Đường dẫn truy cập

Việt Nam, ‘sự thật lịch sử’ không nhất thiết phải... thật!


Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, Dương Văn Minh (đeo kính, nhìn lên), tại đài phát thanh Sài Gòn, 4 tháng Năm, 1975. (AP Photo/Ky Nhan)
Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, Dương Văn Minh (đeo kính, nhìn lên), tại đài phát thanh Sài Gòn, 4 tháng Năm, 1975. (AP Photo/Ky Nhan)

Thêm một lần nữa nhiều người Việt tiếp tục ngậm ngùi về... “lịch sử” và... “sự thật lịch sử”.

Trân Văn

Tuần này, nhiều người sử dụng mạng xã hội Việt ngữ đã chuyển cho nhau xem “Kết luận số 974” do Quân ủy Trung ương (QUTƯ) phát hành ngày 14/3/2022, do ông Lương Cường (Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng – Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị), thay mặt QUTƯ ký.

Mục đích “Kết luận số 794” của QUTƯ là để... “làm rõ người soạn thảo lời Tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh trưa ngày 30/4/1975”. Theo đó: Đại úy Phạm Xuân Thệ, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 cùng cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tổ chức soạn thảo Lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh. Văn bản đang được soạn thảo thì đồng chí Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 có mặt. Từ đó, đồng chí Bùi Văn Tùng cùng bộ phận cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 tiếp tục soạn thảo và hoàn chỉnh lời Tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh đọc vào máy ghi âm để phát trên Đài phát thanh. Riêng lời Tuyên bố chấp nhận đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh do đồng chí Bùi Văn Tùng soạn thảo và trực tiếp đọc trên Đài phát thanh”.

Tuy mục tiêu của “Kết luận số 974” nhằm... “làm rõ người soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn trưa 30/4/1975” nhưng đọc kỹ văn bản này vẫn không rõ... ai là người soạn thảo tuyên bố đầu hàng (?!). Ngoài Đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung tá Bùi Văn Tùng, chẳng lẽ tham gia khởi thảo và hoàn chỉnh “tuyên bố đầu hàng” còn có toàn bộ... cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2?

Trong “Kết luận số 974”, ông tướng có tên Lương Cường, khẳng định, nền tảng cho nội dung của kết luận như vừa dẫn là... “những hội nghị nhằm rà soát, đánh giá khách quan, khoa học, kỹ lưỡng các cứ liệu lịch sử có liên quan” do “Tổng cục Chính trị tổ chức” theo... “chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thường vụ Quân ủy Trung ương” nhưng “sự thật lịch sử” vừa được minh định vẫn tù mù, chẳng khác gì Tổng cục Chính trị xem chỉ đạo của... Ban Bí thư Trung ương đảng và Thường vụ Quân ủy Trung ương như... bung xung. Đó có thể là lý do trong mười ngày vừa qua, không có cơ quan truyền thông chính thức nào giới thiệu “ “Kết luận số 974” dù kết luận này xác định, “sự thật lịch sử” ấy cần được “thông báo rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân”. Mười ngày vừa qua chỉ có người sử dụng mạng xã hội giới thiệu và bình phẩm về “Kết luận số 974”.

***

Trên mạng xã hội, Dong Nguyen nhận xét thế này về “Kết luận số 974”: 47 năm sau QUTƯ mới làm được chuyện đơn sơ như thế này trong khi nhân chứng của vụ này đông đến mức lôi ra bắn một buổi không hết, tài liệu, chứng cứ đốt cả ngày chưa xong. Phải chăng vì “lỡ” phong Anh hùng cho ông Lý Thệ (hậu duệ Lý Thông), nên QUTƯ “chia công”, giao phần “áp giải , tổ chức soạn thảo và cùng soạn thảo” cho họ Lý đỡ nhục? Tại sao sau khi “cùng tiếp tục soạn thảo và hoàn chỉnh” thì QUTƯ lại kết luận “do đồng chí Bùi Văn Tùng soạn thảo"? Công lao “cùng soạn và hoàn chỉnh” của các cán bộ Trung đoàn 66 đâu? Ông Tùng giành cả là sao? Đọc “Kết luận” của QUTƯ mà cảm giác như ông Lương ngỡ mình là họ nhà ‘Lươn. Đáp lại, Ngoc Le Nguyen – một thân hữu khuyên Dong Nguyen: Thôi, đừng thèm nói về sự giả dối, bóp méo lịch sử nữa (1)...

