Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết Việt Nam đang xác minh thông tin Trung Quốc xây dựng một căn cứ tên lửa đất đối không ngay sát biên giới với Việt Nam. Phát biểu của bà Lê Thị Thu Hằng được đưa ra trong cuộc họp báo ngày 4/2, sau khi phóng viên đặt câu hỏi yêu cầu bình luận về thông tin này.
Trước đó, ngày 3/2, trang Đại Ký Sự Biển Đông công bố ảnh vệ tinh cho thấy một căn cứ tên lửa đất đối không đang được hoàn tất ở huyện Ninh Minh thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, chỉ cách biên giới Việt Nam khoảng 20 km.
Thông tin này sau khi được công bố trên trang tin về Biển Đông (South China Sea News) trên Twitter đã thu hút nhiều sự chú ý, giữa bối cảnh Trung Quốc vừa khai mạc cuộc diễn tập ngay ở Vịnh Bắc Bộ, phía đông Việt Nam, trong lúc Đảng Cộng sản Việt Nam đang tổ chức Đại hội 13 để sắp xếp lại cơ cấu lãnh đạo.
Theo trang Đại Ký Sự Biển Đông, căn cứ tên lửa của Trung Quốc nằm cách một công trình được cho là một sân bay trực thăng quân sự đang trong quá trình xây dựng mà trang này công bố trước đó khoảng 40 km.
Dựa trên dữ liệu vệ tinh, tổ chức phi chính phủ này cho rằng căn cứ tên lửa đất đối không của Trung Quốc được bắt đầu xây dựng trong khoảng thời gian từ tháng 6/2019 và đến nay đã gần hoàn thành.
Theo lời các nhà phân tích an ninh nói với VOA, quân đội Trung Quốc gần đây tăng cường mở rộng căn cứ hải quân trên Biển Đông để giúp cho hạm đội của họ có nhiều ảnh hưởng hơn trên tuyến thủy lộ chiến lược đầy tranh chấp.
Cơ sở dữ liệu quân sự GlobalSecurity.org cho biết ít nhất trong năm qua, hải quân Trung Quốc đã mở rộng Căn cứ Hải quân Du Lâm trên đảo Hải Nam từ một cơ sở tàu ngầm thông thường, biến căn cứ này trở thành nơi có thể chứa đến 16 tàu ngầm. Ngoài ra, các tàu sân bay và thiết bị viễn thám cũng được dự kiến sẽ đóng tại căn cứ Du Lâm hoặc gần đó.
Các nhà phân tích tin rằng việc mở rộng căn cứ hải quân sẽ giúp cho Trung Quốc dễ dàng tiếp cận Biển Đông hơn, bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho Bắc Kinh tiến hành các cuộc tập trận và theo dõi hoạt động của các nước khác.
Chuyên gia Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nhận định với VOA gần đây rằng do vị trí địa lý cách xa khu vực Biển Đông, Trung Quốc không dễ dàng đóng tàu thường trực trên các đảo nhỏ. Vì vậy, căn cứ hải quân được Bắc Kinh mở rộng sẽ trở thành trung tâm để từ đó kiểm soát tất cả những hoạt động triển khai và bố trí quân sự ở Hoàng Sa và Trường Sa.