Tổ chức lao động LHQ ước lượng có khỏang 195 triệu việc làm toàn thời gian bị mất chỉ trong quý hai này do COVID-19 bùng phát, với các cơ sở kinh doanh và các nhà máy trên toàn cầu đóng cửa.
Dự đoán của Tổ chức Lao động Quốc tế căn cứ vào ảnh hưởng ngày càng tăng của virus, và tăng mạnh so với ước lượng vào ngày 18/3 rằng có thêm 25 triệu việc làm bị mất nữa trong cả năm nay.
Bộ ngoại giao Trung Quốc ngày 8/4 bênh vực Tổ chức Y tế Thế giới WHO trong việc đáp ứng với đại dịch virus corona, giữa những chỉ trích là tổ chức này không thúc ép Trung Quốc đủ mạnh về thông tin vào lúc dịch bệnh bắt dầu bùng phát.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên bày tỏ quan ngại sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7/4 đe dọa ngưng tài trợ cho WHO, nói rằng tố chức quốc tế này đã không đáp ứng đúng và đủ về đại dịch virus corona.
Ông Triệu nói “việc này sẽ có ảnh hưởng tiêu cực trong sự hợp tác quốc tế chống đại dịch,” Ông nói thêm “Chúng tôi hy vọng là tất cả các nước sẽ giúp và hỗ trợ lẫn nhau và cùng nhau đóng góp vào cuộc chiến toàn cầu chống dịch bệnh.”
Tử vong cao kỷ lục tại New York, New Jersey
Tâm điểm của đại dịch corona tại Mỹ, New York, cùng bang lân cận là New Jersey tiếp tục báo cáo số tử vong cao kỷ lục trong một ngày.
New York có thêm 779 người chết vì virus corona, số cao kỷ lục trong ngày thứ nhì, Thống đốc Andrew Cuomo cho biết.
Số người nhiễm virus corona tại bang New York đã lên gần 150.000 hôm 8/4.
Tại New Jersey, giới hữu trách xác nhận thêm 275 ca tử vong hôm 8/4, mức tăng cao nhất trong một ngày tại đây, nâng tổng số người chết lên hơn 1.500 ca.
New Jersey đứng thứ hai trên toàn nước Mỹ về tổng số tử vong vì virus corona, chỉ sau New York.
Hoa Kỳ hiện có gần 420.000 người bị nhiễm và hơn 14.300 người tử vong vì virus corona.
Các giới chức New York nói số người chết tại nhà tăng vọt gần đây cho thấy con số thống kê tử vong vì virus corona có thể còn thiếu nhưng có một tín hiệu khả quan là số ca bệnh mới nhập viện có chiều hướng giảm.
Nhà chức trách dự báo số ca thiệt mạng sẽ tiếp tục ở mức hiện nay hoặc tăng lên trong vài ngày tới khi các bệnh nhân nguy kịch đã nhập viện cách đây 2 tuần và đang thoi thóp nhờ máy thở không còn cầm cự được nữa.
Bang Louisiana trong ngày qua loan báo 70 ca tử vong, duy trì số tăng kỷ lục trong 24 giờ của một ngày trước đó.
Khoảng 94% dân số Mỹ đã được lệnh ‘ở nhà’.
Kế hoạch vực dậy
Giới chức y tế Mỹ đang lên các phương án để quốc gia trở lại các hoạt động bình thường nếu biện pháp giãn cách xã hội và các phương pháp khống chế COVID-19 trong tháng này chứng tỏ thành công, bác sĩ Anthony Fauci, lãnh đạo Viện Dị ứng và các Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, cho biết ngày 8/4.
Tuy nhiên, ngay lúc này, giới hữu trách nhấn mạnh người dân Mỹ phải tiếp tục các biện pháp cách ly nếu không Mỹ có nguy cơ tiếp tục lên đỉnh điểm dịch cho dù thời tiết mùa xuân có ấm lên.
Chi trên tỷ đô sản xuất máy thở
Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) ngày 8/4 ký hai hợp đồng trị giá hơn 1 tỷ đô la để sản xuất máy thở cho các bệnh nhân COVID-19 và dự định trong tuần này sẽ ký tiếp 5 hợp đồng nữa.
Công ty General Motors GM nhận hợp đồng 489 triệu đô để sản xuất 30.000 máy thở và công ty công nghệ y tế Hà Lan Philips nhận hợp đồng trên 646 triệu đô để làm ra 43.000 máy thở trước cuối năm nay.
GM sẽ giao hết số hàng trước cuối tháng 8 và lô hàng đầu tiên gồm trên 6.000 máy thở sẽ có trước ngày 1/6.
Còn Philips cho hay trước cuối tháng 5 sẽ có lô hàng đầu tiên gồm 2.500 máy thở.
Tháng rồi, công ty nói tới quý III sẽ tăng cường sản lượng máy thở lên 4.000 cái/tuần sau khi tăng đôi năng suất lên thành 1.000 sản phẩm/tuần trong tháng Ba.
Brazil mua đồ y tế không được, tự sản xuất
Bộ trưởng Y tế Brazil, Luis Henrique Mandetta, ngày 8/4 loan báo nỗ lực mua trang cụ y tế từ Trung Quốc để chống virus corona bất thành, nên chính phủ đang quay sang các công ty nội địa để nhờ sản xuất máy thở.
Số người nhiễm virus tại Brazil tính tới 8/4 là 15.927 người. Số tử vong trong 24 giờ qua tăng thêm 133 ca, lên thành 800.
Pháp gia hạn phong toả, tử vong gần 11.000
Số người chết vì virus corona trong các bệnh viện Pháp hiện là 10.869 ca. Lệnh phong toả có hiệu lực từ 17/3 đã được gia hạn một lần và nay sẽ kéo dài qua ngày 15/4.
Sức khỏe Thủ tướng Anh ‘cải thiện’
Tình trạng sức khoẻ của Thủ tướng Anh Boris Johnson đang cải thiện và ông có thể tự ngồi dậy trên giường bệnh, giao tiếp với nhân viên bệnh viện. Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak loan báo tin này ngày 8/4 trong lúc ông Johnson vẫn còn trong khu chăm sóc đặc biệt của bệnh viện vì COVID-19.