Từ lời khuyên của một thân hữu là nhà báo Nguyễn Hồng Sơn (Cần phải nói rõ rằng tranh cãi ai là người viết tuyên bố đầu hàng chỉ bắt đầu từ năm 1985, khi ông Phạm Xuân Thệ là Tư lệnh phó Sư đoàn 304 của Quân đoàn 2 kể chuyện ông ta viết “tuyên bố đầu hàng” cho phóng viên rồi từ đó mới sinh chuyện... Trước năm 1985, báo chí và sách vở đều khẳng định bác Bùi Văn Tùng là người viết cả hai văn bản. Ngay cả cuốn Lịch sử Quân đoàn 2 nơi hai ông công tác, đều ghi công ông Tùng. Chỉ đến khi ông Thệ là Tư lệnh Quân đoàn 2 năm 1995 thì lịch sử quân đoàn phải viết lại theo lời kể ông Thệ và sự việc kéo dài cho đến hôm nay. Rất buồn là có sự ‘đóng góp’ rất lớn của báo chí vào sự việc này. Tôi biết rõ nhà báo này), ông Nguyễn Thế Khoa nhấn mạnh: Bên cạnh việc cậy quyền thế làm càn của ông Thệ, sự tiếp tay của báo chí bẩn, còn cần nói đến sự ủng hộ của các nhà sử học bẩn để tạo nên một vụ bê bối làm nhục quốc thể, bẻ cong sự thật về trưa 30/4/75 tại dinh Độc Lập và Đài Phát thanh Sài Gòn. Đây là bài học cảnh báo cho các nhà lãnh đạo quốc gia về việc quyền lực có thể đổi trắng thay đen sử sách như thế nào. Thế nên ở nước ta, từ xưa, quốc pháp và các minh quân không cho phép vua chúa can thiệp vào chính sử (2).

Ông Lê Trí Dũng – một thân hữu khác của ông Khoa nhắc lại điều mà ông đã từng đề cập trên facebook của ông về “Hội thảo dã man” khi Viện Khoa học Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức “hội thảo” để hợp pháp hóa kết luận, khẳng định công lao chỉ thuộc về ông Thệ: Dã man ở chỗ một bên là đám tướng tá sao, lon sáng quắc, ầm ầm khí thế, ào ào tham luận đao to, búa lớn... một bên là cụ đại tá già ngồi xe lăn vì tai biến mạch máu não lần thứ ba nói không ra lời!.. Thử hỏi hội thảo tranh luận cái gì? Mấy tay tiếng là phe ông cụ như Bùi Quang Thận thì im thít trước uy thế của bọn Thệ và trước cơm áo của chính mình! Tôi gọi đó là “hội thảo dã man” vì nó VÔ NHÂN TÍNH, LẤY THỊT ĐÈ NGƯỜI, CẢ VÚ LẤP MIỆNG EM. NÓ THA HOÁ CẢ NHỮNG NHÂN CHỨNG SỐNG VỐN LÀ NGƯỜI TỐT NHƯ ÔNG HÀ HUY ĐỈNH... Trong vụ bê bối này VIỆN LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM (VIỆN TRƯỞNG LÀ CỐ THIẾU TƯỚNG TRỊNH VƯƠNG HỒNG) GÁNH TỘI KHÔNG NHỎ. Tôi cũng trách các em gia đình cụ Tùng: Là anh, anh sẽ không bao giờ đưa cha già bệnh tật như thế đi đấu khẩu với lũ MẶT NGƯỜI DẠ THÚ, LÒNG LANG DẠ SÓI ẤY...

Khi trao đổi với nhiều người khác trên trang facebook của ông Nguyễn Thế Khoa, ông Lê Trí Dũng nói thêm: Nếu chỉ để lên ‘tướng’ thì đã chẳng nên chuyện! Công bằng mà nói, không cần cướp công ‘THẢO VĂN BẢN’, Thệ đã có thể lên tướng chỉ bằng những chiến công tác chiến đã có! Tuy nhiên tham vọng của y cộng với sự kích động của đám cố vấn... 48 tuổi lên tướng đủ hướng tới lãnh đạo Bộ Quốc phòng, rồi QUTƯ, rồi... Với bộ não chỉ có lòng THAM của LÝ THÔNG, phải có một lũ tay sai phò trợ vạch đường y mới dám CƯỚP CÔNG THẢO VĂN BẢN CỦA CHÍNH UỶ BÙI VĂN TÙNG... Khi sức khỏe cụ đã yếu, ba lần tai biến mạch máu não, không còn khả năng tranh luận và các cơ quan pháp quyền của quân đội lại nằm trong địa hạt quản lý của TƯ LỆNH QUÂN KHU - TRUNG TƯỚNG PHẠM XUÂN THỆ! Tiếc thay, giấu đầu hở đuôi, cuốn phim SỰ THẬT NGÀY 30/4/1975 CỦA ĐẠO DIỄN PHẠM VIỆT TÙNG ĐÃ VẠCH TRẦN TẤT CẢ! Vì đây là một “còm”, không thể trình bày tất cả phim ảnh tài liệu mà chúng tôi có trong tay nên chỉ tóm tắt ngắn gọn thế thôi! Mong bà con mới biết thông cảm!

