Dự tính ra mắt vaccine COVID-19 tự chế của Việt Nam trong tháng này đã trở nên “mong manh” sau khi Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia Việt Nam tuyên bố “chưa có dữ liệu để đánh giá trực tiếp hiệu lực bảo vệ của vaccine Nanocovax” và yêu cầu Công ty Nanogen - đơn vị nghiên cứu, phát triển vaccine Nanocovax - bổ sung các báo cáo và tiếp tục các cuộc thử nghiệm.
Sau cuộc họp khẩn cấp đánh giá kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 ứng viên vaccine Nanocovax với kết quả nghiên cứu tính đến ngày 2/9/2021, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia kết luận Nanocovax đạt yêu cầu về tính an toàn trong ngắn hạn, có tính sinh miễn dịch nhưng “vẫn chưa có dữ liệu để đánh giá trực tiếp hiệu lực bảo vệ của ứng viên vaccine Nanocovax dựa trên số trường hợp mắc COVID-19 trong nghiên cứu”. Hiệu quả bảo vệ là kết quả quan trọng nhất về chất lượng của một loại vaccine.
“Cần tiếp tục thực hiện đánh giá về hiệu lực bảo vệ theo đề cương được phê duyệt”, trang thông tin của Bộ Y tế dẫn kết luận của Hội đồng Đạo đức nói.
Kể từ khi làn sóng dịch thứ tư bùng phát, chính phủ Việt Nam đã đẩy mạnh tiến trình phát triển và đưa vaccine tự chế ra thị trường để bù lấp khoản thiếu hụt vaccine COVID-19 do tình trạng khan hiếm trên toàn cầu.
Hồi tháng 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đích thân họp với các doanh nghiệp tham gia chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng chống COVID-19 để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Ông khẳng định “Chính phủ nói là làm chứ không phải nói xong để đấy” và yêu cầu các đơn vị “phải bàn và làm bằng được” việc sản xuất vaccine trong nước.
“Nếu mọi việc suôn sẻ thì trong tháng 9 này, chúng ta có thể có vaccine sản xuất trong nước”, tờ báo chính thức của chính phủ Việt Nam dẫn lời ông Phạm Minh Chính nói.
Trong số các ứng viên vaccine COVID-19 do Việt Nam phát triển, Nanocovax là ứng viên có tiềm năng được cấp phép sớm nhất. Vaccine này do Công ty Nanogen nghiên cứu, phát triển và phối hợp với Học viện Quân y và Viện Pasteur TP.HCM trong việc thử nghiệm.
Nanocovax được sản xuất dựa trên công nghệ tái tổ hợp, sử dụng những mảnh kháng nguyên vô hại (protein) thích hợp nhất của nCoV để kích thích tạo đáp ứng miễn dịch. Vaccine được tiêm hai liều, cách nhau 28 ngày.
Bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 1 vào tháng 12/2020, Nanocovax hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm thứ ba. Hiện nhóm nghiên cứu đã hoàn thành hai liều tiêm cho 13.000 người thử nghiệm giai đoạn này và đang trong quá trình theo dõi, đánh giá vaccine để nộp báo cáo cho Bộ Y tế.
Trước đó, Công ty Nanogen tuyên bố nếu vaccine được cấp phép sử dụng, họ có khả năng sản xuất khoảng 100 triệu liều mỗi năm tại các cơ sở ở TP.HCM. Hôm 8/8, công ty đã ký một thỏa thuận với Vekaria Healthcare của Ấn Độ về công nghệ cho phép sản xuất hàng loạt Nanocovax.