, nhân vật Lãng Du thấy khi tàu càng xa hải phận Việt nam thì khách trên tàu càng tỏ vẻ lịch sự hơn với y. Lúc đầu, không khách nào thèm nhìn mặt y khi tàu còn ở trong khu vực Biển Đông. Vào Vịnh Thái Lan Lãng Du vẫn bị cư xử lạnh nhạt, “như một con muỗi mang vi trùng bệnh sốt rét.” Khi tàu vào Ấn Độ Dương, bỗng chợt ánh mắt của những nguời hành khách trở nên dịu dàng và vị tha, như họ đã cảm nhận rằng Lãng Du là một con người thực thụ, với một tâm trí độc lập. Đến lúc băng qua Địa Trung Hải thì hành khách trên tàu coi Lãng Du như một cá nhân văn minh ngang hàng với họ và bắt đầu hỏi chuyện y. Khi Lãng Du đến Pháp thì thành gần như lộng quyền, tự đắc lúc đó đã “hăng” đủ để uy hiếp các hành khách trên tàu. (Đồng thời Lãng Du cũng lo là khi tàu trở về Việt Nam, tình cảnh sẽ đổi ngược và Lãng Du lại quay về thân phận cu li!) Ở đây Nhất Linh muốn khẳng định tính chất di động của cuộc Tây Du Ký: vận mệnh Việt Nam không hẳn là cố định. Ngoài ra, bộ mặt trái của quyền uy/văn minh cũng là sự lạc hậu trong mọi kỳ thị và bất công.

Khác với một Hoàng tử Bé chín chắn và một Lãng Du tùy tiện ứng biến, những đứa trẻ trong CTXMVĐTT không có quyền được lớn. Tác giả và tác phẩm không có ý định xóa nhòa làn ranh giữa trẻ con và người lớn. Ngược lại, CTMVĐTT công nhận sự toàn quyền của người lớn, môi trường bế tắc của tuổi thơ, và sự hoài thai trong mọi nỗ lực muốn “làm mới thế giới.” Trò chơi đổi tên cũng phản ảnh khuynh hướng an phận của bốn nhà cách mạng tí hon. Bọn trẻ vẫn dùng ngôn ngữ cũ trong cách đặt tên lại những vật dụng. Vé “xin” đi tàu tuổi thơ không có người soát vé chỉ là một đơn thỉnh cầu. Người nhận đơn vẫn trọn quyền quyết định.

Trong một bài nói chuyện với phóng viên Việt Báo VN, khi Nguyễn Nhật Ánh được hỏi tại sao đã chọn chiếc vé trở về “chặng” ga tám tuổi thay vì một chặng sớm hay muộn hơn, ông trả lời:

Tôi chọn cái mốc tám tuổi [vì] có lẽ đó là lứa tuổi bắt đầu ‘quậy phá’ một cách có ý thức.”

“’Quậy phá’ một cách có ý thức” nên được coi là điểm khởi hành của chuyến đi vào tương lai.

Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

[1] Bản dịch của trang Văn Việt (VĐĐLVN), http://vanviet.info/tu-lieu/dien-tu-nhan-giai-nobel-cua-patrick-modiano-doc-ngy-chu-nhat-7-thng-chap-2014-tai-stockholm-thuy-dien/#

[2] Trích dịch của người viết.

  • 16x9 Image

    Đinh Từ Bích Thúy

    Đinh Từ Bích Thúy là thành viên trong ban biên tập tạp chí văn chương mạng Da Màu, chuyên về lãnh vực phê bình, dịch thuật và biên khảo. Ngoài Da Màu, cũng từng cộng tác với Việt Báo, Hợp Lưu, Diacritics, Amerasia Journal, Manoa và Rain Taxi Review of Books. 

XS
SM
MD
LG