Từ “Kết luận số 974” đăng trên trang facebook “Bản tin quân đội”, ông Chu Hồng Quý bình về một vấn đề đã trở thành vấn nạn lưu cữu: Chuyện ông Thệ khai man, nhận vơ là người soạn thảo ‘Tuyên bố đầu hàng” của chính quyền Sài Gòn chỉ là chuyện nhỏ.Trong Chiến dịch Thành cổ Quảng Trị, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu còn trơ trẽn và bỉ ổi hơn. Trước chiến dịch, ông ta đi Liên Xô du học. Thế mà khi viết hồi ký "Một thời Quảng Trị", vẫn nhận vơ và trước đó, khai man thành tích để được phong Anh hùng rồi chui lên tận Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông ta còn lập ra một hội ở Hà Nội, gọi là ‘Hội Cựu chiến binh Thành cổ’, gồm nhiều người không chiến đấu ở Thành cổ, bị “Hội Chiến binh Thành cổ” thật vạch trần sự thật nhưng cuối cùng không ai thắng nổi quyền và tiền (3).

***

Thêm một lần nữa nhiều người Việt tiếp tục ngậm ngùi về... “lịch sử” và... “sự thật lịch sử”. Tham gia thảo luận về “Kết luận số 974” trên trang facebook của Son Kieu Mai - người buột miệng than: Biết sai mà không dám sửa thì càng làm cho uy tín của quân đội bị giảm sút. Còn sự thật lịch sử cuối cùng vẫn cứ được phơi bày, Pham Tam Hieu cho rằng: Thêm một văn bản làm giảm sút danh dự, uy tín của Bộ Quốc phòng. Đã không cứu vãn được những chuyện như Học viện Quân Y, Bộ Tư lệnh Hải quân,… nay thêm xấu hổ vì dối trá về việc ai cũng đã biết sự thật. Phạm Tuấn thì lặp lại điều từng là mong muốn của nhiều người nhưng chưa bao giờ được đoái hoài: Cần kỷ luật và tước quân hàm những kẻ ở Viện Lịch sử Quân sự và cao hơn đã chỉ đạo tổ chức hội thảo, tiếp tay cho Phạm Xuân Thệ làm càn, nói sai sự thật. Sự dối trá vẫn ngự trị, lập lờ, “VŨ NHƯ CẨN”, thật ức chế! Đó cũng là lý do Đinh Trí Dũng bày tỏ sự ngán ngẩm: Xem ra thời nào thì lịch sử cũng chỉ là một “diễn ngôn về lịch sử” và Lý Thông vẫn còn sống khỏe! Jerry Tran tán thành: Vẫn là dã sử và huyền sử! Không phải lịch sử! Đau (4)!

Ông Đinh Kim Phúc, một người học sử và từng dạy sử cho rằng: Sau chữ ký của Lương Cường và con dấu tôi thấy đề xuất của Phạm Hồng Tung (nhân vật được xem là một trong những nhà sử học hàng đầu ở Việt Nam) coi bộ có lý“Lịch sử là ngồi lại với nhau để thống nhất và biểu quyết(5).

Chú thích

(1) https://www.facebook.com/1827708986/posts/10217386714419643/

(2) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=3112073039121789&id=100009573691787

(3) https://www.facebook.com/571357176324729/posts/4780281352098936/

(4) https://www.facebook.com/100005290083376/posts/1939188249600826/

(5) https://www.facebook.com/story.php?story_fbid=3177503105802650&id=100006289747820

  • 16x9 Image

    Thiên Hạ Luận

    Tự kể điều mình biết, tự nói điều mình nghĩ với hàng triệu người đã trở thành chuyện đơn giản và bình thường. Khi một người nói, nhiều người có thể cùng nghe, bất kể người nói là ai, làm gì, ở đâu thì vai trò, vị trí của cá nhân trong tương tác với xã hội đã khác trước và chắc chắn sẽ càng ngày càng khác.

    Đó cũng là lý do để dù muốn hay không, hệ thống truyền thông chính thống phải tự thay đổi. Ban Việt ngữ VOA cũng thấy phải tự thay đổi...

    Trước mặt bạn là “Thiên hạ luận” – chuyên mục mới của Ban Việt ngữ VOA. Tuy nhiên đây chỉ là bước đầu tiên - tập hợp thông tin, ý kiến của nhiều người sử dụng mạng xã hội bằng Việt ngữ về những sự kiện, vấn đề đang được nhiều người quan tâm và có thể là mọi người nên biết, nên bàn thêm - của một tiến trình.

    Liệu “Thiên hạ luận” có thể trở thành nơi mà độc giả chủ động đóng góp mọi thứ (thông tin, ý kiến, hình ảnh) về những sự kiện, vấn đề mà theo họ, mọi người cần biết, cần bàn hay không sẽ do các bạn quyết định.

    Các bài viết của Thiên Hạ Luận là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG