Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm 24/2 tuyên bố “đặt nhân quyền làm trọng tâm chính sách đối ngoại của Mỹ” trong bối cảnh có lời kêu gọi chính quyền Biden “sử dụng các đòn bẩy khác nhau” để yêu cầu Việt Nam chấm dứt “các vi phạm nhân quyền”.
Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn lời ông Blinken nói rằng “Hoa Kỳ cam kết hướng tới một thế giới mà nhân quyền được bảo vệ, những người bảo vệ [nhân quyền] được tôn vinh và những ai vi phạm nhân quyền bị quy trách nhiệm”.
Nhà ngoại giao cũng đề cập tới việc hợp tác với các đồng minh và đối tác để thúc đẩy việc tôn trọng nhân quyền trên toàn thế giới.
Ông Blinken nói: “Tổng thống Biden cam kết thực hiện một chính sách đối ngoại hợp nhất các giá trị dân chủ với sự lãnh đạo về ngoại giao, và một chính sách tập trung vào việc bảo vệ dân chủ và nhân quyền”.
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực châu Á của Human Rights Watch, tổ chức có trụ sở ở New York từng nhiều lần chỉ trích Việt Nam, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng tuyên bố của ông Blinken “là một bước tiến lớn” và “phản ánh một quyết định hết sức quan trọng của chính quyền Biden” liên quan tới việc “thúc đẩy những giá trị cốt lõi của Mỹ”.
Ông Robertson nhận định thêm rằng tới nay, so với chính quyền Trump, chính quyền Biden “khác một trời một vực” về vấn đề nhân quyền, và rằng Việt Nam phải nhận ra là Mỹ sẽ không “làm ngơ” trước “các vi phạm nhân quyền” của chính quyền Hà Nội.
Phó giám đốc khu vực châu Á của Human Rights Watch cũng kêu gọi chính quyền Biden “tích cực điều tra các hành vi vi phạm quyền ở Việt Nam, lên tiếng phản đối và sử dụng các đòn bẩy khác nhau để yêu cầu Hà Nội chấm dứt các hành vi vi phạm”.
Hai ngày sau khi Việt Nam thông báo ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền hôm 22/2, Hoa Kỳ cũng thông báo chạy đua giành lại một ghế tại cơ quan của Liên Hợp Quốc mà chính quyền Trump đã từ bỏ.
Trong tuyên bố được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ loan tải, Ngoại trưởng Blinken cho biết rằng phía Mỹ thừa nhận còn tồn tại “các thách thức” tại Hội đồng Nhân quyền, trong đó có vấn đề quy chế thành viên vẫn “cho phép các quốc gia có hồ sơ nhân quyền tồi tệ chiếm những ghế mà họ không xứng đáng”.
Trong một báo cáo về Việt Nam ra ngày 16/2, CRS, cơ quan nghiên cứu của Quốc hội Mỹ, dẫn lời “nhiều nhà quan sát” nói rằng “trong vòng vài năm qua, việc đàn áp những người bất đồng chính kiến và người biểu tình đã trở nên tồi tệ hơn, và chính phủ đã tăng cường năng lực pháp lý và công nghệ để giám sát các hoạt động của công dân Việt Nam trên mạng xã hội”.
CRS nhận định thêm rằng “dù Chính quyền Trump vẫn tiếp tục đối thoại nhân quyền song phương hàng năm và chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Việt Nam trong nhiều báo cáo hàng năm và các tuyên bố, nhưng dường như chính quyền Trump đã không dành ưu tiên cao cho nhân quyền trong cách tiếp cận tổng thể đối với Việt Nam”.
VOA Việt Ngữ chưa thấy chính quyền Hà Nội phản ứng về phúc trình của CRS, nhưng tháng Ba năm ngoái từng lên tiếng về báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ, trong đó Bộ này nói là Việt Nam “bắt và truy tố tùy tiện những người chỉ trích chính quyền” hay “can thiệp đáng kể vào quyền tự do hội họp hòa bình [ôn hòa] và tự do lập hội”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói rằng “báo cáo vẫn còn một số nội dung thiếu khách quan dựa trên những thông tin không được kiểm chứng về thực tế tại Việt Nam".
“Tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chủ trương nhất quán của Việt Nam”, bà Hằng nói thêm, theo truyền thông trong nước.