Hệ thống y tế cơ sở rộng khắp ở Việt Nam cùng với nỗ lực của chính phủ kiểm soát chặt chẽ việc phân phối nguồn cung có hạn sẽ đảm bảo cho việc tiêm chủng ngừa Covid-19 ở Việt Nam diễn ra ‘hợp lý, công bằng, và hiệu quả’, một vị bác sĩ trong nước bày tỏ tin tưởng với VOA.
Việt Nam đang gấp rút triển khai tiêm chủng ngừa virus corona trong bối cảnh dịch bệnh đang có chiều hướng phức tạp từ trước Tết Nguyên đán đến nay. Hôm 24/2, Việt Nam tiếp nhận 117.600 liều vaccine đầu tiên do hãng AstraZeneca cung cấp sau khi đã phê chuẩn cho sử dụng vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược này hồi đầu tháng.
Theo truyền thông nhà nước, ‘người dân Việt Nam sẽ được tiêm vaccine miễn phí’ nhưng do nguồn cung hạn chế nên trước mắt chỉ có 11 nhóm đối tượng ưu tiên được chính phủ xác định sẽ được tiêm vaccine trước, bao gồm những người trên tuyến đầu chống dịch và những người làm việc trong các lĩnh vực thiết yếu.
Sau khi đã đảm bảo được nguồn cung cấp, người dân sẽ được tiêm vaccine đại trà và miễn phí nhưng bên cạnh đó ‘sẽ có một phần nhỏ là vaccine dịch vụ cho những người có khả năng chi trả cao hơn’, theo tường thuật của tờ Tuổi Trẻ.
Hiện giờ Việt Nam đã nắm chắc được 60 triệu liều vaccine thuộc diện mua và viện trợ, cũng theo tờ báo này, và đang tiếp tục đàm phán để mua tiếp.
‘Đừng nôn nóng’
Trao đổi với VOA, bác sĩ Nguyễn Đình Toại tại Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết anh đã được bệnh viện thông báo là tất cả mọi người làm việc trong bệnh viện sẽ được chích vaccine nhưng ‘hiện nay chưa có lịch cụ thể’ và rằng mọi người sẽ được xét nghiệm trước, ai âm tính với virus corona sẽ được chích.
“Tiêm chủng ở Việt Nam có cả miễn phí lẫn dịch vụ. Tất cả tùy vào người dân chọn lựa. Người nào muốn chích miễn phí thì đến các trung tâm của nhà nước xếp hàng để chích còn ai muốn chích nhanh hơn thì chích dịch vụ,” bác sĩ Toại giải thích về cách tiêm chủng dịch vụ ở Việt Nam.
Anh cũng kêu gọi mọi người ‘đừng nôn nóng muốn được chích vaccine trước’ vì ‘không thể vì cá nhân mình được mà còn phải nghĩ đến cộng đồng nữa’.
‘Đảm đương nổi’
Về thách thức của việc triển khai chích ngừa cho hàng chục triệu dân, vị bác sĩ này tin rằng ‘hệ thống Việt Nam sẽ đảm đương nổi’.
“Hệ thống cơ sở y tế ở Việt Nam có trung tâm y tế dự phòng ở tất cả các quận, huyện, thành phố, tỉnh trên cả nước,” anh chỉ ra và cho rằng ‘sẽ không có quá tải’ vì trước đây Việt Nam đã thực hiện các chương trình tiêm chủng quốc gia mà ‘tất cả đều diễn ra bình thường’.
Về những hoài nghi sẽ xảy ra tiêu cực trong việc phân phối vaccine hay tiêm chủng do nguồn cung có hạn, vị bác sĩ này cho rằng ‘ít có khả năng.’ Tuy nhiên, anh cảnh báo: “Khả năng mọi người đánh đổi để đưa vaccine ra ngoài chích không có sự kiểm soát thì thực sự nguy cơ rất cao có khi có tai biến xảy ra nên mọi người cần phải ý thức.”
Theo lời anh, đây là vaccine mới và kết quả thử nghiệm chưa phải là an toàn tuyệt đối như các vaccine khác nên ‘cần phải được chủng ngừa dưới sự giám sát của các nhân viên y tế để phòng tai biến xảy ra’.
“Dịch đã có một năm qua và Việt Nam đã làm rất tốt trong việc ngăn bệnh lây lan trong cộng đồng nên vaccine có trước hay có sau không phải là vấn đề gấp gáp,” bác sĩ Toại lưu ý.